Kỹ thuật đọc hiểu môn tiếng Anh

Hà Ánh
Hà Ánh
29/04/2018 20:01 GMT+7

Phần đọc hiểu dù chiếm số lượng câu hỏi ít hơn trong đề thi tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia nhưng lại là phần khiến thí sinh e ngại nhất.

Đọc trước phần đề dẫn

Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ VN, điểm đặc biệt của đề thi môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia chỉ gồm những câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm và không có phần tự luận. Vì vậy, việc trang bị thành thục kỹ năng làm bài trắc nghiệm sẽ giúp thí sinh (TS) dễ dàng lấy điểm tuyệt đối.

Theo tiến sĩ Phương Anh, khi bắt tay vào làm bài trắc nghiệm, việc đọc lướt phần thân (phần đề dẫn) là cần thiết. “Nhiều người thường chọn cách đọc trước phần lựa chọn (các đáp án gợi ý) để tiết kiệm thời gian làm bài. Tuy nhiên, việc bỏ qua phần thân để đọc trước đáp án trong nhiều trường hợp là một sai lầm, bởi từ sự chủ quan trong suy nghĩ khi nhìn vào đáp án có thể dẫn tới hấp tấp và có quyết định sai. Trong khi đó, việc đọc trước phần thân sẽ giúp có cái nhìn tổng quát về định hướng đáp án cần chọn về từ loại, ngữ nghĩa hay cấu trúc. Trên cơ sở đó, việc nhìn vào đáp án sẽ định hướng chính xác hơn câu  trả lời”, tiến sĩ Phương Anh khuyên.

Cũng theo tiến sĩ Phương Anh, trong đề thi tiếng Anh sẽ có những câu dễ “ăn” điểm, tức nhìn vào có thể thấy ngay đáp án. Đó thường là các câu hỏi kiểm tra ngữ âm, từ vựng hoặc ngữ pháp đơn thuần. Trong trường hợp này, TS không nhất thiết phải làm đúng trình tự các bước của quy trình làm bài trắc nghiệm mà có thể “làm tắt” để tiết kiệm thời gian. Còn trong các trường hợp khác, khi đáp án không hiển nhiên thì trên cơ sở phân biệt từ loại, nghĩa của từ để cho ra đáp án đúng.

Trong số 50 câu hỏi thì phần đọc hiểu có 3 bài, chiếm 20 câu. Trong đó phần nâng cao tập trung vào 2 bài cuối. Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, để làm tốt bài thi đọc hiểu TS không chỉ sử dụng kỹ năng ngôn ngữ mà còn phải có kiến thức phổ thông vững chắc. Vì vậy, để làm tốt phần này người học cần có quá trình đọc báo cập nhật thời sự, nắm thông tin trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới.

Chú ý 5 dạng câu hỏi đọc hiểu

“Câu hỏi của bài đọc hiểu thường kiểm tra 5 kỹ năng gồm: đọc hiểu tổng quát, đọc hiểu chi tiết, hiểu từ trong ngữ cảnh, liên kết ý trong bài và suy đoán nội dung không trực tiếp nêu trong bài. Tuy nhiên, đề thi trong kỳ thi THPT thường chỉ kiểm tra 4 kỹ năng đầu, kỹ năng cuối cùng đòi hỏi khả năng suy luận ở trình độ cao. Do vậy, để làm tốt bài đọc hiểu thì ngay từ khâu đọc câu hỏi, TS cần nhận dạng rõ câu hỏi kiểm tra dạng kỹ năng nào để có cách làm bài phù hợp”, tiến sĩ Phương Anh phân tích.


Trong đó, để làm tốt kỹ năng đọc hiểu tổng quát, khi đọc văn bản nên chú ý vào câu đầu và câu cuối của đoạn văn. Bởi lẽ, thông thường 2 phần này trong văn bản tiếng Anh sẽ là câu chủ đề hoặc chốt lại vấn đề. Vì vậy, dù chỉ đọc lướt cũng dễ dàng và nhanh chóng nhận ra chủ đề cho câu hỏi tổng quát. Việc nhận ra quan điểm chủ đạo của tác giả trong đoạn văn cũng rất quan trọng để làm tốt dạng câu hỏi này. Quan điểm đó có khi tích cực hoặc tiêu cực nhưng với bài viết khoa học thường chỉ thể hiện quan điểm trung tính.

Với câu hỏi kiểm tra kỹ năng đọc hiểu chi tiết, câu trả lời thường tập trung trong phạm vi 1 - 2 câu có đề cập nội dung đó. Vì vậy, TS không nên đọc lan man mà chỉ cần tập trung đọc kỹ đúng đoạn văn bản mà nội dung câu hỏi đề cập để tìm ra câu trả lời.

Trong khi đó, dạng câu hỏi kiểm tra nghĩa của từ thường sẽ ra những từ khó và hiếm gặp trong trình độ tiếng Anh cụ thể. Vì vậy sẽ không dễ dàng biết nghĩa của từ nếu không có vốn từ vựng phong phú. Do vậy, kỹ năng cần có khi làm dạng câu hỏi này là vận dụng ngữ cảnh cụ thể để phán đoán. Việc hiểu tổng quát nội dung đoạn văn, kết hợp với 4 đáp án gợi ý cho sẵn sẽ giúp việc đoán từ dễ dàng hơn.

Dạng câu hỏi về liên kết ý trong văn bản thường hỏi về chủ thể được thay thế trong các đại từ như: “that”, “it”, “they”... Với dạng này, việc nắm vững cấu trúc của câu văn sẽ giúp suy luận chính xác. Trong nhiều trường hợp, nếu vận dụng cấu trúc mà vẫn chưa tìm ra đúng chủ thể thì dựa vào nghĩa cụ thể của câu văn để suy ra.

Cuối cùng, dạng câu hỏi suy đoán đòi hỏi tư duy và suy luận ở mức cao hơn. Dù phải tìm ra điều không được nhắc trực tiếp trong đoạn văn nhưng vẫn phải dựa vào các chi tiết có sẵn trong bài. 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.