(iHay) Nhà tôi có nuôi 2 con chim bìm bịp từ khi còn non. Chúng tôi không có ý định nuôi chim nhưng nhìn hai con chim non bị người ta bắt đem đi bán tôi thương quá mua về.
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 28: Sự nồng nhiệt chết người
Thằng Bịp nhảy lên bàn dở Kinh Phật ra xem
|
Khi chúng biết bay, tôi thả cho chúng tự do. Những ngày đầu, cả hai con đều quanh quẩn trong vườn, nhưng hay bị lũ chó rượt đuổi nên chỉ một con ở lại.
Con ở lại tôi đặt tên là Bịp. Cái tên nghe gian xảo nhưng trong cái vườn này vị trí của thằng Bịp chỉ đứng sau Sếp nhất, chỉ vậy thôi cũng đủ biết nó là một con chim chính trực. Buổi sáng nó đậu trên giàn mướp dòm vào nhà, khi chúng tôi thức dậy nó sà xuống bàn chơi đùa một hồi, sau khi ăn một miếng thịt hay con cá, nó bay lên cây phượng, chuyền qua cành tre, rồi đi đây đi đó, khi thì tha về con rắn, khi thì con chuột, khi thì ngậm trong mồm một con nhái hay con sâu to xanh lè, tối về ngủ nơi bụi sậy cạnh chuồng heo.
Thằng Bịp trước chuồng dê
Thằng Bịp ngậm con nhái
Người ta bảo con quạ hay con bìm bịp trưởng thành có trí tuệ ngang với một đứa trẻ 6 tuổi. Tôi thì không nghĩ thế. Chúng ta được dạy dỗ rằng con người là động vật cao cấp nhất, rằng con người là động vật duy nhất có trí tuệ, nên cứ đem trí tuệ của mình ra làm chuẩn mực cho thiên nhiên, hễ thấy con vật nào khôn ngoan thì tìm cách “dìm hàng”, nếu buộc phải thừa nhận thì cũng xếp vào hàng trẻ con không đáng giá. Đó là chưa nói đến trí tuệ của một đứa trẻ 6 tuổi chắc gì đã thua kém một người lớn chứa trong đầu thiên kinh vạn quyển. Bởi vậy trí tuệ con bìm bịp so với người khác thì tôi không biết, nhưng so với tôi thì nó có phần trội hơn.
Thằng Bịp nhà tôi dù đi đâu thì khi có người ngoài đến, chỉ chưa đầy 2 phút sau nó có mặt, đứng trên giàn mướp liếc xuống quan sát. Đối với người đã từng đến đây rồi, nó đi qua đi lại cảnh giác. Đối với người lần đầu tiên đến, nó quan sát rất kỹ mọi động tĩnh, người ấy đi bất cứ chỗ nào nó cũng bám theo, đi thoăn thoắt dưới đất hoặc chuyền tưng tưng trên từng cành cây. Nếu khách đến chơi từ tốn bình thường thì không có vấn đề gì, nhưng nếu khách thể hiện những hành vi “lạ” (như chọc ghẹo nó, bẻ cành cây hay nhặt một thứ gì đó…) thì lập tức thằng Bịp phóng tới, trúng đầu đá đầu, trúng chân đá chân.
Thằng Bịp đá chú Phát
Đám chó nghe lời “con đầu đàn” tôi trong mọi tình huống, dù chúng làm gì thì khi nghe tôi quát “thôi” đều dừng lại. Nhưng thằng Bịp thì không. Nguyên tắc của nó là “Tướng tại ngoại bất tuân vương lệnh”, khi đá ai rồi thì chỉ còn cách bắt nhốt lại, nó mới thôi. Do vậy mà mỗi lần khách đến, nhất là các cụ già, tôi phải mời anh Bịp vào phòng riêng đóng cửa lại, sau khi tiễn khách mới mở cửa cho ra.
Thằng Bịp nhà tôi có hai "kẻ thù truyền kiếp". Đó là chú Cường và chú Phát, hai anh bạn vong niên ở gần nhà thỉnh thoảng sang chơi. Lần đầu tiên các chú đến đây, thấy con bìm bịp dễ thương các chú chọc ghẹo, nó xông vào đá. Lần thứ hai lại chọc ghẹo, nó lại đá. Từ lần thứ ba trở đi, chẳng cần chọc ghẹo nữa, hễ thấy mặt là xông vào đá luôn. Và từ đó, chẳng cần mất một phút, nó túc trực ngay trên giàn mướp khi một trong hai chú vừa đến cổng. Thường thì chạng vạng tối nó đã về bụi sậy, nhưng nếu các "kẻ thù" này còn ở đây chơi thì dù tối nó vẫn không đi ngủ. Hai chú là người dễ tính, sau này mỗi khi sang chơi đều… đội mũ bảo hiểm và mang giày, tôi không phải nhốt thằng Bịp lại.
