Kỷ niệm 3 năm ngày mất nữ sĩ Ngân Giang - Những giai thoại thú vị về nhà thơ nữ tài hoa

26/08/2005 22:41 GMT+7

Kỷ niệm 3 năm ngày mất Ngân Giang, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa Lạc Việt sẽ tổ chức lễ tưởng niệm, giới thiệu tác giả - tác phẩm lúc 19 giờ ngày 29.8.2005 tại Trung tâm Văn hóa Q.Phú Nhuận (TP.HCM). Nhân dịp này, Thanh Niên giới thiệu những giai thoại thú vị xung quanh cuộc đời nhà thơ nữ tài hoa này, cuộc đời mà chính bà tự nhận "những truân chuyên, điêu đứng hơn cả tuổi đời và tuổi cầm bút…".

 

Vang danh "thần đồng nữ sĩ"

 

Vào một ngày năm 1920, người nhà của một nho sĩ ở phố Hàng Trống hết sức sửng sốt khi chứng kiến bé Đỗ Thị Quế (4 tuổi) đang khóc vùi trên trang sách Truyện bà Chúa Ba. Bé thú nhận đã không cầm được nước mắt khi đọc được những tình tiết hết sức thương cảm trong truyện. Không ai có thể tin được: 4 tuổi đã đọc được sách, mà cháu học chữ quốc ngữ với ai? Ở đâu? - Hóa ra nhà bên cạnh có thuê thầy dạy chữ quốc ngữ cho con và bé Quế vẫn thường qua học lóm! 9 tuổi, bé Quế đăng bài thơ đầu tiên Vịnh Kiều trên Báo Đông Pháp với bút danh Nguyệt Quyên (báo này xưng tụng là "thần đồng nữ sĩ"). 13 tuổi đã là cây bút thường xuyên cộng tác với các tờ báo Trung Bắc tân văn, Đông Pháp với bút danh Đỗ Quế Anh. 16 tuổi in tuyển thơ văn đầu tiên Giọt lệ xuân (ký tên Hạnh Liên, NXB Tân Dân, 1932)...

 

"Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá!" và cái chết của thi sĩ Đông Hồ

 


Ngân Giang - một thời xuân sắc

Xuất thân trong một gia đình theo Nho học truyền thống, lại được cha và bác dạy chữ Hán từ nhỏ nên thơ Ngân Giang chịu ảnh hưởng phong cách cổ điển. Thế nhưng, khi "làn gió cách mạng" thổi đến thì chính Ngân Giang là một trong những người "đón gió" sớm nhất. Ngân Giang đã tham gia vào tổ chức Thanh niên Cộng sản Cách mạng (1934), thơ của bà trở nên hào sảng, đề cao tinh thần dân tộc, cổ súy lòng yêu nước, hoàn thiện hình ảnh người phụ nữ trong thời loạn ly. Đặc biệt, bài Trưng Nữ vương sáng tác năm 1939 (lúc 23 tuổi) với những câu: "Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa. Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi. Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá! Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi", khiến nhiều người "nổi gai ốc": dưới ánh trăng, lừng lững một khí phách và lừng lững một nỗi cô đơn chất ngất của "người đàn bà - vua"! Đúng 30 năm sau trên bục giảng Đại học Văn khoa Sài Gòn, thi sĩ Đông Hồ bình giảng bài Trưng Nữ vương. Khi ngâm đến câu "Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá !" vì quá xúc động, Đông Hồ bị đứt gân máu, bất tỉnh và qua đời lúc 19 giờ ngày 25.3.1969. Về việc này, nhà thơ Chiêu Dương viết bài Cảm thương: "Ai đem tang tóc vào thơ. Ngâm câu "điện ngọc...", Đông Hồ ra đi...".

 

Giai nhân và viên tướng nước ngoài

 

