Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công với các cháu thiếu nhi |
Ảnh: Tư liệu |
Sinh ngày 7.8.1912 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nay là X.Tam Xuân 1, H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), ông Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn tham gia cách mạng từ rất sớm với bí danh Xuân, Năm Công.
Với tài năng, trí tuệ và tinh thần nhiệt huyết cách mạng, ông Võ Chí Công được cử làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ, rồi Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam. Dù ở bất kỳ vị trí nào, ông cũng là một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, gan dạ trong thời kỳ khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở Quảng Nam những năm 1939 - 1945.
Từ năm 1952, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Võ Chí Công đã có nhiều quyết định kịp thời, đúng đắn để chỉ đạo xây dựng khối đại đoàn kết và phát huy được sức mạnh của toàn dân, từng bước đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, lập nên nhiều chiến công vang dội, chia lửa cùng chiến trường cả nước trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, suốt 21 năm, được T.Ư Đảng tin tưởng giao nhiều trọng trách, ông đã kiên cường bám trụ, hoạt động, chiến đấu ở chiến trường ác liệt; lãnh đạo quân và dân miền Nam, đặc biệt là ở Liên khu V chiến đấu không lùi bước, giữ gìn và phát triển lực lượng, đánh bại các chiến lược leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ. Từ thực tiễn cách mạng, ông Võ Chí Công đã đề xuất với T.Ư nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường cách mạng miền Nam, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Sau ngày hòa bình thống nhất, trong những năm gian khó của đất nước sau chiến tranh, trên cương vị Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng, ông luôn trăn trở, tìm tòi, tiên phong trong đổi mới về tư duy kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trên cơ sở đó, góp phần quan trọng hình thành Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa IV về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Đây là bước đột phá về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, mở ra bước ngoặt trong sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông cùng với Hội đồng Nhà nước tập hợp rộng rãi ý kiến của nhân dân, kiên trì đấu tranh với quan điểm sai trái, kiên định những nội dung cơ bản về dân chủ, pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước được thông qua, có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công là dịp để chúng ta tưởng nhớ cuộc đời và những cống hiến to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Bình luận (0)