|
Hơn trăm năm lưu giữ
Những album ảnh do chính vị Toàn quyền Pháp tại Đông Dương thực hiện được chia thành nhiều chủ đề, in trên nhiều pa nô trưng bày tại sảnh của Thư viện Quốc gia Việt Nam. “Những bức ảnh thật kỳ công. Căn cứ vào thời gian chụp, rất có thể nó được chụp bằng máy ảnh kiểu trùm chăn. Và cũng chỉ có một tinh thần giữ gìn di sản mới giúp những bức ảnh đó còn tốt đến vậy sau hàng trăm năm”, nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo nói.
Nhưng điều quan trọng hơn nữa, theo ông Hữu Bảo, đó là việc các tư liệu này giúp hình dung về Hà Nội trong tương quan với Đông Dương. “Ông Armand Rousseau sang đây với nhiệm vụ chính là xây dựng Hà Nội trở thành một thủ đô của Đông Dương. Những bức ảnh phản ánh điều đó”, ông Bảo nói.
Bản thân việc chia nhóm ảnh, thực hiện chú thích của Tạp chí Xưa và Nay cũng cho thấy việc hình thành đô thị thời kỳ đó. Chẳng hạn, trên một pa nô, rất nhiều ảnh phố cổ Hà Nội đã được nhóm lại: phố Chợ Gạo, phố Hàng Mắm, phố Hàng Điếu, phố Hàng Bông. Trong đó, phố Chợ Gạo vẫn giữ vẻ sơ sài nhưng năng động với việc mua bán gạo. Phố Hàng Mắm với đoàn người gánh các thùng gỗ đựng mắm từ bến sông vào các cửa hàng. Phố Hàng Điếu đã rộng rãi sang trọng hơn vì bán thức hút cho những khách là thị dân. Đường trên phố Hàng Bông được làm từ công sức của những người tù lao động khổ sai bằng việc kéo các chiếc lu lăn đường. “Vào cuối thế kỷ 19, người Pháp khôn ngoan đã không phá bỏ những phố và phường vốn có từ xa xưa của Thăng Long, Hà Nội. Ở những mức độ khác nhau, họ đầu tư cải tạo hạ tầng nhưng vẫn giữ những yếu tố truyền thống. Những bức ảnh nói lên điều đó”, chú thích của nhóm ảnh nêu rõ.
Ở một tấm pa nô khác, việc vui chơi của người bản xứ được phản ánh qua những tấm ảnh bơi thuyền ở Cần Thơ, và một trò vui chưa rõ tên nhưng có một chú voi lớn tham gia. Nó cho thấy, khác với cư dân người u, vào cuối thế kỷ 19 người bản xứ vẫn duy trì các trò chơi mang tính dân gian hay bản địa vào những dịp lễ tết. Từ sau khi thành thuộc địa thì có thêm ngày lễ Quốc khánh Pháp. Ở Hà Nội, dân chúng vẫn thích chơi trên những chiếc đu kết bằng tre như thôn quê, hay thi bơi thuyền như ở Cần Thơ nhiều sông nước.
Tiếp xúc văn hóa với người bản địa
Những gì mà người ta quen gọi là vật đổi sao dời thấy rất rõ trong tấm ảnh. Bức tượng đồng thánh Trấn Vũ (đền Quán Thánh, Hà Nội) mà người Pháp quen gọi là Đại Phật (Grand Boudha) được đúc từ năm 1677 có vị trí rất khác so với ngày nay. Nó ở phía ngoài chứ không lùi kín đáo vào hậu cung như bây giờ. Thành Tuyên Quang cũng không phải “cái lò gạch sau trùng tu” như bây giờ. Trước đây, nó phải rào dậu kín để chống cả cướp lẫn thú dữ. Thời kỳ đó, thành Tuyên Quang hay bị thổ phỉ Trung Quốc xâm nhập. Hay Mỹ Tho được tái hiện qua bức ảnh so sánh cầu tre truyền thống và chiếc cầu thép.
Các bức ảnh của vị toàn quyền trải dài qua các địa danh như Hà Nội, Hạ Long, Hải Phòng, Tuyên Quang, Huế, Nha Trang, Phan Thiết, Sài Gòn... Những lĩnh vực đời sống khá phong phú được phản ánh trong các tấm ảnh cho thấy hoạt động của vị toàn quyền trong thời gian ngắn ngủi ở Việt Nam.
Những bức ảnh cũng được bổ trợ bằng các trưng bày gần kề trong sảnh. Đó hầu hết là các tư liệu của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp thực hiện. Cũng có những tư liệu tranh ký họa về đời sống người An Nam đã được vẽ theo phương pháp dân tộc học.
|
Ký ức về Việt Nam 1895 - 1896 là chủ đề triển lãm ảnh do Thư viện Quốc gia Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay tổ chức tại Hà Nội, trưng bày gần 300 tư liệu ảnh được Toàn quyền Armand Rousseau chụp trong thời gian ông thực hiện nhiệm vụ ở Đông Dương. Đại diện gia đình Armand Rousseau đã trao tặng bộ ảnh để Thư viện Quốc gia Việt Nam lưu giữ. Triển lãm đến ngày 23.5. |
Trinh Nguyễn
>> Bộ ảnh đặc biệt
>> Bộ ảnh gây sốt của cô gái gốc Việt
>> Bộ ảnh gây sốt
>> Bộ ảnh kỷ yếu gây sốt
>> Bộ ảnh mang phong cách Chibi
Bình luận (0)