17 tuổi, Ngân Giang lấy chồng nhưng ngay trong đêm tân hôn thì bọn mật thám xộc vào nhà chồng khám xét vì cô dâu có dính líu đến "hội kín". Sau đó chuyện êm xuôi nhưng bố mẹ chồng khiếp đảm, trả nàng về với bố mẹ ruột. Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà bắt đầu từ đó. Cuối tháng 8.1945, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch tiến vào miền Bắc với danh nghĩa "giải giới phát xít Nhật". Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ) cũng dựa hơi quan thầy ra sức hoạt động phá hoại cách mạng. Tháng 11.1945, nhạc sĩ Đỗ Nhuận và một số đồng chí bị VNQDĐ bắt giam tại 132 phố Duvigneau (nay là Bùi Thị Xuân - Hà Nội). Theo sự phân công của anh Đào Khánh (tức Hoàng Tùng), Ngân Giang đóng vai một tiểu thư khuê các, đem theo một cô hầu (là chị Hoàng Ngân - hôn thê của đồng chí Hoàng Văn Thụ) và anh Chinh (phiên dịch) đến gặp tướng Lư Hán (Tổng tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch tại Bắc Việt) thăm... xã giao. Lúc tiễn đoàn người ra về "người hùng" có hứa sẵn lòng giúp đỡ người đẹp nếu có việc nhờ đến. Vậy là người đẹp thỏ thẻ: "Chắc có sự hiểu nhầm nào đấy mà mấy anh bạn trong ban nhạc quen biết của tôi bị Quốc dân đảng bắt giam. Nhờ tướng quân...". Hơn 30 năm sau, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có viết một tờ "chứng nhận" (ghi ngày 4.4.1979), trích: "Chị đã liên hệ với đồng chí Chu Đình Xương lúc đó là Giám đốc Công an Bắc Bộ, tìm cách cứu tôi ra bằng cách vận động tên Sư trưởng Tàu Tưởng Giới Thạch cho quân đến giải vây. Chị đã không quản ngại nguy hiểm, thân hành đến trụ sở Quốc dân đảng buộc chúng phải thả ra. Nhân dịp đó, chị đã giải thoát thêm 2 đồng chí Cao Phi (nay là cán bộ Sở Công an Hà Nội) và anh Bảo (cán bộ trinh sát đã hy sinh)...". Rõ ràng Ngân Giang không chỉ biết làm thơ mà còn gan dạ và mưu trí ! 

 

Từ bài thơ trên gấm đoạn hồng đến 30 tạ gạo tiếp tế cho bộ đội

 

Đầu năm 1946, Ngân Giang sáng tác bài Kính dâng các bậc Anh hùng dân tộc: "Ta say uy vũ Trần Hưng Đạo. Ta say sự nghiệp Hồ Chí Minh. Nhật nguyệt soi ngời cung Thúy Lĩnh. Hoa hương chầu ngát đất Mê Linh...". Bài thơ được nữ sĩ kỳ công thêu vào một tấm vóc đại hồng và gửi tặng Bác Hồ và được Bác tặng lại hai câu thơ: "Mấy lời cảm tạ Ngân Giang. Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu". Do hậu quả nạn đói năm Ất Dậu (1945), vấn đề lương thực cho bộ đội gặp rất nhiều khó khăn. Ngân Giang đã huy động vốn liếng gia đình rồi lên Bắc Giang mua 300 tạ gạo chuyển về bằng đường xe lửa, tiếp tế cho bộ đội đóng ở sân bay Bạch Mai.

 

Quán nước ven sông

 

Trở về với đời sống của người dân thường, Ngân Giang còn lại đôi bàn tay trắng và... 10 người con - một gánh quá nặng oằn lên đôi vai của người đàn bà làm thơ này. Bà mở một quán nước ở bãi Nghĩa Dũng ven sông Hồng, khách của quán phần đông là anh em văn nghệ, nên khách cũng như chủ: chuyện văn chương, thi phú thì nhiều còn "hầu bao" thì lép kẹp. Nghệ sĩ Hoài Anh (con gái út của Ngân Giang) kể: "Tôi nhớ mãi cái cảnh nhà thơ Hoàng Cầm, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn đến chơi. Nhà chật, các cụ ngồi lên cái chõng tre. Ai ngờ cái chõng cũ mọt nát, đổ sập làm các cụ té chỏng vó nhưng cả nhà lại đầy vang tiếng cười...". Chính nhờ sống trong tình cảm chan hòa với bạn bè tri âm, tri kỷ mà Ngân Giang sống thọ và sáng tác sung sức cho đến cuối đời, dù trải qua nhiều truân chuyên. Trong một giáp cuối cùng của đời bà, bà đã nếm được cái hạnh phúc của người cầm bút: 6 tập Thơ Ngân Giang được lần lượt ấn hành từ năm 1989 đến khi bà qua đời (trong đó có tập Thơ Ngân Giang 1994 được Trung ương Hội Các hội liên hiệp văn họåc nghệ thuật Việt Nam trao Giải thưởng thơ 1994).

Ngân Giang từ trần lúc 9 giờ sáng ngày 17.7.2002, thọ 86 tuổi với gần 80 năm làm thơ.                                             

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.