Kỳ tích giữ rừng: Rừng xanh trên cát trắng

11/06/2013 11:00 GMT+7

Mùa hè, có ngày nhiệt độ ở Quảng Trị ngấp nghé 40 độ C. Cái nóng càng khủng khiếp hơn khi ghé thăm vùng cát. Thật may, người dân ở đây đã giữ được “báu vật” không bạc tiền nào mua nổi, ấy là rừng.

Dân giữ rừng, rừng giữ làng

Làng Đông Dương thuộc xã Hải Dương (H.Hải Lăng), tương truyền được khai khẩn cách đây hơn 500 năm. Với ngần ấy thời gian, qua bao đời kiếp, người dân vùng quê nghèo này có 2 thứ để tự hào, đó là cây ném (tương tự cây hành nhưng nhỏ hơn nên còn gọi là hành tăm) và khu rừng xanh bốn mùa giữa rú cát khô khốc. Ném Đông Dương thơm ngon nức tiếng khắp miền Trung, từng được lên tàu bay, xe lửa để vận chuyển vào nam ra bắc. Còn khu rừng của làng, dù chỉ “nằm yên một chỗ” nhưng được ví như lá phổi xanh và nắm sự tồn vong cho mảnh đất này. Khu rừng có tự bao giờ, đến những cụ cao niên trong làng cũng không còn nhớ nữa, chỉ biết rằng từ đời trước của các cụ, lúc sinh ra đã thấy cây cối um tùm, tỏa bóng phủ che vùng cát. Ông Trần Xuân Tình (Ban điều hành làng văn hóa Đông Dương) cho biết khu rừng trên rú cát của làng có diện tích khoảng 90ha, trong đó có khoảng trên 15ha rừng tự nhiên. “Làng chúng tôi nằm cạnh rú cát, nếu không có rừng thì e rằng đã không tồn tại đến bây giờ”, ông Tình giảng giải. Điều ông Tình nói không phải là không có lý khi trong kí ức người Đông Dương, họ sợ cát còn hơn cả chiến tranh. Có thời, nạn cát bay cát nhảy đã “xóa sổ” nhiều làng quê lân cận nhưng Đông Dương vẫn không hề hấn gì. “Ai đã che chắn cho làng nếu không phải là khu rừng kia?”, ông Phan Vang, một vị cao niên của làng hỏi nhưng bao hàm luôn cả câu trả lời.

Vậy nên chuyện dân Đông Dương giữ rừng là như một lẽ hiển nhiên, được gầy dựng hết đời này sang đời khác. Không có văn bản cụ thể nhưng người Đông Dương đã có sẵn trong đầu điều luật bất thành văn để “răn”, để “trị” những kẻ “tơ hào” đến khu rừng cấm, dù chỉ là vài cành củi tươi hay dăm con chim nhỏ. “Không bảo vệ từng cái bé thì sao có những cái lớn. Cũng là bởi xưa bày nay làm, tổ tiên đã có quy định, con cháu phạm phải thì chịu phạt, bất kể là ai. Rừng bảo vệ làng, ai phá rừng là chống lại cả làng”, ông Phan Văn Quang, Chủ nhiệm HTX Đông Dương nói cứng.

Một điều may mắn cho khu rừng nữa ấy chính là sự song hành tồn tại với hai đầm nước lớn nằm xen kẽ. Mạch ngầm như hệ thống tưới tiêu tuyệt vời cho cây, trong khi trên mặt đất, người Đông Dương mỗi người một tay, chăm lo nên rừng càng ngày càng vươn cao, tỏa bóng. Có vậy, rừng cát Đông Dương tồn tại và phát triển nhiều loại cây quý: đa, lộc vừng, trâm bầu, mít nài, trầm ná, sanh...Ở đây, người dân vẫn thường bắt gặp: dông, tắc kè, thỏ, chồn, sóc, rắn các loại, gà đa, bìm bịp... Khốn nỗi, mấy năm trở lại đây, đang “sốt” các loại cây cảnh nên kẻ gian nhiều lần lảng vảng quanh khu rừng. Cách đây dăm năm, một cây lộc vừng 2 người ôm đã bị khoắng mất, đó là nỗi đau chung của dân làng... “Nói thật, nếu có người tâm huyết đầu tư tiền của, tôi tin rằng khu rừng nguyên sơ này không những được bảo vệ tốt hơn mà sẽ có ngày trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Vậy mới bỏ cho cái công bao đời chăm bẵm của người dân Đông Dương”, ông chủ nhiệm HTX Đông Dương nói chắc nịch.

