Kỳ thú chuyện gà Chợ Lách

07/01/2005 21:43 GMT+7

Với dân chơi gà, Chợ Lách - Bến Tre là vương quốc gà nòi. Gà Chợ Lách có vô số chuyện lý thú...

"Ba Cồ" bán gà...

Ông Châu Bô, ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre có biệt danh gây ấn tượng là "Ba Cồ" - bởi thời trai trẻ ông mê gà nòi như điếu đổ, các trường gà khắp Nam kỳ lục tỉnh, nhỏ lớn ra sao ông đều có mặt. Ba Cồ còn có uy tín với dân chơi gà bởi trong tay ông lúc nào cũng có hàng tá gà dữ. Nay tuy lớn tuổi, giải nghệ, nhưng cái thú chơi gà vẫn cứ đeo mang. Cách đây vài tháng, trên Sài Gòn xuống ngã giá mua gà Ba Cồ 1 triệu đồng, Ba Cồ lắc đầu chê rẻ và nói: "Cho mấy ông cầm gà về Sài Gòn chơi, thua thì coi như tôi chưa đưa gà, còn thắng mấy ông trả tôi con gà này 5 triệu bạc". Trận đó Ba Cồ ẵm gọn 5 triệu đồng, còn dân Sài Gòn thì khoái chí vì quen được ông già xứ dừa điệu nghệ. Xứ này chuyện người nuôi gà nòi cưng gà, khoái các đòn, thế võ độc của gà... đâm ra mến gà nên trả bao nhiêu cũng không bán là chuyện thường. Chẳng hạn như con gà ó Mã Lai của ông Tư Cách ăn 18 độ, nhiều người năn nỉ ông đổi ngang chiếc Super Dream nhưng ông Tư vẫn lắc đầu.

Nay trên 70 tuổi với thâm niên chơi gà không dưới 50 năm, Ba Cồ kể hai chuyện vui vui: một là biếu con gà điều cho "tướng râu kẽm" chế độ cũ, hai là biết chuyện dân chơi gà qua mặt tướng Kỳ lấy bổn (nhân giống) con gà mồng lái ra sao. Nguyên Ba Cồ có con gà điều cực hay, ăn hàng chục độ, tướng gà đẹp, lông đều, chân vuông, mặt nhỏ, mắt tinh ranh. Khi đá, gà tung đòn thế hiểm, lúc thủ thì đá bon, đá giao chân đẹp mắt khiến cho dân trong nghề mê tít. Tiếng đồn bay xa, một tỉnh trưởng chế độ cũ đã phóng xe xuống gặp Ba Cồ. Ỉ ôi một hồi Ba Cồ mới hay vị khách này đòi mua gà bằng được để biếu tướng Kỳ đặng... xin miễn quân dịch cho người thân (!). Thương lượng xong, chỉ mấy tiếng sau tướng Kỳ đã cho... trực thăng xuống rước gà. Chuyện thứ hai là tướng Kỳ có con gà mồng lái chân xanh đá quá hay, gà này mua tận Phi Luật Tân, ra trường không ngán gà nào. Dân chơi liếc qua cũng biết đây là giống gà dữ, ai cũng muốn lấy bổn nhưng tướng Kỳ cho người chăm sóc rất nghiêm, khó gần. Sau cùng, phải "còm-măng" với người chăm sóc gà cho tướng Kỳ tráo được trứng, sau đó tại Bến Tre mới có bổn gà mồng lái giỏi như bây giờ (!).

Gà lai Mỹ giá 1,5 triệu đồng.

Theo ông Ba Cồ, hồi đó chơi gà đúng phép tắc lắm, săm soi chân cẳng, lông lá kỹ lưỡng vẫn chưa đủ, dân chơi gà khi đã có gà hay như con khét, gà ô, gà chân vuông, chân xanh thì khi đổ ra bầy đúng bổn phải là toàn gà khét hoặc ô, chân xanh vuông không có màu lông, kiểu chân khác. Còn bây giờ đổ tùm lum khiến gà bị lai tạp, phả hệ mất dần cái độc đáo riêng. Gà đúng bổn là gà dù có bị đối thủ đá gãy chân, xệ cánh, hộc máu cũng gườm gườm nhìn không chạy hoảng. Có con dù gần chết nhưng cái uy dữ quá khiến gà đang trên cơ cũng ớn đâm đầu bỏ chạy, nên mới có câu "Gà chết ăn gà sống” là vậy. Mà gà trống dữ, con mái cũng phải hung, ví như lông đều, mặt râu, tư thế đứng hình giọt mưa thì khi đổ bầy mới có nòi hay.

