Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ

Thu Hằng
Thu Hằng
09/07/2022 10:00 GMT+7

Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, không chỉ là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ còn là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.

Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9.7.1912, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng và là hậu duệ đời thứ 17 của danh nhân Nguyễn Trãi, ở xã Phù Khê, H.Từ Sơn (Bắc Ninh), nay thuộc TP.Từ Sơn (Bắc Ninh).

Tượng đài Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Khu lưu niệm ở TP.Từ Sơn

Ảnh: BacNinhtv

Kế thừa truyền thống gia đình, năm 1927, khi mới 15 tuổi đang học ở Trường Bưởi, ông đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm và bị thực dân Pháp đuổi học vì tham gia hoạt động cách mạng.

Với nhiều thành tích trong hoạt động cách mạng, tháng 6.1929, Nguyễn Văn Cừ đã được kết nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và trở thành cán bộ Đảng cốt cán đầu tiên ở vùng than Đông Bắc. Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ, ông bị thực dân Pháp bắt và bị xử lưu đày chung thân tại Côn Đảo.

Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp và áp lực đấu tranh của nhân dân ta, ông Nguyễn Văn Cừ và một số đồng chí tù chính trị ở Côn Đảo được trả tự do.

Dù không được đi học ở trường lớp lý luận chính trị nào, nhưng với tinh thần say mê học tập, rèn luyện và vươn lên không ngừng, bằng niềm tin, nghị lực, ông đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Tại Hội nghị T.Ư lần thứ 5 (3.1938), ông Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng mới. Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào cao trào mới thì đầu năm 1940, ông bị địch bắt và xử bắn.

Với 29 tuổi đời, hơn 13 ba năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn 2 năm làm Tổng bí thư của Đảng, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến to lớn đối với Đảng và dân tộc. Ông không chỉ là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược, một tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng.

Đặc biệt, những cống hiến về tư tưởng và lý luận, với tác phẩm “Tự chỉ trích” mãi còn nguyên giá trị. Đây là một văn kiện lý luận chính trị quan trọng của Đảng, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Cùng với những nhận định và quyết định sáng suốt, kịp thời, những chủ trương nhạy bén và sáng tạo do Hội nghị T.Ư 5, 6 vạch ra dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ vẫn được Đảng và nhân dân ta thực hiện một cách sáng tạo, góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng 8 lịch sử.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là dịp tưởng nhớ cuộc đời cách mạng vẻ vang, cao đẹp, tri ân những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.