TNO

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 18: Triết lý về con bọ chét

05/06/2015 16:34 GMT+7

(iHay) Giờ thì đàn chó nhà tôi đã lên tới 15 đứa, con Ớt hiện đang mang thai, hơn 1 tháng nữa đàn chó có thể lên xấp xỉ 20 đứa.

(iHay) Giờ thì đàn chó nhà tôi đã lên tới 15 đứa, con Ớt hiện đang mang thai, hơn 1 tháng nữa đàn chó có thể lên xấp xỉ 20 đứa, “con đầu đàn” tôi không thể nói là không bận rộn.

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 18 : Triết lý về con bọ chét 1
Mà cai quản đám chó chỉ là một phần trong những “sứ mệnh” của tôi trong cái vườn này, vì ngoài đàn chó ra còn có bò, dê, heo, gà, vịt và cây cỏ - mỗi thứ một ít nhưng con nào cây nào cũng phải được đề cao thiên tính. Là một nhà báo, hàng tháng tôi còn phải viết bài được đăng đủ định mức như bất cứ một phóng viên nào, tuy báo Thanh Niên đặc cách không yêu cầu tôi phải có mặt thường xuyên ở tòa soạn (trừ những lúc họp hành) mà cho phép tôi ở đây như là sự thể nghiệm để có những sản phẩm báo chí thực tế.
Tôi bận rộn hơn ông vua cai quản một vương quốc, dù tôi cai quản đàn con lũ cây trong cái vườn này theo đường lối “vô vi nhi trị”.
Ba cuốn sách làm “kim chỉ nam” cho đường lối cai quản của tôi là cuốn Nam Hoa Kinh của thầy Trang Tử, cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục tổ Huệ Năng và cuốn Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm của thầy Fukuoka, dù cả ba vị tiền bối vô vi này không ai nói về “nghề” nuôi chó. Trang Tử còn bảo sách vở chẳng qua chỉ là “cặn bã”, là “đôi dép mục” của tiền nhân, những gì thực sự có ý nghĩa thì không ai viết ra được và họ đã mang theo hết xuống mồ.
Dù vậy, nếu lần theo những ẩn ngữ trong ba “đôi dép mục” kia bạn có thể nhìn thấy biết bao nhiêu những điều kỳ diệu đang diễn ra, không phải diễn ra trong sách mà diễn ra xung quanh bạn, bạn sẽ thấy cái cây không phải là cái cây như bạn từng biết, bạn sẽ thấy con chó không phải là con chó như bạn từng hình dung. Điều thú vị là cuốn Nam Hoa Kinh và cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh không hề đề cập đến y học, nhưng y học phương Đông lại lấy 2 cuốn sách ấy làm nền tảng. Trang Tử và Lục tổ Huệ Năng cũng không nói gì đến thi ca hay hội họa nhưng nếu không có Nam Hoa Kinh và Pháp Bảo Đàn Kinh thì đã không có sự thăng hoa vi diệu của Đường Thi và những kiệt tác của hội họa phương Đông từ Vương Duy đến Tề Bạch Thạch. Ba vị tiền bối không đem đến cho bạn lời hay lẽ phải, không trang bị cho bạn những tri thức để bạn cải tạo xã hội làm chủ thiên nhiên, không cung cấp các bí quyết để bạn “đổi đời” thành tài giỏi, thành tiên thành phật hay thành triệu phú tỉ phú. Ba vị chỉ giúp bạn tự mình vượt qua những mê chấp trong đầu óc để nhìn vào chính bạn như là bạn vốn có, nhìn vào cái cây như cái cây vốn là, nghe tiếng gió như chính tiếng gió vi vu… Bởi vậy “con đầu đàn” tôi có lý do để đem ba “đôi dép mục” này làm nền tảng cho nghề trồng cây nuôi chó.
Theo các vị tiền bối thì tạo hóa không sinh ra bất cứ con gì cây gì thừa. Trong sự chuyển động tuần hoàn của vạn vật, cây gì con gì cũng có vai trò vị trí của nó, có lý do tồn tại của nó. Ấy là chưa kể con gì cây gì cũng là chúng sanh (*), mà mọi chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể “kiến tánh thành Phật”.
