Kỳ tích Ánh Viên - Cú hích cho thể thao Việt Nam

22/06/2015 11:10 GMT+7

(TNO) Từ trường hợp của kình ngư Ánh Viên tại SEA Games 28 cho thấy, thể thao Việt Nam không nên đầu tư dàn trải và chạy theo số lượng, cần phải biết chọn lọc thật khoa học và tránh lãng phí khi đầu tư nhiều môn quá sức...

(TNO) Từ trường hợp của kình ngư Ánh Viên tại SEA Games 28 cho thấy, thể thao Việt Nam không nên đầu tư dàn trải và chạy theo số lượng, cần phải biết chọn lọc thật khoa học và tránh lãng phí khi đầu tư nhiều môn quá sức...
Ánh Viên được đông đảo người hâm mộ chào đón tại sân bay Tân Sơn Nhất sau khi vừa trở về từ SEA Games 28 - Ảnh: Diệp Đức Minh
Được biết, mục tiêu ban đầu của đoàn thể thao Việt Nam đặt ra ở kỳ SEA Games 28 cũng chỉ là 65-70 HCV. Vậy mà Việt Nam đã đoạt 73 HCV. Đây được xem là một cố gắng đáng trân trọng và thật tự hào của đoàn thể thao nước nhà. So với mọi năm, thành tích thi đấu ở những môn Olympic của chúng ta cũng có tiến bộ đặc biệt, thật đáng mừng.

Tại một cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết, ngành đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương để Chủ tịch nước ký trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Nguyễn Thị Ánh Viên - VĐV nổi bật nhất của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28. 

Sự xuất sắc của cô gái 19 tuổi này cũng đã được ông Trần Đức Phấn, phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trưởng đoàn thể thao Việt Nam đánh giá là một tài năng xuất chúng.

Tại SEA Games 28, Ánh Viên đã khiến cả Đông Nam Á phải ngước nhìn với thành tích đoạt 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ và phá 8 kỷ lục SEA Games. 

Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải nhìn xa hơn cho bước đi mới, một hướng đầu tư mới cho nền thể thao đỉnh cao Việt Nam. 

Bàn về mức độ đầu tư, chúng ta có thể lấy trường hợp của Ánh Viên. Mỗi năm kinh phí dành cho Viên bao gồm cả chi phí sinh hoạt, học tập và du đấu cũng chỉ vào khoảng 350 ngàn USD/năm. Trong đó, bên Quân đội (đơn vị chủ quản của Ánh Viên) đã đóng góp phân nửa, nửa còn lại của Tổng cục TDTT. Nghe thì tưởng là nhiều, nhưng đem so với nước bạn trong khu vực thì chẳng đáng bao nhiêu. 
Ánh Viên đã khiến cả Đông Nam Á phải ngước nhìn với thành tích đoạt 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ và phá 8 kỷ lục SEA Games - Ảnh: Khả Hòa
Trả lời báo chí Singapore mới đây, HLV trưởng đội tuyển bơi lội Singapore (quốc gia mạnh nhất khu vực ở môn bơi lội) Sergio Lopez đã tiết lộ, mỗi năm đảo quốc sư tử phải bỏ ra gần gấp 3 số tiền trên dành cho nam kình ngư Joseph Schooling và như chúng ta đã biết, tại SEA Games 28 Schooling đã đoạt 9 HCV và 9 lần phá kỷ lục SEA games.

Một vấn đề trọng tâm khác mà chúng ta cùng cần lưu ý là Việt Nam có trên 3,2 ngàn km bờ biển, sông ngòi cũng rất nhiều, nhưng xem ra phong trao hoạt động bơi lội trong xã hội không được như mong muốn với lợi thế về địa lý như trên. 

Số liệu điều tra tai nạn thương tích Quốc gia cho biết, mỗi ngày có khoảng 20 trẻ bị đuối nước và có 1/2 bị tử vong. Đuối nước và gần đuối nước thường xảy ra ở nhà, nhưng cũng thường ở gần các khu vực ao, hồ và sông ngòi. Một điều mà ở những nước có cuộc sống văn minh được nhà trường dạy bơi từ nhỏ thì trẻ em nơi đó rất ít gặp phải.

Từ sự kiện Ánh Viên gặt hái bội thu huy chương tại SEA Games vừa qua, hy vọng sẽ như một cú hích quan trọng để Hiệp hội thể thao dưới nước cùng ngành thể thao nói chung của nước nhà nhìn lại, đặt ra mục tiêu phấn đấu "xóa mù" về bơi lội trong nhà trường phổ thông, điều tưởng đã phổ cập từ lâu, thực tế lại chưa phải vậy. 

Ánh Viên đã và sẽ nhận hàng tỉ đồng tiền thưởng cho thành tích cô đã đạt được tại SEA Games vừa qua và điều đó càng cho thấy ý chí, nghị lực của các VĐV, HLV của Việt Nam đã được ghi nhận. 

Tôi tin rằng, thể thao Việt Nam vẫn sẽ gặt hái được nhiều thành tích tốt trong tương lai. Những trường hợp đã bứt khỏi thành tích khu vực kiểu như Ánh Viên thì cần sớm hướng tới đấu trường cao hơn ở cấp châu lục hoặc thậm chí thế giới. Nếu ta thấy các tài năng trẻ còn có khả năng phấn đấu ở những vị trí cận kề thì rất nên đầu tư mạnh tay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.