(iHay) Xin nhắc lại, việc lăng-xê đứa này hay dìm hàng đứa kia chỉ có ý nghĩa tương đối dưới quan niệm của con người. “Con đầu đàn” tôi vẫn còn quán tính thị phi, khi nào chưa đắc đạo trở thành con chó thì chưa buông bỏ hết sự phân biệt thiển cận đó.
Thằng Bắp đúng là đồ mất dạy. Chiều hôm qua nó nghênh ngang đi lại giữa sân, gặp thằng Ngò nó không nói không rằng xông vào tẩn luôn mấy phát. Thằng Ngò to gấp rưỡi nó, nếu đáp trả thì thằng Bắp không vỡ mồm cũng què chân. Nhưng thằng Ngò im lặng nằm bẹp dí, thậm chí nhe răng phản đối cũng không. Song quan sát kỹ thì thấy thằng Ngò né đòn cực kỳ xảo diệu, tuyệt đối không để cho răng của thằng Bắp chạm vào bất cứ chỗ nào trên người mình.
Khách quan mà nói, thằng Ngò chẳng sợ gì thằng Bắp. Nó sợ là sợ thằng Ổi và thằng Bí. Bởi vì hai thằng này sau khi dạy thằng Bắp biết lễ độ đã mặc nhiên trở thành những kẻ bảo kê cho thằng Bắp. Thằng Ngò biết rất rõ, chỉ cần nó nhe răng ra sủa thằng Bắp một tiếng là lập tức thằng Ổi và thằng Bí phóng tới ra đòn luôn, để bảo vệ thằng Bắp. Đại trượng phu phải chịu được nhục mới giữ được thân, Hàn Tín ngày xưa chẳng phải đã từng luồn dưới trôn của gã hàng thịt đó sao !
Thằng Ngò là một con chó Phú Quốc đúng chuẩn và đẹp toàn diện. Bộ lông sát mịn như nhung, cơ bắp cuồn cuộn, đôi mắt dịu dàng luôn nhìn thẳng, dáng đi khoan thai, khi chạy thì bay vút như xé gió, không bao giờ tỏ ra hung dữ, không bao giờ tỏ ra khiếp nhược, ngay cả khi nhún mình nằm bẹp dưới nanh vuốt đứa khác.
Như đã nói, từ 3 tháng tuổi, thằng Ngò đã đi lại dưới nước hay đi qua chông gai rối rắm nhẹ tênh như trên đất bằng. Số chuột to một mình nó bắt, nếu báo công thì chắc chắn sẽ nhiều hơn số chuột của những đứa khác bắt được cộng lại. Có hôm nó lặn dưới ao tha lên một chú rùa to mang để dưới gốc cây rơm cho con Nghệ ngồi gặm, may là tôi phát hiện ra sớm. Không có lý do trách phạt nó, tôi chỉ gọi nó đến để nhìn tôi mang chú rùa thả lại xuống ao, từ đó nó không bắt rùa nữa.
Càng lớn lên thằng Ngò càng bí ẩn khó lường. Sau mấy lần trừng trị thằng Tỏi ăn hỗn hồi 3-4 tháng tuổi, nó tuyệt đối không gây sự với đứa nào. Thằng Hành, thằng Gừng hay thằng Tỏi đều không sợ nó. Hồi nhỏ, mỗi lần bị thằng Ổi, thằng Bí hay thằng Bầu ăn hiếp, nó nằm ngửa đưa bốn chân lên trời, mấy thằng kia thấy vậy bỏ đi. Lớn lên, khi bị ăn hiếp, nó không nằm ngửa mà nằm sấp chụm hai chân trước lại và đặt mõm lên, mấy thằng kia thấy không còn lý do để ăn hiếp nữa. Nguyên tắc của con chó mỗi khi ăn hiếp đứa nào là, nếu đứa đó gầm gừ kêu la hay cắn lại thì “bụp” tới tấp cho đến khi chịu thua cụp đuôi bỏ chạy, nếu đứa đó nằm ngửa ra hay im mồm nằm bẹp dí thì tha cho. Thằng Ngò biết nguyên tắc đó sớm nhất nên nó bảo toàn được thân thể. Trong tất cả đám chó lớn, chỉ riêng thằng Ngò không có dấu vết cắn lộn trên người. Ngay như thằng Ổi, giờ là thủ lĩnh chỉ xếp dưới “con đầu đàn”, cũng bị thằng Chuối cắn gãy mất một cái răng nanh, dù thằng Chuối thua. Nguyên lý “bảo thân” của thằng Ngò quả là hữu hiệu, không biết nó học ở đâu ra.
