Khi dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được khởi động, không ai có thể dự báo được sự phát triển cũng như sức hút của nó như ngày nay. Ai mà “dự báo” được và có tiền “gom” nhà tại đây ngay từ đầu chắc chắn đều trở thành triệu phú đô la.
>> Ký sự Phú Mỹ Hưng - Kỳ 1: Khi tờ giấy gặp được danh họa
>> Ký sự Phú Mỹ Hưng - Kỳ 2: Câu chuyện Nam Sài Gòn
Nhà đầu tư mới thực hiện được khu A, 4 khu còn lại chưa được giao đất - Ảnh: Phạm Hữu Khánh
|
Trừ một số vị lãnh đạo nhìn xa trông rộng và nhà đầu tư, hầu hết mọi người đều cho dự án Phú Mỹ Hưng là hoang tưởng. Ngay cả sau khi đại lộ Nguyễn Văn Linh thông được hai làn xe cuối năm 1997, 80 căn nhà đầu tiên được bán ra vào năm 1998 cũng không có mấy ai quan tâm, phải mất tới một năm rưỡi mới bán hết. Dù khu đô thị bắt đầu hình thành, cũng có rất ít người nghĩ đây là nơi ở tốt. Phần lớn những người mua nhà đều “nhắm mắt đưa chân”, hoặc là đến ở liều tới đâu thì tới, hoặc là dư tiền mua để đó thử vận may. Cho đến lúc đó, nhiều người vẫn coi việc làm đại lộ Nguyễn Văn Linh và xây dựng khu đô thị là sự thách đố nhà đầu tư và hé mắt trông chừng đến bao giờ thì tập đoàn của ông Lawrence S.Ting bỏ chạy.
Bạn tôi, tuy không phải là nhà đầu tư, nhưng không hiểu anh tính được điều gì mà đánh bài liều bán ngôi nhà của mình ở Đà Nẵng, vay thêm tiền ngân hàng và huy động tiền của người thân họ hàng vào mua luôn một lúc 5 căn biệt thự liền kề đang ế ẩm vào cuối những năm 1990. Anh chỉ biết tính, giá nhà đất ở TP.HCM khó có thể xuống thấp quá xa so với giá anh mua, dù nhà đầu tư có “bỏ chạy” hay không, nếu lỗ thì anh có thể chỉ mất số vốn bán căn nhà ở Đà Nẵng là cùng, còn 5 căn biệt thự thì bét ra bán cũng đủ trả tiền vay mượn. Kết quả của sự liều lĩnh này là chỉ dăm sáu năm sau anh bán 4 căn biệt thự, không chỉ thu hồi được vốn, thanh toán hết nợ nần, mà còn lời 1 căn hiện nay gia đình anh đang ở cùng nhiều tỉ đồng dùng để kinh doanh. Nhưng kẻ “có gan” như bạn tôi đương nhiên rất hiếm.
Giờ đây Phú Mỹ Hưng đã phát triển ngoạn mục, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố, cho người dân của khu vực và cho những nhà đầu tư như bạn tôi. Nhưng để đạt được sự thành công đó, Tập đoàn CT&D và ông Lawrence S.Ting đã có sự kiên trì, quyết tâm và thiện chí đáng kinh ngạc. Chưa nói đến sự khó khăn về cơ chế, về chính sách và thủ tục, chỉ riêng những nhiệm vụ mà tập đoàn này thỏa thuận trong liên doanh đã là những (nhiệm vụ) tầm cỡ... gay cấn.
Trước hết là vấn đề góp vốn. Phía VN (đại diện là IPC) góp 30% vốn bằng 600 ha đất sạch (đã giải tỏa đền bù), phía nước ngoài (CT&D) góp 70% vốn bằng tiền. 600 ha đất này chính là 5 phân khu trong 21 phân khu của đồ án quy hoạch khu đô thị Nam Sài Gòn đã được phê duyệt. Cho đến thời điểm này, liên doanh mới triển khai được khu A, 4 khu còn lại không nhúc nhích được một chút nào. Lý do đơn giản là phía VN chưa giao được đất.
Để tạo điều kiện cho phía VN có thể sớm giao được đất, ngay từ đầu phía nước ngoài cho phía VN vay 15 triệu USD (không tính lãi) dùng vào việc đền bù giải phóng mặt bằng. Cần biết, giá đất đền bù khi ấy (thời điểm 1993 - 1994) chỉ vào khoảng 1 USD/1m2, nên số tiền này không những đủ để phía VN đền bù thu hồi 600 ha đất giao cho liên doanh mà còn có thể đền bù thu hồi phần lớn diện tích của cả khu Nam Sài Gòn được quy hoạch. Tiền đã vay (và đã trả), nhưng không hiểu vì lý do gì mà tổng diện tích đất phía VN giao cho liên doanh cho đến nay, tức là sau 22 năm, mới được 320,86 ha, gồm 299 ha của khu A và 21,86 ha của khu E, riêng số diện tích 21,86 ha của khu E được giao trong tình trạng “da beo”, nghĩa là đất được giao xen lẫn trong dân cư, nên nhìn chung là không thể triển khai gì được.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo thành phố đã nhiều lần nhắc nhở và bàn giải pháp để giao đủ 600 ha đất cho liên doanh, nhưng hơn 10 năm qua vẫn không có tiến triển.
Trong thực tế, dù chưa góp đủ vốn 30%, nhưng từ khi liên doanh làm ăn có lãi, phía VN vẫn cứ được chia lãi đều đều theo tỷ lệ 30%. Về khách quan mà nói, sự bất lợi đang nghiêng về phía nước ngoài.
Được biết, thành phố đang lập một tổ công tác để thẩm định lại và đưa ra giải pháp. Nếu tiếp tục giao cho đủ đất, thì từ khi liên doanh khởi động đến nay giá đất đã tăng lên chóng mặt, muốn giao đủ thì phía VN phải tốn hàng trăm triệu USD để đền bù giải tỏa, lấy đâu ra món tiền khổng lồ đó? Và làm sao có thể đưa ra hạn định giao đủ khi việc đền bù giải tỏa càng lúc càng lắm nhiêu khê, trong khi thời hạn hoạt động của dự án không còn nhiều, đến năm 2043 là hết hạn 50 năm? Nếu việc giao đủ đất không khả thi thì phía VN có chịu điều chỉnh lại tỷ lệ góp vốn theo thực tế (với hơn 320 ha đất đã giao, phía VN thực tế mới chỉ góp được 16%) không? Nếu không chịu thì còn có phương án khả thi nào khác? (còn tiếp)
Bình luận (0)