Ký ức Thanh Sang: 7 năm thành sao, 7 lần ở tù và 7 người vợ

13/03/2015 09:00 GMT+7

Kỳ lạ làm sao, cuộc đời lắm truân chuyên của Thanh Sang luôn gắn liền với con số 7.

Kỳ lạ làm sao, cuộc đời lắm truân chuyên của Thanh Sang luôn gắn liền với con số 7.
Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Sang - Ảnh: H.K
Con số 7 định mệnh
Ba ông mất lúc ông mới 7 tuổi, đó là cột mốc đầu tiên. Cậu bé 7 tuổi đã sớm ý thức mình là “người đàn ông” duy nhất trong gia đình nên không nề hà gánh vác cho mẹ và các chị. Đến khi đi hát, đúng 7 năm sau, ông đoạt giải Thanh Tâm. Ông vô nghề năm 1957 thì đến năm 1964, ông được xướng tên lãnh huy chương vàng cùng với nghệ sĩ Lệ Thủy. Ông đóng vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long của đoàn Dạ Lý Hương, một vai kép lão tưởng chừng “dìm hàng” anh kép trẻ Thanh Sang, nhưng không ngờ lại đẩy Thanh Sang lên đài danh vọng. Vai Tạ Tốn chẳng những là vai già mà còn khó diễn bởi nhân vật bị mù, làm sao nghệ sĩ sử dụng được đôi mắt hỗ trợ cho tâm trạng. Thanh Sang chỉ còn dùng nội lực trong giọng ca, trong diễn xuất của hình thể, và sự chững chạc của ông đã chinh phục khán giả lẫn ban giám khảo, đến nỗi người ta gọi Thanh Sang bằng biệt danh của Tạ Tốn là Kim Mao Sư Vương. Và vở Cô gái Đồ Long bán vé như tôm tươi, khiến đoàn Dạ Lý Hương phấn khởi. Ông bầu Xuân của Dạ Lý Hương ký liền một hợp đồng lớn và Thanh Sang mừng rỡ chạy ngay về Phước Hải mua một căn nhà cho mẹ.
Nhưng dù đoạt giải Thanh Tâm rồi thì các nghệ sĩ thời đó vẫn bị bắt quân dịch. Thanh Sang kể: “Tôi bị bắt quân dịch tới 7 lần. Đi lính hết 7 năm, rồi trốn ra, rồi bị bắt lại, bị bỏ tù 7 lần. Mình muốn đi hát kiếm tiền nuôi gia đình thôi chứ đâu có muốn cầm súng đối mặt với chiến tranh”. Vô trại hoài nên không hát được, rốt cuộc cũng nghèo như trước, dù mang tiếng là huy chương vàng Thanh Tâm. Chợt nhớ NSND Diệp Lang cũng có lần kể y như vậy, ông đoạt giải Thanh Tâm năm 1963 rồi cũng bị bắt quân dịch, cũng nghèo khổ lận đận suốt. Thanh Sang lắc đầu: “Ai có tiền lo lót thì được ra hát, còn không cứ cắm trại. Trốn ra được vài lần để hát, khi bị lộ thì bị nhốt cấm túc biệt lập, khổ lắm. Khoảng năm 1974, tôi đã tính chặt ngón tay để miễn quân dịch luôn, nhưng may mà năm 1975 giải phóng đất nước. Tính ra tôi đi lính hết 7 năm. Thật lòng mà nói, cái giá của hòa bình đắt lắm, có khi lớp trẻ chưa từng trải qua chiến tranh chưa thấu hiểu đâu”.
7 người vợ
Và cái duyên với số 7 của Thanh Sang còn là 7 người vợ đi qua cuộc đời ông. Trong đó, có một người là con gái của ngôi sao cải lương Ngọc Nuôi, tên Ngọc Bích. Sau này, dù Thanh Sang và Ngọc Bích đã chia tay, nhưng ông vẫn hát chung với “bà già vợ” trong vở Bên cầu dệt lụa. Ông đóng vai Trần Minh, còn Ngọc Nuôi đóng vai mẹ Trần Minh. Hai mẹ con hát thật ăn ý, giọng ca và diễn xuất của Ngọc Nuôi dù ở tuổi xế chiều nhưng vẫn làm nên một vai diễn để đời. Còn Thanh Sang - Trần Minh làm khán giả rơi nước mắt khi lên câu vọng cổ khóc mẹ vì mẹ đánh không đau. Sau này, ông nói về mẹ vợ của mình thật trìu mến: “Tôi nghe tin bà mất trong khi quỳ lạy Phật tụng kinh, thật là đại phước. Đâu phải ai muốn chết như vậy là được. Có người chết vật vã trong bệnh viện. Có người chết vì tai nạn. Còn bà chết bình an dưới chân Đức Phật. Tôi xúc động lắm”.
Ông trầm ngâm: “Và tôi cũng có 7 năm cô đơn, không vợ con gì hết. Cuối cùng mới gặp “bà Liễu” đây nè”. Bà Liễu tên thật là Ngọc Mỹ. Bà là con gái nhà giàu, mẹ bà vì mê cải lương, mê Thanh Sang mà kêu gả con cho ông một cách ngon lành. Tấm ảnh treo trên tường cho thấy bà hồi ấy rất đẹp, lấy chồng một cách khá ngây thơ. Và bà cũng rất vị tha khi thấy ông chồng “ngôi sao” của mình nhiều ong bướm dập dìu lượn quanh. Có người biết bà là vợ mà cứ xông thẳng vô nhà ngồi... đợi ông. Bà nấu cơm mời ăn, cũng ăn, rồi ngồi... đợi tiếp. Dạng si tình như vậy mà bà Liễu nhịn được, thảo nào đồng nghiệp cứ khen bà. Thanh Sang chỉ còn cách trốn biệt cho người ta nản mà bỏ cuộc. Còn bà Liễu quan niệm: “Ổng là nghệ sĩ thì dĩ nhiên có nhiều người mê. Thây kệ. Cái gì của mình là của mình”. Và bà một tay chèo chống gia đình, nuôi con nhỏ, chăm mẹ già khi chồng đi hát xa. Sau này bà còn mở quán cơm, thức khuya dậy sớm lo nấu nướng, quản lý, vất vả vô cùng. Đến lúc Thanh Sang bệnh nặng, cũng một tay bà chăm sóc. Nhắc ông từng viên thuốc, chở đi khám bệnh, chở đi hát, canh ông trong bệnh viện, đọc kịch bản cho ông, viết lại bản nháp hồi ký mà ông thảy ra... Vừa là vợ, là tài xế, là y tá, là nhắc tuồng, là thư ký, là bảo mẫu... Biệt thự vừa xây rất to bên bờ sông Sài Gòn cũng có công sức của bà rất nhiều. Có lẽ duyên phận của ông kết thúc ở con số 7 này, ở người vợ thứ 7 này cũng là xứng đáng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.