Gần 30 năm sau trận chiến Gạc Ma lịch sử, có một cựu binh từng tham gia trận hải chiến ấy đang sống lặng lẽ ở một huyện vùng sâu trên cao nguyên.
Người cựu binh Trường Sa với bức ảnh thời còn quân ngũ - Ảnh: Ngọc Quyền |
Một ngày cuối năm 2015, cầm trên tay một tờ báo, anh Nguyễn Văn Chương (ở thị trấn Krông Kmar, H.Krông Bông, Đắk Lắk) thấy mắt mình nhòa lệ. Lâu lắm rồi anh mới bắt gặp cái tên thân quen của một cựu binh trong bài báo nói về trận chiến Gạc Ma năm xưa. Đó là Trương Văn Hiền, ở xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột. Dịp giáp tết nguyên đán Bính Thân, anh nghỉ việc một ngày để đến xã ngoại ô phố núi tìm anh Hiền. Gặp lại đồng đội cũ sau mấy chục năm xa cách, hai người xúc động ôm nhau khóc. “Chỉ đến khi gặp Hiền, tôi mới biết được thông tin về những cựu binh Trường Sa khác, nói chuyện với anh em qua điện thoại mà mình không cầm được nước mắt”, anh Chương nói.
Quê ở H.Lệ Thủy, Quảng Bình, năm 1978, anh Chương vào bộ đội khi tròn 20 tuổi. Những năm đầu trong Quân chủng Hải quân, anh cùng đơn vị đóng quân chủ yếu ở Đà Nẵng; đến năm 1987 thì vào Cam Ranh trong biên chế Trung đoàn 83. Lúc này, anh Chương mang quân hàm thượng úy, giữ chức Trung đội trưởng. Đầu tháng 3.1988, đơn vị của anh nhận lệnh hình thành bộ khung đại đội để lên tàu ra Trường Sa, xây dựng đảo Gạc Ma và một số đảo lân cận.
Anh Chương hồi tưởng: “Tôi còn nhớ như in. Khoảng 5 giờ sáng 14.3.1988, khi nghe giọng phát thanh viên báo giờ tập thể dục của Đài Tiếng nói VN, nhìn ra biển bình minh ló dạng thì tàu HQ-604 của chúng tôi cũng tiếp cận vùng đảo Gạc Ma. Cả đơn vị trên tàu chưa kịp ăn sáng, chuẩn bị chuyển vật liệu xây dựng xuống xuồng nhỏ để đưa vào đảo. Lúc này, có 4 tàu hải quân Trung Quốc xuất hiện, bao quanh tàu 604, lát sau có thêm 3 tàu Trung Quốc nữa. Tôi truyền đạt lệnh của chỉ huy đơn vị yêu cầu anh em giữ bình tĩnh, cứ tiến hành chuyển vật liệu lên đảo. Thế nhưng, chỉ trong mấy chục phút sau, tàu HQ-604 bị bắn chìm, hơn 60 sĩ quan, chiến sĩ hải quân hy sinh dưới hỏa lực tàn khốc của phía Trung Quốc đang dã tâm xâm chiếm đảo”.
Sau trận chiến không cân sức bảo vệ đảo Gạc Ma, thượng úy Chương cùng một số đồng đội sống sót trên biển dùng xuống nhỏ chèo đến đảo Cô Lin đang được hải quân VN trấn giữ gần đó. Trong điều kiện bấy giờ, ngoài những đồng đội hy sinh ở Gạc Ma, anh Chương không nắm rõ thông tin về một số chiến sĩ trên tàu HQ-604 nhảy xuống biển khi tàu chìm đã bị phía Trung Quốc bắt đưa đi giam cầm như anh Trương Văn Hiền…
Đến nay, người cựu binh Trường Sa này định cư ở H.Krông Bông được 26 năm. Nhà anh ngay trên đường đi vào thác Krông Kmar dưới chân núi Yang Sin hùng vĩ. Hiện anh Chương làm nhân viên bảo vệ của một cơ quan ở trung tâm H.Krông Bông. Anh kể, cũng trong năm 1988, anh lập gia đình với người yêu ở quê Quảng Bình mà anh quen trong một lần về phép. Cưới xong, vợ anh vẫn làm việc ở Đắk Lắk, còn anh tiếp tục trong quân ngũ đến năm 1990 thì ra quân.
Anh Chương luôn giữ những bài báo nhắc đến đồng đội cũ trong trận chiến Gạc Ma - Ảnh: Ngọc Quyền
|
Nhiều năm sau đó, do vật lộn với đời sống áo cơm, cộng với thông tin khó khăn nên dù rất muốn nhưng anh Chương vẫn không thể liên lạc với những đồng đội năm xưa. Mãi gần đây, qua báo chí, anh được biết có những cuộc hội ngộ giữa những cựu binh từng trải qua cuộc chiến sinh tử ở Gạc Ma do Quân chủng Hải quân tổ chức. “Thú thật là tôi thấy tủi vô cùng vì không gặp được đồng đội cũ trong những cơ hội như thế. Mấy tháng nay, tôi thường liên lạc với anh em như Hải, Thống, Lanh, Đông ở Quảng Bình; Phụng, Bình ở Quảng Trị; Thảo ở Nghệ An… Tôi vui mừng vì những cựu binh Trường Sa đã được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm giúp đỡ, động viên; các gia đình liệt sĩ trong trận chiến Gạc Ma được thăm hỏi, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống”, anh Chương bộc bạch.
Trong cuộc gặp với PV Thanh Niên, anh Chương băn khoăn nói về mong ước duy nhất trong phần đời còn lại của mình là một lần cùng những cựu binh đến từng nhà gia đình liệt sĩ Gạc Ma, thắp hương tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống trên vùng biển đau thương của Tổ quốc.
Bình luận (0)