TNO

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 14: ‘Sứ mệnh’ của con chó

14/04/2015 13:18 GMT+7

(iHay) Con Tu-ti nhà tôi vừa đẻ thêm 4 cháu, hôm nay được 7 ngày tuổi. Bốn hôm trước nó bỏ ăn.

(iHay) Con Tu-ti nhà tôi vừa đẻ thêm 4 cháu, hôm nay được 7 ngày tuổi. Bốn hôm trước nó bỏ ăn, cơm trộn thịt hay trộn cá đều ngó lơ không động tới, thịt chín hay thịt sống cũng từ chối luôn. “Con đầu đàn” tôi rất lo lắng.

 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 13: 'Trận pháp' giữ nhà
 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 12: Ba cấp độ chó săn
 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 11: Luận về danh lợi


Tu-ti vừa sinh chó con 2 ngày tuổi

Chó bỏ ăn không có gì đáng lo, nó sẽ tự thích nghi để ăn lại bình thường, song chó mẹ mới sinh mà bỏ ăn thì trong thời gian thích nghi chắc chắn sẽ thiếu sữa cho con bú. Nhưng sự lo lắng của tôi là thừa. Khi bỏ ăn, con Tu-ti liên tục chui vào cái hang trước đây nó đào định vào đó đẻ (do cái hang ở vị trí rất không an toàn nên tôi cho nó đẻ trong nhà), thỉnh thoảng lại bụi sả nhai lá, chỉ một ngày thì ăn được trứng, ngày thứ hai ăn lại bình thường.

Chó Phú Quốc đẻ trong hang là có lý do của nó. Ngoài việc bảo vệ con, tự tạo thế cho con bú, việc đẻ trong hang còn để chó mẹ và chó con hấp thụ linh khí từ đất (y học cổ truyền của dân tộc ta gọi là địa y). Không phải ngẫu nhiên mà trẻ con ở nông thôn đi chân không chơi dưới đất khỏe mạnh hơn là trẻ con thành thị đi giày dép chơi trên nền xi măng. Khi chó mẹ nằm nhiều ngày tách rời khỏi đất, cơ thể nó bắt đầu bất an và tìm cách tự cân bằng. Con người không có (hoặc có nhưng không còn) bản năng đó và không đủ trình độ để giải thích.

Phật nói tất cả chúng sanh đều bình đẳng. Ở đây đang nói về con chó, nên theo Phật thì con chó đương nhiên bình đẳng với con người, nói cho chính xác là con người đương nhiên bình đẳng với con chó.

Bình đẳng ở đây là bình đẳng về điều kiện cũng như cơ hội để con người và con chó trường tồn cùng vạn vật. Trời cho con chó cái mũi và đôi tai thính gấp vạn lần con người vì con chó kiếm ăn gian truân hơn con người, nhưng trời lại bù đắp cho con người bằng đôi tay và bộ óc. Tóm lại, bản năng sinh tồn là ngang nhau, không được cái nọ thì được cái kia, yếu chỗ này thì mạnh chỗ khác, tạo hóa không để cho con nào bị thua thiệt.


Hồn nhiên cùng cây cỏ

Nhưng suốt hàng chục vạn năm (có thể là hàng triệu năm) tồn tại và phát triển, tạo hóa đã phạm một sai lầm về … cơ chế, đó là cơ chế sử dụng đầu óc của con người. Lẽ ra đầu óc chỉ được sử dụng để bổ sung cho một số giới hạn về bản năng, con người lại tùy tiện đem đầu óc thay cho bản năng, khiến cho một số bản năng bị thoái hóa, vì theo lẽ thường cái gì không dùng tới thì sẽ bị han rỉ phải loại bỏ. Chẳng hạn như vấn đề ăn ở. Các con vật trong tự nhiên đều ăn ở theo bản năng, cơ thể chúng cần cái gì chúng ăn cái ấy, chúng biết ở chỗ nào, nằm ở đâu thì hấp thụ được khí lành của trời đất, vì vậy ăn ở cũng đồng nhất với phòng và chữa bệnh.