Đến đây xuất hiện ngay một vấn đề : Con bọ chét (gồm cả con ve chó). Xin nói ngay là bọ chét cũng như ve chó không cắn người, nhưng bất cứ người nuôi chó nào cũng đều khó chịu với bọ chét và ai cũng tìm mọi cách “quét sạch nó đi”. Bạn hãy tra trên mạng và tìm trong mọi thứ tài liệu sách vở, bạn sẽ thấy chỗ nào người ta cũng lên án chúng, chố nào cũng bày cách tiêu diệt chúng, chẳng có chỗ nào nói tốt về chúng dù chỉ một lời. Đã có biết bao nhiêu là thứ thuốc thuốc phun thuốc xịt, thuốc tiêm thuốc uống, bao nhiêu là loại dầu tắm dầu bôi, nhưng bọ chét vẫn cứ tồn tại hàng ngàn hàng vạn năm với loài chó. “Con đầu đàn” tôi chưa đạt tới cảnh giới “vô vi” đối với bọ chét, nên đã phải dùng đến thứ thuốc trừ bọ chét được coi là hiệu quả nhất được quảng cáo trên thị trường là thuốc Frontline của Pháp, nhưng chẳng có bao nhiêu tác dụng. Con bọ chét có vai trò vị trí gì trong tự nhiên, chúng chỉ hút máu và truyền bệnh tật (các nhà khoa học nói vậy) cho con chó hay chúng còn giúp ích gì cho con chó theo đạo lý có qua có lại ? Nếu không giải thích được vấn đề này thì toàn bộ học thuyết thuận thiên của thầy Trang Tử, của Lục tổ Huệ Năng và của ông Fukuoka sẽ sụp đổ.
Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 18 : Triết lý về con bọ chét 2
Câu trả lời phải từ chính con chó. Nhưng con chó không biết nói, nên phải quan sát sự hành xử của con chó đối với bọ chét để lần ra những “ẩn ngữ”.
Trước hết, bạn hãy quan sát hai con chó cùng loại, cùng tuổi, cùng điều kiện sống, một con được diệt sạch bọ chét và một con có bọ chét đang bám tự nhiên. Bạn sẽ không thấy bất cứ sự khác biệt nào về thần sắc và sức khỏe giữa hai con chó. Điều đó cho thấy bọ chét không làm cho con chó cảm thấy khó chịu, các vết cắn của bọ chét không làm tổn thương da, không sinh ra ghẻ ngứa (trừ khi bị bọ chét bám nhiều một cách bất thường).
Quan sát tiếp, bạn sẽ thấy con chó thỉnh thoảng dùng răng nhằn vào da của chính nó, của con nó hay của con chó khác, bạn sẽ nghĩ nó đang nhằn bọ chét. Không hẳn thế. Theo tôi thấy thì có khi nó nhằn bọ chét, có khi không phải. Tôi nhiều lần vạch da chỗ nó đang nhằn, chỗ đó không có bọ chét. Rất nhiều khi chỗ có bọ chét nó không nhằn mà nhằn vào chỗ khác, mặc dù chỗ có bọ chét là chỗ dễ nhằn nhất. Rõ ràng con chó khi thì chấp nhận bọ chét khi thì không, nói đúng hơn nó chấp nhận bọ chét ký sinh trên người nó ở mức vừa phải.
Sự chấp nhận vừa phải này nói lên điều sâu xa gì tôi không dám đoán bừa. Chỉ xin bạn đọc lưu ý, những con chó sói hoặc chó hoang trên rừng chẳng có ai diệt bọ chét cho chúng, nhưng chúng chẳng gặp vấn đề gì với bọ chét cả, chúng hàng ngày vẫn chung sống hòa bình với bọ chét mà vẫn khỏe mạnh, thậm chí khỏe mạnh hơn chó nhà.
Trên đây tôi chỉ luận về con bọ chét ở tầm … triết học. Có lẽ tôi phải dòm quanh những chuyện liên quan đến một số con ký sinh lân cận để tiếp tục phỏng đoán về vai trò của con bọ chét trong kỳ tới. (còn tiếp)
(*) Từ “chúng sanh” gốc tiếng Phạn là sattva, nghĩa là tồn tại, là những gì hiện hữu, do đó không thể không bao gồm cây cỏ. Tôi có hỏi thiền sư Lê Mạnh Thát, ông xác nhận đúng như vậy.

Hoàng Hải Vân

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 16: Con chó và sự bí ẩn trong lòng bàn tay
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 15: Một 'nguồn lực' quân sự quý giá
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 14: ‘Sứ mệnh’ của con chó
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 13: 'Trận pháp' giữ nhà
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 12: Ba cấp độ chó săn
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 11: Luận về danh lợi
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 10: Thằng Bí xấu trai
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 9: Nỗi niềm nan giải
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 8: Chó mẹ nuôi dạy con
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 7: Khi chó sống chung với dê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.