Kỳ tích giữ rừng: Rừng xanh trên cát trắng
Quần thể rừng ngập nước ở khu vực đầm giữa khu rừng thôn Đông Dương - Ảnh: Nguyễn Phúc

Làm du lịch để... giữ rừng

Trong khi người dân làng Đông Dương đang mơ về một khu du lịch mọc lên ngay trên rú cát làng mình thì ở xã Hải Xuân (H.Hải Lăng) đã có một vùng sinh thái đặc thù vang danh khắp chốn, ấy là trằm Trà Lộc. Xứ này cũng có nhiều nét tương đồng ở Hải Dương, khi giữa mênh mông cát trắng khô rang, bỗng dưng “trồi” ở dưới đất lên một không gian xanh, mát rượi. Có người vì yêu Trà Lộc quá mà nói rằng đây là chốn không hề có... nắng. Còn với tôi, cảm giác bất ngờ là có thật, bởi thật khó tin nơi mà cát và gió lào là đặc sản lại có khu rừng, một hồ nước nên thơ, “lạc loài” đến vậy… Cái tên “trằm” là tiếng địa phương cổ, chỉ nơi tích tụ nước từ các trảng cát chạy về, động lại thành trằm (giống như bàu). Bao quanh trằm là một khu rừng tươi tốt, phong phú, đa dạng hệ thực vật và các chủng loại cây vùng truông cát tiếp giáp với biển. Những vệt rừng cao thấp là nơi trú ngụ của nhiều lại chim, thú quý, đã làm nên thương hiệu của trằm Trà Lộc.

Nhờ có ưu thế về du lịch nên diện tích của khu vực trằm Trà Lộc từ 36ha ban đầu đã được chính quyền mở rộng lên thành gần 100ha. Trà Lộc bây giờ đã trở thành một điểm du lịch sinh thái, lịch sử, văn hoá ẩm thực… lý tưởng, đặc biệt là vào những ngày hè nóng bức. “Trà Lộc, không có nắng, không có bụi, không có tiếng ồn... mà xanh tươi và tưởng như đang ngủ yên mặc cho bao biến thiên lịch sử, bao thay đổi của xã hội bên ngoài nó”, anh Trần Xuân Anh, một du khách đến từ TP. Đông Hà nói văn vẻ. Trong khi đó, một cán bộ của BQL khu du lịch sinh thái Trà Lộc cho hay dù chỉ với 6 người nhưng ban thường xuyên phối hợp với lực lượng công an tuần tra, kiểm soát, xử lý các vụ việc vi phạm. Nhưng điều đáng khen nhất là mặc dù thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, nghĩ dưỡng nhưng để Trà Lộc mãi hoang sơ, ngoài sự nỗ lực của những ban ngành có trách nhiệm còn phải nhắc đến sự tham gia tích cực của người dân địa phương. Chính họ chứ không ai khác được “hưởng lợi” từ trằm Trà Lộc vậy nên bảo vệ khu sinh thái này có nghĩa họ đã tự giúp chính mình.

Đi chân trần trên những trảng cát được phủ bóng râm từ những tán rừng xanh hoang sơ ở Trà Lộc và Đông Dương, nhiều người cứ tưởng mình đang lạc vào những miền cổ tích. Có điều cái miền đất không chỉ có trong trang sách mà tồn tại ngoài đời thực, phần nhiều nhờ công dựng xây của những người nhà quê chân chất, biết quý trọng thiên nhiên...

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.