Kỳ thú Thủ Đức: Họ Hồ và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu

28/01/2021 06:27 GMT+7

Không chỉ được các nhà khảo cổ ghi nhận là nơi xuất hiện các lớp cư dân đầu tiên trên địa bàn TP.HCM hiện nay, vùng đất Thủ Đức còn được xem là chốn “địa linh nhân kiệt”.

Bên cạnh hai di tích Bến Đò và Hội Sơn, tại Thủ Đức còn có các cụm di tích đáng chú ý khác gắn với sự xuất hiện của những cư dân đầu tiên của thành phố, như di tích Long Bửu (P.Long Bình, Q.9 cũ), di tích Gò Quéo (Gò Cát) nằm trong khu vực đường số 5, thuộc P.Bình Trưng Đông, Q.2 cũ.
Ngoài ra, trong các đợt khảo sát năm 1994 - 1996 phục vụ cho xây dựng và quy hoạch, các nhà khảo cổ cũng đã ghi nhận sự hiện diện của các dấu tích con người xuất hiện rất sớm.

Thành phố Thủ Đức: Diện tích, dân số và những điều cần biết

Vùng đất địa linh nhân kiệt

Từ thế kỷ 17 đến nay, Thủ Đức đã có nhiều thay đổi về địa giới hành chính. Năm Mậu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào “kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố thành hai huyện: lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định)”. Năm 1808, vua Gia Long đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long được nâng lên thành phủ gồm 4 huyện là Bình An, Phước Chánh, Long Thành và Phước An. Thủ Đức lúc này là một phần của huyện Bình An. Năm 1837, vua Minh Mạng cho lập thêm phủ Phước Tuy, 2 huyện Ngãi An và Long Khánh.
Huyện Ngãi An gồm 4 tổng An Thổ, An Thủy, An Di và An Bình chính là vùng Thủ Đức ngày nay. Năm 1911, bên cạnh việc thành lập trước đó thành phố Sài Gòn (1874), người Pháp chia tỉnh Gia Định thành 4 quận: Thủ Đức, Nhà Bè, Gò Vấp và Hóc Môn (quận Thủ Đức có 6 tổng: An Bình, An Điền, An Thành, An Thổ, An Thủy và Long Vĩnh Hạ), trải qua nhiều lần thay đổi địa danh hành chính của người Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, về cơ bản lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Thủ Đức xưa không khác mấy so với hiện nay tương ứng với 3 quận: Thủ Đức, 9, 2 và một phần của TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Đặc biệt, Thủ Đức là một vùng đất được đánh giá là nơi “địa linh nhân kiệt” với nhiều đại danh lam của Sài Gòn - Gia Định xưa (chùa Hội Sơn, chùa Thiên Phước, chùa Phước Tường, đình Linh Đông - Linh Tây...); nhiều nhân vật lịch sử nổi danh triều Nguyễn, trong đó đáng kể nhất là họ Hồ ở làng Linh Chiểu xưa với nhân vật lịch sử Hồ Văn Bôi và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng, là mẹ vua Thiệu Trị).

Nếp nhà trâm anh cao quý

Hồ Văn Bôi được sử sách triều Nguyễn ghi chép như sau: Ông người ở Bình An trấn Biên Hòa (P.Linh Tây, Q.Thủ Đức cũ). Lúc mới đầu quân làm Túc trực đội trưởng, hai lần theo vua đi Vọng Các (thủ đô Bangkok, Thái Lan). Năm Đinh Mùi (1787) mùa thu, theo về Gia Định, rồi thăng làm Thuộc nội cai đội, đem đội Túc trực trung ngũ theo vua đi đánh giặc, thường có chiến công rực rỡ. Năm Gia Long thứ 1 (1802), thăng làm Vệ úy Tả nhất Thị trung; mùa đông năm ấy, thăng làm Khâm sai Thuộc nội chưởng cơ, coi vệ Tả nhất như cũ. Năm 1803, cùng vua đi tuần miền Bắc, cho mũ áo tới khi trở về, vì tuổi già xin về hưu, rồi chết.
Năm 1826, ông được vua Minh Mạng ban tặng là Nghiêm uy tướng quân Thượng hộ quân thống chế.
Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), ông được gia tặng là Đặc tiến Tráng vũ tướng quân, Tả quân đô thống phủ đô thống chưởng phủ sự, Thái bảo, tên thụy là Trung Dũng, phong là Phước quốc công.
Ông có 2 con trai: Hồ Văn Lưu từng làm quan đến Tiền phong doanh Đô thống chế, Hồ Văn Thập làm quan đến Vệ úy sung nhất đẳng thị vệ. Đặc biệt, con gái cả là bà Hồ Thị Hoa, năm 1806 được vua Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu chọn làm vợ cho Hoàng tử thứ tư của mình, tức là vua Minh Mạng. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), bà được phong làm Tá Thiên Nhân Hoàng hậu.
Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa, người làng Linh Chiểu, quận Thủ Đức. Năm 1807, bà hạ sinh hoàng tôn sau này là vua Thiệu Trị được 13 ngày thì bà mất khi mới 17 tuổi. Bà được triều đình ghi chép là người nết na cẩn thận, hiền hậu trinh thục, trọn lòng hiếu kính. Vua khen ngợi, bảo rằng: “Nguyên tên là Hoa, có nghĩa là được tiếng thơm trong bốn mùa thôi, sao bằng Thực, có nghĩa là phước quả để lại muôn năm thì tốt hơn”. Nhân lấy chữ Thực đặt tên cho.
Chính vua Minh Mạng sau khi lên ngôi vua cũng đã khen ngợi người vợ của mình bằng những lời văn đầy cảm xúc của một vị vua anh minh, cho đúc thành sách bạc sai sứ thần đến đền thờ và lăng mộ ban phong cho bà làm Chiêu Nghi, sắc chỉ chép: “Nghĩ rằng, tuyển thị Hồ, nếp nhà trâm anh cao quý, nết người hiền dịu thanh tao. Chốn khuê phòng thường giữ đoan trang, làm không trái đạo, nơi Tiềm để (nơi ở trước khi lên ngôi vua của Hoàng tử được chọn kế nghiệp) sớm nêu hiền hậu, để lại tiếng hay... nghĩ người khuất đi, rất là thương xót...”.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.