Xem tướng và lập phả hệ cho "linh kê"

Gặp anh Nguyễn Văn Sê, một người chuyên bán gà nòi hàng xóm của ông Ba Cồ mới hay chuyện chăm sóc gà đúng cách cũng nhiêu khê vô cùng. Nào là bắt ếch nhái, cào cào, châu chấu và xắt cả thịt bò cho gà ăn. Lại phải tắm nước nóng, lau mặt, lau cánh cho gà mát, 5 giờ sáng đem gà ra hứng sương, 12 giờ đêm thức cho gà uống nước. Hàng đêm còn phải rờ xem bầu diều xẹp hay cứng, kiểm tra phân gà coi gà có bệnh gì không, nếu phân màu trắng xanh mới yên tâm. Mỗi ngày, người nuôi phải quần gà cho chân cẳng cứng và cho gà sung bằng cách nhốt con mái trong bội thả con trống bên ngoài, con trống thấy mái sáng mắt cứ chạy rè rè. Muốn gà lên lông đẹp phải cho uống hột... gà, vài tuần phải cho gà "luyện võ", dân trong nghề coi gà xổ thấy con nào đá đều chân, trận nào cũng hay, không lên xuống thất thường đưa gà đi ra trường liền. Cũng có vài điều lưu ý như không cho gà ăn thằn lằn nhiều bởi gà bị gom thịt mau xuống sức, trước khi đá không cho đạp mái nếu không gà bị lỏng cốt, cần nắm rõ gia phả gà không cho cùng bổn đạp nhau...

Anh Sê bảo nhỏ với chúng tôi - người nuôi phải biết xem... tướng gà nữa. Nào là kỳ vi chân cẳng, dáng đứng tướng đi, hình thể. Rồi nào là con khét với con xám kỵ nhau, con xám mạng thổ, con khét mạng hỏa, con ô mạng thủy, con điều mạng kim, phải coi mạng nào ky giờ nào, hợp giờ nào. Và nhất thiết khi nhập nha làng gà cũng phải biết rành rọt mấy câu truyền khẩu như: "Gà que gà vàng đâm nhiều"; "Sáng gà điều chiều gà xám" ám chỉ gà xám hạp từ 3 giờ chiều trở xuống, đá giờ này gà rất lên chân, còn con điều dữ cỡ nào mà đụng gà ô chân trắng mỏ ngà phải chạy độ lẹ, nếu không giao chân vài cái gà điều chết liền. Hay chuyện gà móng cổ (ngay cổ mọc móng) phải canh con nước, nước ròng đá hay nhưng nước rong đá dở tệ, cũng phải coi khi nào móng lú lên mới ra trường, còn khi chưa tới giờ lú móng nên úp lồng bằng không bao nhiêu tiền cũng thua sạch. Còn các "linh kê" (như tử mỵ, áng thiên) không ngán con nào nhưng lại kỵ rơ với gà sinh đôi, gà có vảy thổ địa. Nhưng con thổ địa lại bị con xuyên đao khắc tinh. Và rồi còn vô số "linh kê" khác như gà có tướng đi như vịt, gà ngũ sắc, gà long tượng, gà móng cổ, gà không lưỡi, gà chuột... các gà này hiếm có trên đời trị giá đáng bạc muôn.

Cũng từ đây chuyện sính gà linh mới sinh chuyện... "lên đời" gà bằng đủ kiểu. Tỷ như cắt lưỡi gà để thành gà không lưỡi, nhuộm lông gà thường thành gà ngũ sắc, cạo vảy thường dán vảy dị thường cho thành gà dữ. Hoặc như chuyện gà tử mỵ không bao giờ đi dưới sào phơi áo quần, kẻ gian bèn luyện chơi ăn may sao cho con gà thường gặp sào đồ cũng không... chui qua(!). Ôi thôi, đủ trò ma giáo !