Thằng Ngò bơi khi 3 tháng tuổi
Thằng Ngò là con chó Phú Quốc hoàn hảo trong cái vườn của chúng tôi, nhưng nếu đưa lên sàn diễn Dogshow thì sự hoàn hảo đó sẽ biến mất, vì nó sẽ trở thành một con chó lóng ngóng và nhút nhát vì nó không biết đưa lên đấy để làm gì. Nó sinh ra không phải để làm cảnh, không phải để đi biểu diễn, tôi cũng không có ý định dạy nó làm như vậy.
“Nhà thông thái bảo một ngày nào đó ánh sáng của anh sẽ tắt, con đom đóm nói với ngôi sao. Ngôi sao không trả lời” (“The learned say that your lights will one day be no more”, said the firefly to the stars. The stars made no answer), Tagore lại nói. Thằng Ngò là một ngôi sao, một ngôi sao chỉ sáng trên bầu trời, một ngôi sao không cố tình trở thành một ngôi sao, nó không quan tâm đến chuyện được ai lăng-xê hay bị ai vùi dập. Tôi dám chắc rằng, nếu đơn đả độc đấu thì thằng Ngò sẽ thắng bất cứ con to đầu nào trong đàn. Nhưng thằng Ngò biết sứ mệnh của nó, biết vai trò nhiệm vụ của nó, đó là sứ mệnh, là vai trò nhiệm vụ của một con chó săn. Con chó săn chính hiệu không cắn bậy, không đem sức lực và cơ mưu để tranh giành hơn thua với anh em đồng loại, mà tập trung sức lực và cơ mưu để săn mồi, để đối phó với cường địch, để bảo vệ lãnh địa.
Không giống những con chó khác, lúc nào cũng phỡn lên quấn quýt với tôi và Sếp nhất, thằng Ngò chỉ quấn quýt với tôi vào hai tình huống, một là chúng tôi đi đâu xa về, hai là có em út nào động dục. Mỗi khi chúng tôi đi xa về, sau khi cả bọn quấn quýt chán rồi thằng Ngò mới tới. Còn nó quấn quýt với tôi khi có em út nào động dục là chuyện rất khó hiểu với mọi người, kể cả với Sếp nhất. Là vì để phối được với một con chó cái, bầy chó đực phải ác đấu với nhau, nếu để bình thường thì thằng Ổi, thằng Chuối, thằng Bí và thằng Bầu thay nhau độc chiếm, những đứa khác tôi phải can thiệp thì mới có cơ hội. Riêng thằng Tỏi do rất nhạy với khoản ấy và cực kỳ nhanh chân nên cũng tự giành cơ hội cho mình, vì khi đã “dính” rồi thì những đứa khác rất lịch sự không giành giật nữa. Dù vậy, thằng Tỏi cũng bao phen u đầu mẻ trán trước khi “dính” được. Còn thằng Ngò, do không muốn huynh đệ tương tàn nên phải quấn quýt với tôi, hàm ý nhờ tôi đuổi mấy thằng kia đi cho nó có chút cơ hội. Dù là bậc cao thủ cũng phải có chút em út để truyền giống chứ. Đó cũng là cái khôn của thằng Ngò.
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 25: Khi ngôi sao thị hiện như đom đóm
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 24: Thầy phong thủy của tôi
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 23: Bàn về xiềng xích
Bình luận (0)