Kỳ thi tốt nghiệp PTTH 2006: Đề Hóa hay!

31/05/2006 22:05 GMT+7

Nội dung đề thi bám sát chương trình giáo khoa lớp 12, học sinh trung bình cũng có thể làm được 60-70% bài thi, tuy nhiên vẫn có sự phân loại ở những câu hỏi mang tính nâng cao - đó là nhận xét chung của đa số các giáo viên chuyên môn về đề thi môn Hóa của kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2006 diễn ra chiều 31/5. Đề và bài giải gợi ý môn Hoá Đề và bài giải gợi ý môn Văn

Thầy Lê Kim Hùng - Tổ trưởng tổ Hóa Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM):

Học sinh sẽ phấn khởi với đề thi này

Phần lý thuyết, ở đề 1, câu 1 nói về nước cứng, chuỗi biến đổi, áp dụng riêng cho bài sắt. Đây là bài có trong SGK mà tất cả học sinh đã học, thầy cô trong trường đã dạy rất kỹ nên các em đều làm được. Sang đến câu 2 cũng có trong chương trình nhằm phân loại học sinh, tuy là những phản ứng cơ bản nhưng đòi hỏi học sinh phải học bài, biết phản ứng


Thầy Lê Kim Hùng

từng loại, phản ứng đặc trưng của mỗi chất... thì mới làm đúng. Câu 3 vẫn để phân loại học sinh nhưng có tính nâng cao hơn, học sinh phải nắm rõ natri kim loại khử nước mạnh nên natri phản ứng với nước trước cho ra dung dịch kiềm, sau đó đồng sunfat mới tác dụng với kiềm, một số học sinh yếu sẽ  cho natri tác dụng với đồng sunfat là sai.

Tương tự ở đề 2, các dạng câu hỏi đều đề cập đến những kiến thức đã học, đã từng làm, có trong SGK, học sinh biết được phản ứng đặc trưng, chuỗi biến đổi cơ bản để suy ra cấu tạo đúng của C3H4O2 là một axit chưa no...

Sang phần Bài toán thì đề ra tương tự như bài 272 trang 47 của sách bài tập hóa 12, nên các học sinh đều làm được, chỉ có câu 2b thì tương tự một bài tập phần nhôm (trong sách giáo khoa), câu này dành cho học sinh khá trở lên.

Tóm lại, đề thi phân bố toàn chương trình, phần hóa hữu cơ và hóa vô cơ phân bố đều cả 2 đề (trong phần lý thuyết) chỉ cần học bài là làm được, các phương trình phản ứng đều nằm trong chương trình, học sinh học kỹ sách giáo khoa là làm được.

Phần phân loại học sinh khoảng 2 điểm, học sinh yếu cũng đạt từ 3 điểm trở lên, tỷ lệ học sinh khá giỏi rất nhiều (70%), tỷ lệ trên điểm 5 khoảng 85%. Theo tôi thì đa số học sinh sẽ chọn lý thuyết đề 1 vì dễ làm hơn. Chắc học sinh sẽ rất vui với đề Hóa này.


Thầy Trần Sĩ Tuấn
Thầy Trần Sĩ Tuấn - Trung tâm BDVH và LTĐH Sài Gòn Trí Thức:

Nội dung bám sát chương trình lớp 12

Toàn bộ nội dung đề thi bám sát chương trình lớp 12. Các câu hỏi giáo khoa (chiếm 7 điểm) đã được đầu tư kỹ với những yêu cầu nắm vững hiện tượng, giải thích hiện tượng; từ cấu tạo suy ra tính chất và ngược lại; phân biệt chất, so sánh chất... rất đặc trưng của bộ môn Hóa. Với phần giáo khoa như vậy, học sinh trung bình có thể đạt được 4 đến 5 điểm. Nhưng để đạt điểm tối đa thì học sinh không những chỉ thuộc bài mà còn phải hiểu cặn kẽ, nắm được các hiện tượng của các phản ứng, mối tương quan giữa cấu tạo và tính chất...

Bài toán hóa học thuộc vào dạng phổ biến do vậy học sinh có học lực trung bình vẫn có thể làm được bài toán này. So với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2005, đề thi năm nay hay hơn, rõ ràng hơn, bao quát chương trình, được thể hiện qua 2 đề giáo khoa (chọn một).

B.Thanh (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.