Ký ức sân khấu: Radio 'thần thánh'

Hoàng Kim
Hoàng Kim
30/09/2020 06:40 GMT+7

Sân khấu cải lương còn đến với khán giả bằng một con đường giản đơn mà hiệu quả vô cùng, đó là radio. Chính những chiếc radio “thần thánh” ngày xưa đã gieo hạt cải lương quanh năm suốt tháng cho người miền Tây Nam bộ.

Nếu như cải lương nhà lồng chợ 1 - 2 tháng mới có, và không phải ai cũng đủ điều kiện về thời gian hoặc kinh tế để đi coi, thì cải lương trên radio lại có thể nghe thoải mái, nghe suốt ngày. Người ta có thể vừa làm việc vừa để radio cạnh bên mình, hoặc một nhà mở radio thì cả xóm cùng nghe.
Ở thập niên 1960 - 1970, radio là vật đắt tiền, không phải ai cũng dám mua. Xóm tôi có ông Ba Hanh, một lão nông ruộng đất khá nhiều, có mái tóc bạc và hàm râu bạc rất đẹp, là người sắm radio trước nhất. Nhà ông đối diện nhà tôi, chỉ cách một mảnh sân và con đường làng bé tẹo, từ bên này tôi nhìn thấy ông thường ra ngồi ở bộ ván gỗ trước hiên, có sẵn một bình trà, ông bắt chân lên ván, rồi thong thả vặn radio. Tiếng hát phát ra, ông rung rung chân tận hưởng, tay cầm chén trà nhấp từng ngụm, ôi sao mà sung sướng! Má tôi là thợ may, cặm cụi trên chiếc máy suốt ngày, bảo tôi: “Con chạy qua nói ông Ba mở lớn chút xíu cho má và ngoại nghe ké với”. Tôi chạy đi liền, vì tôi cũng khoái nghe cải lương. Tôi tới ôm chân ông: “Ông Ba, má con nói...”. Ông hứ một tiếng: “Biết rồi. Bữa nào cũng nói y câu đó. Ê, bộ hổng tốn pin sao mậy?”.
Quả thật, cục pin con ó bự bự hồi đó cũng đâu có rẻ, dân nghèo quê tôi hà tiện là phải. Nhưng ông Ba Hanh có bà con xa với ngoại tôi, nên rất thương cả nhà tôi, ông giả đò nói vậy chứ tay liền vặn volume lớn hơn. Tôi cười hì hì ngồi cạnh ông nghe một hồi cho đã rồi mới chạy về nhà. Nghe gần nó sướng hơn, rõ từng lời từng chữ.

Bán cả kỷ vật để mua radio nghe cải lương

Vài năm sau, ông mất, tiếng radio không còn bay theo gió nữa. Giờ tôi vẫn chảy nước mắt nhớ hình ảnh ông ung dung tự tại trước hiên nhà. Vắng tiếng radio cả xóm lặng buồn vì không còn phương tiện giải trí nào, và những buổi trưa người ta cứ như ngây ngây buồn ngủ, má tôi ngồi may mà ngáp dài ngáp vắn. Ngoại tôi thấy vậy đành bấm bụng bán chiếc xuyến chạm vàng kỷ niệm để lấy tiền mua cái radio. Ngoại nói đây là một trong các món nữ trang của bà cố khi đi cưới ngoại, trải qua chiến tranh, nghèo khó, giờ chỉ còn sót lại chiếc này, ngoại giữ như một kỷ vật, chứ cũng không dám đeo. Giờ ngoại đành bán để con cháu có niềm vui, vì nhà nghèo không có gì để bán. Tôi nhìn thấy ngoại khóc.
Má tôi lên Sài Gòn mua về cái radio người ta đã xài rồi nhưng vẫn còn rất tốt, tôi còn nhớ nó hiệu Standard, vỏ màu đen. Trời ơi không thể tả hết niềm vui của gia đình tôi khi cái radio xuất hiện. Má tôi run run lấy tay kéo cái cần ăng ten lên cao, rồi vặn núm dò đài, tiếng rẹt rẹt đi tới đâu là trái tim tôi hồi hộp nhảy tưng tưng tới đó. Dò hoài chưa ra đài, ngoại tôi xanh cả mặt: “Có bị hư hông con?”. Đám con thì lao nhao như vỡ tổ: “Trời ơi đừng có hư!”. Lát sau, má tôi dò trúng đài, âm thanh phát ra như pháo bông tung lên trời. Chị em tôi hét vang nhà. Thế là từ đó cái radio trở thành người bạn thân thiết với gia đình tôi.
Cả nhà tôi nghe cải lương bất kể ngày đêm. Chương trình sáng ra đã có, đến trưa lại có, rồi chiều, rồi tối. Khi nào đi học, đi hái rau, bắt ốc thì thôi, chứ lúc rảnh là tôi sà vô cái radio. Có khi vừa nghe, vừa giữ em hay nấu cơm, xắt chuối cho vịt ăn... Tôi nghe đã đời những tuồng Mùa thu trên Bạch Mã sơn, Đêm lạnh chùa hoang, Người tình trên chiến trận, Mắt em là bể oan cừu, Đường gươm Nguyên Bá, Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn...
Cải lương kiếm hiệp thập niên 1970 rất thịnh hành, và chỉ ngắn chừng 90 - 120 phút (chia ra mỗi lần phát nửa tuồng), còn vọng cổ thì cũng phát liên tục xen kẽ với cải lương. Khán giả thưởng thức đầy đủ giọng ca ngôi sao như: Tấn Tài, Minh Vương, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Minh Phụng, Thanh Sang, Út Bạch Lan, Tô Kim Hồng, Diệp Lang, Thành Được, Hùng Cường, Mỹ Châu, Phương Quang, Phượng Liên, Kim Ngọc, Kiều Mai Lý, Bảo Quốc, Thanh Nga, Thanh Kim Huệ... Mỗi tuồng cải lương hoặc bài vọng cổ còn phát đi phát lại nhiều lần, cho nên khán giả thuộc lòng và thuộc luôn những chất giọng khác nhau. Giọng Thanh Sang rất trầm ấm, Minh Phụng ngọt ngào, Lệ Thủy như suối reo, Út Bạch Lan u sầu diễm tuyệt, Minh Vương hồn nhiên, Diệp Lang gằn gằn giọng lão... Nhiều vai diễn hay đã vĩnh viễn in dấu vào ký ức.
Tiếng ca bay khắp mảnh sân, bay luôn ra con đường làng và có khi bay sang nhà bà Năm, dì Tám nếu họ yêu cầu má tôi vặn lớn cho họ cùng nghe. Nhà tôi thuộc hạng nghèo trong xóm, so với các nhà khác có ruộng đất thu hoạch lúa khoai ổn định, nhưng ngoại và má tôi tánh lại rộng rãi, chấp nhận tốn pin, cứ mở lớn đãi bà con.
Nhờ cái radio mà bao nhiêu tinh hoa của cải lương đã đọng lại trong trái tim nhiều người trước khi có những phương tiện giải trí khác. Cái radio đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đối với cải lương, và tôi không ngại phong cho nó là cái radio “thần thánh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.