(iHay) Con chó rất cảnh giác với bất cứ sự đe dọa nào từ người và từ những con vật khác, nhưng nó là con vật không thích đi gây chiến tranh như một số loại người. Con chó không có thù hận.
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 3: 'Con đầu đàn' vô tích sự
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 4: Khi chó Phú Quốc mất điều kiện tự kháng bệnh
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 5: Sạch như… chó
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 3: 'Con đầu đàn' vô tích sự
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 4: Khi chó Phú Quốc mất điều kiện tự kháng bệnh
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 5: Sạch như… chó
Đối với con người, trên hành tinh này nơi nào ai đến đầu tiên thì ghi dấu lại, dựng cột mốc, nối lại thành vòng, gọi là bản đồ. Đó là lãnh thổ. Con chó làm đơn giản hơn, bằng cách đến đâu ghếch chân đái một bãi. Vệt nước đái là lãnh thổ của con chó. Con chó đực đái không đơn giản là bài tiết, nhiều khi đái là làm nhiệm vụ mở rộng lãnh thổ. Con chó không cần bản đồ, nó ghi nhớ bằng mũi. Con người dựng cột mốc, vẽ bản đồ nhưng nhiều khi quên, nhiều khi nhầm lẫn, còn con chó chỉ nhớ bằng mũi nhưng nhớ chính xác suốt đời.
Những con chó khác tôi chưa nuôi nên không biết, riêng đối với chó Phú Quốc thì lãnh thổ của nó là nơi bất khả xâm phạm. Ngày còn ở dưới phố, thằng Bim nhà tôi thiết lập lãnh thổ ở công viên. Con chó nào đến chơi, nó cũng rất thân thiện, nhưng con nào đến nghênh ngang thiếu thiện chí, nó “bụp” liền. Hồi ấy ở quanh đó có một con chó to gấp đôi thằng Bim, tôi không biết chó gì, xông lại đuổi thằng Bim, nó quay lại, phóng tới ngoạm một miếng dính cứng vào gáy con kia, tôi phải gọi về nó mới nhả. Chó Phú Quốc không cắn càn cắn bừa, nó không cắn thì thôi, đã cắn thì cắn vào nơi chí mạng. Chàng chó nọ cụp đuôi chạy mất.
Nhưng một hôm, tự nhiên thằng Bim phóng qua bên kia đường, tôi gọi nó không lại, tôi đi theo thì thấy nó đã dính chặt vào một con chó cái. Lập tức chàng chó to kia xông lại, thêm một con chó đực nữa cũng xông vào cắn thằng Bim. Thằng Bim đang dính vào con chó cái nên hoàn toàn mất thế, cắn lại thì không được mà bỏ chạy cũng không xong, con Tu-ti xông vào trợ giúp thì bị mấy đứa kia cắn thủng mông. Tôi lo quá không biết làm sao, chạy đi tìm chủ những con chó đó, khi trở lại thì thằng Bim đã rời khỏi con chó cái và máu me tơi tả. Nó lết lại đưa cổ cho tôi xích, mắt nhìn tôi hối lỗi. Tôi không nghĩ con chó to kia trả thù thằng Bim, đơn giản là thằng Bim đã xâm phạm vào lãnh địa của nó. Thế mới biết, vì si tình mà mất cảnh giác để cho thân bại danh liệt đâu chỉ là chuyện của con người.
|
Giờ thì đàn chó của tôi sống yên lành trong lãnh địa của chúng, được tôi trợ giúp bằng hàng rào. Ngày cũng như đêm, chúng đi “tuần tra” khắp nơi. Mọi sự biến động tôi đều biết căn cứ vào tiếng sủa của chúng.
Con người nhiều khi nói cùng một giọng, nhưng con chó thì không. Mỗi con đều có tiếng sủa riêng biệt. Chỉ nghe tiếng, tôi liền biết con nào sủa. Chó Phú Quốc không bao giờ sủa khơi khơi. Nửa đêm nếu thằng Chuối sủa, cả đàn vụt dậy phóng xuống hướng bàu, nhất định có ai đó đang đi soi cá. Khi đám chó nhỏ sủa ầm lên và lao về bên trái khu vườn trong khi thằng Chuối và thằng Ổi vẫn ngồi chơi hoặc nằm ngủ thì nhất định bên vườn nhà anh Tưởng hàng xóm có người lạ đi ngắm cây. Nếu đám nhỏ sủa ầm và lao về phía bên phải thì nhất định có ai đó đi tắt tìm bò hoặc bẫy chim. Tối, nếu chỉ nghe thằng Gừng và thằng Tỏi sủa là lúc chú Năm đến hoặc về (ông Năm là người đến ngủ đêm để giúp chúng tôi xử lý những tình huống bất trắc, ông đã làm quen được với bầy chó, nhưng Gừng và Tỏi thì ông không làm quen được). Nghe tiếng thằng Chuối, thằng Ổi và con Tu-ti đồng thanh sủa, ấy là lúc có người lạ đến trước cổng, nếu cả bầy cùng sủa theo thì biết trong những người lạ có một người quen đang mở cổng. Khi cả 11 con cùng sủa gay gắt thì biết chắc chú thợ điện đang đến. Nhà tôi thỉnh thoảng vẫn có khách đến, chúng chỉ sủa lúc tới và lúc đi, riêng chú thợ điện thì chúng sủa mọi lúc mọi nơi. Là do chú thợ điện này mỗi lần bị chó sủa chú đều cầm cây dọa, càng dọa chúng càng thấy bị uy hiếp nên hễ thấy mặt là sủa gắt. Tôi nghĩ những con chó của tôi không ghét không thù gì chú thợ điện, chúng chỉ cảm thấy không an toàn khi có mặt chú mà thôi. Vì vậy, mỗi lần có việc sửa điện gọi chú, tôi phải xích trước đàn chó lại. Nếu như chú thợ điện không cầm cây dọa chúng nữa, tôi nghĩ một thời gian chúng sẽ thân thiện.
Là giống chó săn, nên chó Phú Quốc không tự mình thân thiện với heo - dê - gà - vịt. Đàn gà nhà tôi thả tự do nhưng trong phạm vi một khu riêng. Tôi tập cho bầy chó thân thiện dần với lũ gà. Đầu tiên đưa một số đàn gà mẹ và con vào trong sân, mỗi khi chó đến gần tôi dùng lệnh “sai” ngăn lại. Chỉ vài hôm gà có thể sống chung với chó, thậm chí đàn gà con vẫn đến ăn ké trong bát mà chó đang ăn mà chẳng bị làm sao. Khi biết rõ những con gà này vào sống trong lãnh địa của nó được sự “bảo kê” của tôi, chúng lập tức coi là “người nhà”. Nhưng thỉnh thoảng có con gà trong khu riêng không may bay khỏi hàng rào để vào sân là lập tức bị chó cắn chết, cắn chết rồi tha vào sân để đó, khoe “chiến lợi phẩm” chứ không ăn. Vì vậy, tôi phải mang từng con chó vào khu nuôi gà để tập, cho chúng quen tất cả những con gà thì chúng mới xác định được đó là “gà nhà”. Đối với heo, đối với dê cũng vậy, “con đầu đàn” tôi phải rất nhọc công với bầy chó, nhưng cũng rất thú vị khi nhìn chúng sống trong thân tình hòa ái.
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 3: 'Con đầu đàn' vô tích sự
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”
Bình luận (0)