Con người ban đầu có lẽ cũng có những khả năng đó, nhưng dần dần con người đã dùng đầu óc của mình để phán đoán ăn cái này thì bổ, ăn cái kia thì không, tiến tới dùng khoa học để phân tích thức ăn gồm có những chất gì, rồi ngạo mạn thay tự nhiên tạo ra những thứ có những chất mà mình cho là đủ dinh dưỡng, trong khi thức ăn tự nhiên có vô số những chất và những chất này tương tác với nhau và tương tác với môi trường xung quanh tạo ra vô số những hợp chất khác nữa, cái vô số đó đầu óc con người làm sao có thể biết hết được. Đối với ở, con người mất hẳn sự cảm nhận tự nhiên về đất lành, về sự giao hòa với cây cỏ và bốn mùa nắng gió, thay vào đó là ở theo quy hoạch, theo kiến trúc để thỏa mãn cái gọi là tiện nghi và danh lợi dưới sự điều khiển của trí não. Do dùng tri thức để ăn ở mà con người bị triệt tiêu dần bản năng tự cảm nhận của cơ thể. Và cơ thể đã phản ứng một cách vô thức sự ăn ở trái với tự nhiên, sự phản ứng đó có tên gọi là bệnh tật. Đã bệnh tật, lẽ ra phải khắc phục những căn nguyên sinh ra bệnh tật bằng cách trở về với tự nhiên thì con người lại tiếp tục dùng trí não để nghiên cứu thuốc chữa bệnh, chế ra công cụ để mổ xẻ, cắt tiện, ghép nối các bộ phận của cơ thể, coi đó là những thành tựu khoa học, nhưng chữa được bệnh này lại sinh ra bệnh kia, triền miên bất tận.

Còn con chó thì không có cái gọi là tri thức nên không ngạo mạn như thế. Con chó nếu không bị xiềng xích, không bị nuôi nhốt như lao tù thì tự nó biết cách ăn ở thuận với tự nhiên, phòng chống được bệnh tật và bảo đảm cho nòi giống luôn luôn khỏe mạnh.

Tất nhiên tạo hóa sẽ phải sửa chữa sai lầm về “cơ chế” sử dụng đầu óc của con người như nói ở trên, để cho muôn loài trong tự nhiên đều được vận hành một cách hợp lý, nhưng tạo hóa sẽ dùng các giải pháp tổng hợp gì để sửa chữa và mấy ngàn ngăm hay mấy triệu năm mới sửa chữa xong, đó là thiên cơ, chúng ta không thể biết được, chỉ thấy tạo hóa đang cảnh báo. Bệnh tật triền miên chính là sự cảnh báo đó.

Và có lẽ tạo hóa chưa muốn dùng biện pháp mạnh là hủy diệt, nên một trong những giải pháp trước mắt là “cử” con chó đến làm bạn với con người, trước hết để dạy cho con người lòng trung thành, vì việc chạy theo danh lợi thường đẩy con người vào vũng lầy của sự phản trắc, đồng thời giúp con người “tái cơ cấu” cái đầu óc ngạo mạn của mình, để sống khiêm nhường hơn, để từng bước quay đầu thuận với thiên nhiên nhằm được trường tồn với vạn vật.  

“Sứ mệnh” của con chó đối với con người thật là cao cả.

(Còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 10: Thằng Bí xấu trai
 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 9: Nỗi niềm nan giải
 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 8: Chó mẹ nuôi dạy con
 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 7: Khi chó sống chung với dê
 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 6: Lãnh thổ của con chó
 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 5: Sạch như… chó
 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 4: Khi chó Phú Quốc mất điều kiện tự kháng bệnh
 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 3: 'Con đầu đàn' vô tích sự
 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về
 >> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.