Đi xứ nóng phải đem theo áo... chống lạnh
Mùa này là mùa mưa ở Ấn Độ nhưng cũng lại là mùa nóng nhất ở Ấn Độ. Chính vì nghĩ xứ Ấn nóng như vậy, nên khi được các hướng dẫn viên khuyên đem theo áo ấm, cả đoàn ai cũng cười thầm: “Có mà điên!”.
Nhưng quả là khi không nghe người đi trước là bước không tới. Xuống sân bay New Delhi lúc 2 giờ 30 sáng, đã thấy cái nóng hầm hập phả vào người, dù nhiệt độ về sáng đã xuống khá thấp. Thế là, tất cả hành lý cho vào vali cho gọn, quăng vào thùng xe, để bắt đầu cuộc hành trình bằng xe buýt kia mà, cần chi áo ấm? Tất cả hồ hởi ra khỏi sân bay và lên xe để trực chỉ Taj Mahal. Các cô gái trong đoàn còn diện hơn, cô thì đầm dài, cô thì áo hở bờ vai với lý do: sáng mai phải tạo dáng nơi chứng tích của tình yêu; đâu phải ai cũng đến với Taj Mahal được đâu? Ừm thì cũng hay đấy chứ. Phụ nữ ai chẳng muốn làm đẹp, nhất là lại đến một nơi nổi tiếng như thế!
|
Xe chạy chừng 30 phút, bắt đầu có tiếng xì xào: “Ui, sao lạnh quá!”. Vài cái tay đưa lên vặn bớt chế độ nóng - lạnh, thì eo ơi, cái “chế độ nóng lạnh” trên các loại xe này chỉ có một chế độ mà thôi: mở thì lạnh cóng, tắt thì như lò lửa. Khổ, bây giờ biết tính sao? Cánh đàn ông thì nín thinh vì… bản lĩnh đàn ông mà (mặc dù cũng run cầm cập như ai), nhưng các nàng thì khỏi phải nói. Đồng nghiệp Mỹ Hạnh (HTV), Xuân Dung (VTV), sắc xuân có độ xuống mấy phần vì mặt mày xem ra đã chuyển từ hồng sang tím tái rồi. Xe cứ chạy. Không thể nào bắt xe dừng lại để lôi hành lý từ thùng xe ra được. Cũng là văn hóa không làm phiền người khác đó chứ! Đành để thịt da tím tái xem sao! Đành co ro vào lòng nhau cho đỡ lạnh vậy.
5 giờ sáng đến Agra (nơi có đền Taj Mahal), khi nghe anh hướng dẫn chào “Namaska!”, tất cả các thành viên trong đoàn chưa kịp hiểu câu chào chỉ đáp lại “Lạnh quá!”. Thế là việc đầu tiên mỗi người đi mua liền một cái chăn bông để còn trùm tiếp suốt chuyến đi. Và quả thật những cái chăn bông mua bên đường lại trở thành “người bạn” chung thủy với chúng tôi suốt cuộc hành trình vì ngày nào chúng tôi cũng như ngồi ở… Bắc cực suốt 7, 8 tiếng đồng hồ.
Một câu chuyện vui ở xứ Ấn cũng là một kinh nghiệm cho chúng tôi vậy!
|
Đi mua Vistagra
“Namaska!” tự dưng trở thành câu thân quen suốt cả chuyến đi với chúng tôi. Nó cũng gắn liền với một vài câu chuyện, dù nhỏ, nhưng thật xúc động.
Nhớ lại, khi vừa xuống sân bay New Delhi, sân bay vắng bóng người vì giờ đó chỉ có chuyến bay của 9W chở chúng tôi và một số hành khách từ Singapore đến mà thôi. Vừa nghe đồng nghiệp Xuân Dung giới thiệu bằng tiếng Anh là chúng tôi đến từ Việt Nam, thế là trong 1 phút, tất cả 10 thành viên chúng tôi đã làm thủ tục nhập cảnh xong. Đâu đó cũng nghe hỏi “Việt Nam à?”. Có bác hải quan còn quan tâm hỏi về chuyện biển Đông và bày tỏ ủng hộ Việt Nam về chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi như gặp những người bạn thật sự.
Cái tình cảm người Ấn dành cho chúng tôi (hay cho Việt Nam cũng lạ). Ít có ở đâu khi đi nước ngoài mà chúng tôi được “xin” chụp hình chung với người bản xứ như vậy, nhất là mấy cô gái. Chưa kể ở một cửa hàng thời trang tại New Delhi, cô bạn Xuân Dung còn được một anh chàng tặng cái váy thật đẹp trị giá hàng ngàn rupee (tiền Ấn Độ), mặc dù anh chàng sẵn sàng đòi người khách khác cho bằng được dù chỉ… 2 rupee. Ở một cửa hàng khác thì anh bạn Tiến Khánh lại được ông chủ cửa hàng “xin” cái mũ màu đỏ mà anh đang đội với lý do rất đơn giản: “vì của Việt Nam”.
Câu chuyện vui nhất là khi chúng tôi hỏi “Namaska!” có liên quan gì đến Viagra không khi liên tưởng đến sách Kama Sutra của Ấn Độ cổ đại, thì anh hướng dẫn Rajesh Tripathi sốt sắng đưa chúng tôi đến một cửa hàng chuyên về… thảo dược ở gần biên giới với Nepal. Cửa hàng này chuyên về các thảo dược, được giới thiệu là chiết xuất từ các loại cây quý, hiếm trên dãy Himalaya, đặc biệt là viên vistagra. Anh hồ hởi giới thiệu: “Đàn ông Ấn Độ thích lắm!”. Ồ, nghe nói cái khoản này đàn ông Ấn nhờ ăn tỏi, cà ri thì mạnh lắm, mà vẫn cần món vistagra này sao? Ai biết đâu được, Kama Sutra - Namaska - Hymalaya lại tạo ra một vistagra thì sao? Thôi thì cũng mua một “mớ” về “chém gió” với bạn bè vậy, còn tác dụng ra sao thì xin để cho anh bạn hướng dẫn người Ấn và bạn bè tôi trả lời vậy!
… 8 ngày ở xứ Ấn rồi cũng phải chia tay. Ai cũng muốn trở lại mảnh đất này lần nữa. Chỉ tiếc là còn quá ít du khách người Việt được chiêm nghiệm những vùng đất thiêng này. Chị Kiều Chinh, Phó tổng giám đốc Công ty Vetor Aviation (đại diện cho 9W ở Việt Nam), cho biết hiện chỉ có khoảng 7.000 du khách Việt mỗi năm so với 75.000 du khách Thái Lan đi hành hương đất Phật Ấn Độ, mặc dù 9W đã có những đường bay rất thuận tiện từ Việt Nam qua Ấn Độ và đi lan tỏa khắp các chuyến bay đến các thánh tích của xứ Ấn.
Mong một ngày sẽ lại được chắp 2 tay vào ngực với tất cả sự yêu thương để “Namaska!” miền đất Ấn!
New Delhi - TP.HCM tháng 8.2012
Cao Minh Hiển
>> Ký sự trên đất Ấn - Di sản từ một cuộc tình
>> Ký sự trên đất Ấn - Kỳ 2: Tiếng Sitar trên sông Hằng
>> Ký sự trên đất Ấn - Kỳ 3: Trái tim Việt ở đất Phật
Bình luận (0)