Ký ức thời bao cấp - Kỳ 7: Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo

24/05/2015 05:50 GMT+7

Thời bao cấp nghề gì bắt đầu bằng chữ nhà đều khổ nên dân gian có câu 'Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo'.

Thời bao cấp nghề gì bắt đầu bằng chữ nhà đều khổ nên dân gian có câu “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo”.

Một cửa hàng bán lương thực tại Hà Nội thời bao cấp - Ảnh: Tư liệu
Phùng Quán mừng cưới bằng phiếu thịt
Năm 1985, đám sinh viên chúng tôi thường hay tụ tập tại quán nước chè bà Mai (vợ của Giáo sư Hoàng Như Mai) ở góc phố Quang Trung ­- Nguyễn Du vì bà Mai biết rất nhiều chuyện trong giới văn nghệ. Bà nói chuyện hóm hỉnh, lịch lãm và hay cho chúng tôi chịu. Cứ dăm ba hôm tôi lại thấy một người đàn ông tuổi tứ tuần nói nhỏ nhẹ đưa cho bà mấy gói kẹo lạc rồi cầm tiền lặng lẽ đi. Đó là thầy giáo dạy nhạc ở một trường cấp 2 tên Duy Hải, ông cũng có nhiều sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Thi thoảng, tôi cũng gặp kịch sĩ Phan Tại đạp chiếc xe Solex lặng lẽ ngồi uống rượu suông trò chuyện với bà Mai. Toàn chuyện buồn. Chính tại quán này, tôi may mắn quen nhà văn Phùng Quán. Có hôm ông ngồi uống rượu lạc rang với chúng tôi từ chiều cho đến khi bà Mai dọn quán mà chuyện còn rất mặn. Ông nói chuyện quá duyên, đọc thơ như hát và hát cũng rất hay.
Phùng Quán là nhà văn, nhà thơ có tài, tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được Hội Nhà văn VN trao giải thưởng năm 1955. Về quá trình viết tác phẩm này, trong di cảo hồi ký Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào (Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM xuất bản năm 2007), ông kể nhiều chi tiết rất thú vị về sự ngẫu nhiên và tình cờ đưa ông từ một người lính trở thành một nhà văn và những oan khuất phải gánh chịu nhưng với giọng kể rất hóm hỉnh, không một chút trách móc hay thù hận. Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của ông được xuất bản và nhận giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn VN hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe... Năm 2007, Phùng Quán được nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Sinh thời nhà văn Phùng Quán là bạn bè thân thiết với dịch giả, nhà phê bình phim Cao Nhị. Thời bao cấp thiếu thốn, Phùng Quán thường đến nhà Cao Nhị ở phố Trần Quốc Toản chơi và uống rượu. Tất nhiên là uống suông vì nhà Cao Nhị đông con, hai vợ chồng chỉ trông vào đồng lương. Có lẽ vì thế mà hàng chục năm nhà ông Cao Nhị không có bếp, đun nấu ở ngoài sân. Gió to thì che tấm tôn, nắng thì đội nón còn mưa thì bê bếp mùn cưa chạy vào nhà. Rồi một hôm bà Cao Nhị cậy cục ai mua được cuộn giấy dầu và cây tre. Người đứng ra làm bếp cho nhà bạn là Phùng Quán. Ông tự đục mộng, chẻ lạt cho đến lợp mái. Đến trưa thì làm lễ cất nóc, ông ngồi trên mái, gió thổi tóc bồng bềnh trông như tráng sĩ đi trận về chờ vợ. Tất nhiên là cất nóc xong hai người ngồi uống rượu.
Rồi một ngày cô con gái lớn của ông bà Cao Nhị là diễn viên múa Thu Hiền cưới chồng, chú rể là nhạc sĩ trẻ Trương Ngọc Ninh. Đám cưới bao cấp chẳng có gì nhưng cũng phải có một hai mâm mời họ hàng. Bạn bè văn nghệ xúm vào mỗi người giúp một việc. Nhạc sĩ Văn Cao nhận vẽ thiệp mời, và tự tay ông vẽ mấy chục tấm thiệp. Phùng Quán thì chạy việc vặt. Trước đám cưới 2 ngày, ông trân trọng đưa phong bì mừng con bạn. Bà Cao Nhị mở ra thì quà là một ô phiếu thịt 3 lạng. Hai ông bà dứt khoát không nhận vì biết rõ Phùng Quán khi đó rất khó khăn, làm thơ thì phải ký tên khác, phải câu cá “trộm” ở Hồ Tây và rượu thì uống chịu. Nhưng Phùng Quán không nghe bắt phải nhận.
Tem phiếu mua đường năm 1979 - Ảnh: MANHHAI.FLICK.COM
Nhà báo đi buôn
Bạn tôi, một nhà báo, nguyên là tổng biên tập một tờ báo về kinh tế, khi đó làm phóng viên Ban Thiếu nhi Đài Tiếng nói VN, lương bổng hai vợ chồng không đủ cho sinh hoạt nên cực chẳng đã, anh con trai phố cổ Hà Nội đành kiêm thêm nghề đi mua hàng của những người công tác,
lao động ở Đông Âu gửi về. Nhờ có người quen làm hải quan nên ông biết ai mới nhận hàng, và theo địa chỉ bạn bè cung cấp ông đánh liều đến hỏi may ra mua được. Cái gì cũng mua, từ len, vải, dây may xo, nồi áp suất.
Một lần ông vào một nhà mới nhận hàng ở phố Lê Thánh Tôn, thật bất ngờ lại chính là nhà của nhà báo kỳ cựu, khi đó ông này vừa đi công tác nước ngoài về. Bạn tôi “khai thật” với ông mình cũng là nhà báo và hai nhà báo dù hai thế hệ nhưng nói chuyện nghề chuyện báo rất rôm rả. Sau “giao lưu” ắt phải vào việc chính và mọi việc diễn ra suôn sẻ vì ông nhà báo kỳ cựu là người rất hiểu thời cuộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.