Một hôm chú Phát đưa bố chú và bạn của bố chú sang nhà tôi chơi. Thằng Bịp tuy tự nhận trách nhiệm giữ nhà nhưng lại sợ đám đông, khách đến từ 3 người trở lên nó không có mặt, có lẽ nó nghĩ đối phó với đám đông là trách nhiệm của lũ chó. Tôi nghĩ có 3 người khách nên thằng Bịp không dám lại làm phiền nên không nhốt, mời ba vị khách ngồi trước hiên uống trà. Được một lúc, thằng Bịp không biết từ đâu lao thẳng vào, không phải lao vào hai ông già mà lao thẳng vào đầu "kẻ thù truyền kiếp" đá tới tấp. Chú Phát hôm đó không đội mũ bảo hiểm, tôi phải nhanh tay bắt nó lại.
Chó rất dễ thân với heo
Lẽ ra cả hai con bìm bịp đều ở lại nếu như không có đám chó. Cái con tôi nói đi luôn thực ra thỉnh thoảng vẫn về dưới bờ ao hoặc dưới gốc mít. Và hai đứa chúng nó hàng ngày vẫn hú hí với nhau trên cành tre, rồi lót ổ giữa bụi tre cạnh chuồng bò, một con nằm ấp ở đó. Thằng Bịp ở lại với chúng tôi không phải vì cái ăn, trong vườn này và cái bàu dưới kia không thiếu đồ ăn cho nó. Nó ở lại với chúng tôi vì tình nghĩa.
Chúng tôi không chủ trương dạy thằng Bịp để làm cảnh. Vườn nhà tôi không những không có chó cảnh, chim cảnh, cá cảnh, mà cả đến cây cảnh, hoa cảnh cũng không, cây cỏ mọc lên từ đất, không trồng trong chậu. Dạy đám chó sống chung với heo, với dê, với gà thì dễ, chỉ cần cho chúng làm quen để biết mùi. Còn dạy đám chó sống chung với bìm bịp là điều rất khó, không phải do đám chó không có thiện chí mà do thằng Bịp hễ thấy chó là bay, con chó không thể nào tiếp cận được mùi con bìm bịp để xác định đây là mùi của “người nhà”. Nó thoắt ẩn thoắt hiện giữa đàn chó, không sợ chó nhưng không để chó lại gần. Tôi thấy như vậy cũng yên tâm về sự an toàn của thằng Bịp.
Cho đến một buổi tối, trời đang mưa lâm râm, tôi xuống bếp bật đèn lên thì thấy 4 thằng: Ngò, Gừng, Hành, Tỏi. Dưới chân chúng nó là thằng Bịp đã chết. Mấy thằng lưu manh kia đã cắn chết nó và tha xác về khoe chiến lợi phẩm. Tôi không trách mấy con chó, chúng nó là những con chó săn, chúng chưa từng tiếp xúc với thằng Bịp, chưa biết được mùi thằng Bịp, chúng đâu biết được thằng Bịp là “người nhà”. Dù thằng Bịp vẫn thường cùng chúng tôi và đám chó đi tuần tra quanh vườn, nhưng đám chó đi dưới đất đâu có thể biết cái thằng đi trên trời nhảy trên cây kia cũng là người nhà.
Trước đó, thằng Bịp ngày càng gắn bó với chúng tôi. Bất cứ lúc nào không có lũ chó trong nhà, nó đều sà vào quấn quýt dưới chân, nhảy trên bàn, nhảy lên vai, đậu trên máy tính nhìn chúng tôi làm việc. Và bất cứ lúc nào chúng tôi gọi “Bịpppp” là nó có mặt ngay. Hôm đó trời mưa, thằng Bịp chơi trong nhà đến tối mịt, trước khi đi ngủ nó còn vào bụi cây, có lẽ bị đám chó vồ, vướng trong lùm cây không thoát ra được.
Sếp nhất nhà tôi khóc mấy ngày liền. Sáng hôm sau như thường lệ tôi gọi “Bịppppp!!!” trong nước mắt, nhưng chẳng thể có một phép lạ nào. Gọi đám chó là mấy thằng lưu manh cũng oan cho chúng nó, thằng lưu manh ở đây chính là tôi. Sự vô trách nhiệm của tôi không phải là không biết dạy chó, không biết bảo vệ sự an toàn cho con bìm bịp, mà là đã nuôi con bìm bịp trong cái vườn này. Chim chóc ở đây phải được sống tự nhiên, nuôi chúng chính là hại chúng.
2 đứa con của thằng Bịp
Ổ bìm bịp trong bụi tre cuối cùng cũng nở hai con. Khi chúng chưa biết bay thì một cơn gió mạnh đã lật tung ổ, hai cháu rơi xuống đất. Tôi mang vào nhà chăm sóc, đặt trong cái lồng treo trên chuồng bò, mẹ chúng hàng ngày vẫn đến đút mồi. Đến khi chúng biết bay, tôi thả chúng nó về với mẹ, canh suốt một tuần để chúng hoàn toàn được bình an.
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 28: Sự nồng nhiệt chết người
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 27: Lý luận về con đầu đàn thứ thiệt
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 26: Bậc cao thủ
Bình luận (0)