Trong số ba thủ lĩnh đầu tiên trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 11.3.1945 là Phạm Kiệt, Nguyễn Khoách và Nguyễn Đôn, hiện nay chỉ còn một người. Đó là Trung tướng Nguyễn Đôn, người thủ lĩnh duy nhất của đội quân du kích còn sống đến hôm nay. Ông đang định cư tại Đà Nẵng, sắp bước vào tuổi “bách niên”.
Trung tướng Nguyễn Đôn - Ảnh: T.Đ
|
Nếu như Phạm Kiệt nổi danh với việc chủ trương “kéo pháo ra” cùng với tướng Giáp trong chiến dịch Điện Biên, Nguyễn Khoách được nhiều người biết đến với tư cách là một trong hai “ông tướng” (cùng với Võ Bẩm) được Bác Hồ trực tiếp giao việc mở đường 559 thì tướng Đôn không đình đám với những chiến công vang dội trong đời binh nghiệp nhưng tên tuổi của ông luôn gắn với cuộc khởi nghĩa lừng danh Ba Tơ.
Cùng với Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn đã trực tiếp vào đồn Tây ở Ba Tơ để thuyết phục đám lính khố xanh cùng tên quan tư Pháp hạ vũ khí, giao đồn cho cách mạng ngay sau khi Nhật vừa đảo chính Pháp đêm 9.3.1945.
Cũng chính Nguyễn Đôn là một trong ba vị thủ lĩnh của đội du kích thuyết phục với các nhà lãnh đạo Tỉnh ủy bấy giờ nên đưa ngay đội du kích về đồng bằng, phát triển nhanh lực lượng vũ trang để tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, đưa Quảng Ngãi trở thành địa phương đầu tiên ở miền Trung giành chính quyền sớm nhất từ tay phátxít Nhật.
Không có một nhãn quan chiến lược quân sự, nếu để đội du kích với vài mươi tay súng tiếp tục bám với vùng rừng Ba Tơ thì khó có thể tiến hành giành chính quyền một cách chóng vánh như thế. Cũng như nếu không có sự nhạy cảm của một nhà chính trị từng trải thì sẽ rất khó khăn để lấy được đồn Ba Tơ từ tay quân Pháp một cách nhanh gọn và thành lập được chính quyền cách mạng đầu tiên ở vùng rừng heo hút này.
Tướng Đôn nhớ lại: “Hội nghị Trung ương 8 chủ trương “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” nhưng không phải nơi nào cũng quán triệt được. Ngay trong đêm mùng 9.3.1945, tin Nhật hất cẳng Pháp đã được một cơ sở của ta chạy bộ từ sông Vệ lên Ba Tơ báo lại.
Chúng tôi phải hành động ngay việc chiếm đồn Ba Tơ và thành lập đội du kích, vì nếu để qua ngày 12.3, Nhật sẽ đưa quân lên Ba Tơ thì cái giá phải trả để cuộc khởi nghĩa thắng lợi sẽ đắt hơn nhiều”.
Ba Tơ từng là nơi rừng thiêng nước độc. Thực dân Pháp đã lập “căng an trí” nơi đây để giam lỏng những người cộng sản, mượn khí hậu khắc nghiệt của vùng rừng này để tiêu diệt ý chí đấu tranh của những “ông đỏ” sau khi đã mãn hạn tù từ các nhà lao khét tiếng trong nước. Nhưng dã tâm đó của thực dân Pháp đã vô tình “kết nối” ý chí của những người cộng sản ngay tại chốn rừng thiêng này.
Nguyễn Đôn là một trong những thành viên của “căng an trí”, đã biến nhà tù đế quốc thành “tử huyệt” cho chính những người sinh ra nó. Nếu không có cuộc “hội ngộ” tình cờ mà như định mệnh ấy của những người tù chính trị thì sẽ không có đội quân du kích. Chính đội quân tiền thân của lực lượng vũ trang Khu 5 này đã góp công lớn trong cuộc khởi nghĩa mùa thu năm 1945 và cuộc trường chinh 9 năm sau đó.
Sau 70 năm, nơi rừng thiêng nước độc ấy giờ thành một vùng đất trù mật. Ba Tơ đã đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đội quân du kích năm xưa cũng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cách đây 5 năm. Trong cuộc trường chinh để rũ bỏ ngục tù và nghèo đói ấy luôn thấp thoáng bóng dáng của những người du kích cách đây 70 năm như Trung tướng Nguyễn Đôn.
Bình luận (0)