(iHay) Anh bạn tôi dắt một chị chó Alaska to bự đến chơi. Anh thỉnh thoảng đến nên đã quen với lũ chó Phú Quốc nhà tôi, nhưng khi anh đưa con chó của anh đến định xích trước sân thì 5 con chó lớn của tôi vừa sủa ỏm tỏi vừa... dàn trận.
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 12: Ba cấp độ chó săn>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 11: Luận về danh lợi
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 10: Thằng Bí xấu trai
|
Một con chặn đầu, một con chặn đuôi, hai con chặn hai bên sườn, riêng thằng Ổi đứng ngoài chỉ huy theo dõi động tĩnh. Bạn tôi cầm dây xích đứng cạnh, chúng không động tới nhưng không coi ra gì. Tôi đã từng chứng kiến thằng Bim và con Tu-ti đối đầu với "cường địch" rượt đuổi trước đây nên hiểu được chiến pháp của chúng. Nếu tôi không có mặt kịp thời thì diễn biến như sau: Thằng Ổi từ ngoài sẽ phóng thẳng vào ngoạm chặt gáy con Alaska. Dĩ nhiên con Alaska khỏe mạnh sẽ không đứng yên cho dính đòn. Nhưng vòng vây đã bị siết chặt, bốn phía đều có địch. Nếu nó tiến tới trước, thằng Chuối sẽ ra đòn, né sang phải có thằng Bầu, né sang trái có thằng Bí, lùi lại sau có con Tu-ti. Tóm lại, chỉ cần nó né đòn thằng Ổi, né sang phía nào thì phía ấy sẽ có con ra đòn và khi bị đòn từ bất cứ con nào thì thằng Ổi và cả bọn sẽ đồng loạt tấn công, con Alaska khó mà thoát nạn.
Tất nhiên tôi có mặt đúng lúc, quát “Thôi” một tiếng, cả 5 đứa dãn ra. Bạn tôi sợ quá phải dắt chó về. Đó là lũ chó nhà tôi dàn trận bảo vệ lãnh địa. Trận pháp đó tôi không hề dạy cho chúng. Sau lần nghe tôi quát “Thôi” nói trên, lũ chó nhà tôi không coi con Alaska là kẻ địch nữa, khi con Alaska động dục, bạn tôi còn dắt sang "gả" cho thằng Ổi và thằng Chuối, rất mặn mà tình tứ. Loài chó không tham lam thù hận như loài người, chúng đánh nhau là để bảo vệ lãnh địa, khi biết rõ đối phương không có ý định xâm chiếm lãnh địa của chúng thì lập tức có hòa bình.
Đối với "cường địch" là người, tôi chưa có cơ hội chứng kiến lũ chó nhà tôi bày trận pháp, vì người đến nhà tôi chưa có ai là “địch”, người quen thì chúng vẫy đuôi chào hỏi, người lạ thì tôi ngăn không để chúng làm phiền khách. Bọn trộm gà nay thấy bầy chó tuần tra khắp nơi không kẻ nào dám bén mảng tới. Nhưng có lẽ trận pháp đối phó với người không đơn giản như trận pháp đối phó với chó. Con chó ngay thật, không có ngoại lệ, còn con người thì đầy mưu mô xảo trá.
|
Ai đã đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung có thể tưởng tượng về trận pháp và chiến pháp của con chó đối phó với người. Đả cẩu bổng pháp là môn võ công thượng thừa vang danh thiên hạ thực chất là gì vậy? Nó chính là công phu của Bang chủ Cái Bang dùng để đối phó với lũ chó. Ông Kim Dung không nói về công phu của con chó nhưng từ công phu Đả cẩu bổng pháp, ta có thể suy ra.