Triết lý về gà

Ông Ba Cồ xem chân gà. (ảnh: Mai Minh)

Anh Sê chơi gà đến độ thượng thừa như vậy nhưng cũng phải phục lăn "trùm gà" Bảy Thảo - tức Mai Hồng Thảo ngụ ở ấp Đông Á. Vừa vào nhà anh Bảy đã nghe tiếng gà cục cục liên hồi, khu vườn rộng mênh mông chứa cả trăm con gà tơ đi lại, còn trong chuồng là hàng chục gà nòi đang nghênh ngang gườm gườm tranh nhau gáy rân trời. Mỗi năm, anh Bảy cung cấp hàng trăm gà nòi cho các miệt Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sài Gòn... giá bét nhất cũng phải 1 triệu đồng một con. Trong các gà nòi xuất chuồng, có một con khiến tên tuổi anh Thảo nổi danh trong làng chơi. Đó là con gà ô tơ bán cho Thạch Cà Na ở Trà Vinh với giá 1 triệu đồng. Thấy gà đá hay quá, một tay chơi gà máu mặt nhất nhì Cần Thơ là D.T ngã giá mua lại đến... 30 triệu đồng. Thạch Cà Na tiếc gà hay không bán, D.T lại kèo nài: "Thôi ông cho giá đi, bao nhiêu tôi cũng trả". Với kinh nghiệm chục năm trong nghề nuôi gà nòi cung cấp cho thị trường, Bảy Thảo lý luận cách nuôi gà cũng khác người, đất nuôi gà cũng như đất trồng cây phải thay đổi thì gà càng tốt tướng. Ở những vùng đất vườn chưa thả nuôi gà Bảy Thảo đã hợp đồng với gia chủ, anh giao gà trống mái và giao kèo khi gà ấp nở thành gà tơ anh sẽ bắt lại gà và tùy theo con trống tốt hay xấu mà anh trả công nuôi vài ba trăm ngàn một con. Nuôi gà nòi cũng “lên voi xuống chó” lắm, gặp thời đổ mẻ ra gà dữ, gặp vận xấu thì đổ ra chỉ toàn gà thịt. Dòng gà cũng đổi bổn thường xuyên cho phù hợp thị hiếu thị trường, Bảy Thảo đã không ngại ngần bỏ ra hàng ngàn đô la để mua gà nòi Mỹ lấy bổn. Gà Mỹ có cái hay như phổi nhỏ (cựa đâm ít trúng), đá đòn mạnh như võ sĩ quyền Anh, cái dở là đá không biết né cứ giao thẳng chân. Trong khi đó, gà Việt đá chân đòn không mạnh bằng gà Mỹ nhưng biết tránh đòn, lừa thế phản công. Cho lai hai giống gà này sẽ có giống gà ưu điểm hơn, đá đòn mạnh, phổi nhỏ đâm ít lủng.

Anh Bảy buồn buồn nhận xét: Cách chơi đá gà mỗi thời mỗi khác, càng ngày càng phai nhạt đi cái tinh hoa, lý thú của một trò chơi dân gian. Nếu những thập niên trước đây, người chơi cho gà nòi đá bằng cựa cốt, mỗi độ kéo dài hàng tiếng đồng hồ chủ yếu để người xem thưởng lãm các đòn đẹp của gà. Còn bây giờ, do máu ăn thua sát phạt nhau, người ta chơi cựa sắt 5-7 phân, mỗi độ có khi chỉ vài phút là xong. Thế nên con gà Bến Tre cũng biến dòng theo, những con nào đá sát cựa, đâm nhiều mới được ưu tiên lấy bổn.

Thắc mắc chuyện con gà Bến Tre vì sao giỏi thì cả Ba Cồ lẫn Bảy Thảo đều lắc đầu, họ chỉ biết gà Chợ Lách nổi tiếng từ những năm 1960. Song dù chơi gà hay nuôi gà nòi giỏi tới đâu cả hai cũng có cùng nhận xét: Chơi gà vừa vừa thôi, chơi càng lớn càng chết lớn. Ba Cồ mê gà nhưng khuyên con cháu: "Nuôi chơi kiểng thôi à, ai mua thì bán, cái gan con gà chứ không phải gan mình, gà hay có con còn hay hơn".

Thanh Dũng - Khoa Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.