Lẽ ra các đệ tử Cái bang chân chính và lũ chó chẳng có thù oán gì, ngặt nỗi phần lớn các gia đình đều không mấy thân thiện với những người ăn xin, nên nhiều khi để mặc lũ chó tấn công họ, thậm chí có gia đình còn xua chó ra đuổi, bởi vậy lũ chó nhầm tưởng họ là “địch”. Sự nhầm tưởng này đã trở thành thâm căn cố đế, bởi vì lòng thương những người ăn mày thuộc về đức hạnh của con người, mà đức hạnh thầm lặng thì ít hơn đức hạnh được quảng bá. Con chó ngày xưa không đọc sách thánh hiền, con chó ngày nay không xem truyền hình, không đọc báo, không lên mạng, nó chỉ nhìn đức hạnh thật của chủ nó đối với người ăn mày thật chứ đâu có biết thứ đức hạnh mà chủ nó đem ra quảng bá, cho nên sự nhầm lẫn của số đông lũ chó là không thể cải thiện. Bởi thế người ta thường dùng từ “bị gậy” để chỉ những người ăn xin, dù có gia nhập Cái Bang hay không. “Bị” để đựng của bố thí, “gậy” dùng để đánh chó. Và từ một chiếc gậy đánh chó (đả cẩu bổng) và phương pháp sử dụng chiếc gậy đó (đả cẩu bổng pháp) đã biến thành một công phu dùng để tranh hùng, Kim Dung tiên sinh quả là thâm thúy. Ẩn ý của Kim Dung tiên sinh là, võ công của con chó thuộc hàng cái thế, thắng được con chó cũng đủ để xưng bá võ lâm.
Nhưng thắng được con chó đâu có dễ. Thuở xưa con người còn lương thiện, chưa ai nghĩ đến việc dùng lưỡi câu hay bả độc, điện cũng chưa được phát minh nên chưa ai nghĩ đến dùng chích điện để hại chó. Để có thể đối địch được với con chó một cách công bằng sòng phẳng, mười mấy đời Bang chủ Cái Bang suốt mấy trăm năm đã phải dày công sáng tạo ra bộ Đả cẩu bổng pháp với 36 chiêu thức ảo diệu xuất thần nhập hóa, khi ào ạt như thác đổ sóng trào, khi tít mù như mây vờn bão cuốn. Một chiếc gậy mà lúc biến thành bức trường thành hộ thân vững chãi, lúc hóa ra kình lực ngàn cân, lúc phiêu diêu thành ngàn chiếc gậy bao phủ toàn thân khiến cho đối phương bị triệt tiêu mọi nỗ lực tấn công. Đả cẩu bổng pháp chính là học từ con chó để đối phó với con chó, rồi đem ra hành hiệp trên giang hồ, nhưng nó là thứ võ công chỉ được truyền riêng cho Bang chủ, điều đó có nghĩa là trừ Hồng Thất Công lão nhân gia cùng các vị bang chủ tiền bối và kế nhiệm, không một ai có thể dùng võ công chính trực mà địch nổi con chó, nếu không dùng các biện pháp lưu manh đê tiện của phường trộm chó xưa nay.
Vì lẽ đó mà “con đầu đàn” tôi rất tự hào nếu sau này đắc đạo trở thành một con chó. Và câu chuyện của Kim Dung tiên sinh có thể gợi cho các bạn nuôi chó điều này: Chó Phú Quốc hay bất cứ con chó nào cũng đều trở thành con chó giữ nhà tốt. Nếu có một đàn chó 4-5 con thì không chỉ một kẻ gian mà cả một bầy kẻ gian cũng không thể xâm nhập vào nhà bạn được. Chỉ xin lưu ý hai điều: Thứ nhất, bạn không nên để con chó hay bầy chó của bạn nhầm lẫn người ăn xin với kẻ gian. Thứ hai, bạn phải cố gắng dạy lũ chó của bạn không ăn thức ăn lạ để tránh bị câu hay bị bả. Còn việc tránh bị chích điện thì tôi chưa nghĩ ra, chỉ biết rằng chích điện được con chó Phú Quốc không hề dễ.
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 12: Ba cấp độ chó săn
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 11: Luận về danh lợi
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 10: Thằng Bí xấu trai
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 9: Nỗi niềm nan giải
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 8: Chó mẹ nuôi dạy con
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 7: Khi chó sống chung với dê
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 6: Lãnh thổ của con chó
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 5: Sạch như… chó
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 4: Khi chó Phú Quốc mất điều kiện tự kháng bệnh
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 3: 'Con đầu đàn' vô tích sự
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”
Bình luận (0)