9 năm thêu bức tranh chùa Một Cột
Theo chúng tôi tìm hiểu, có ít nhất 4 bức tranh thêu chùa Một Cột do những phụ nữ là cựu tù chính trị Côn Đảo thực hiện. Đó là các bức tranh thêu của bà Hoàng Thị Khánh, Võ Thị Thắng, Dương Thị Vinh, Trần Tài Chi. Tất cả những kỷ vật đó đã trở nên thiêng liêng, vô giá. Trong đó câu chuyện về bức tranh thêu chùa Một Cột của bà Dương Thị Vinh mà Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu giới thiệu rất ly kỳ.
Bà Dương Thị Vinh là một trong những tù nhân chính trị bị tù đày lâu nhất, suốt 14 năm ròng rã (1961 - 1975). Trong điều kiện khắc nghiệt của nhà tù được coi là "địa ngục trần gian" ngày ấy, nữ tù Dương Thị Vinh vẫn tìm mọi cách để thêu hoàn chỉnh bức tranh chùa Một Cột với thời gian kéo dài đến 9 năm. Bình thường, dành chừng đó năm để thêu một bức tranh kích thước chỉ 25 x 30 cm hẳn là chuyện khó tin. Nhưng ở trong tù, những người chiến sĩ cách mạng phải bền bỉ, gan dạ và thông minh mới có thể thực hiện được một tác phẩm như vậy.
Theo thông tin từ Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu, là một người rất khéo tay, nên lúc mới vào tù, chị Dương Thị Vinh thường được giao thêu áo gối và áo dài cho các nữ giám thị. Một lần, có người bạn tù được gia đình bí mật gửi vào một tấm ảnh đen trắng chụp chùa Một Cột. Được xem bức ảnh, chị Vinh nảy ra ý nghĩ phải thêu hình chùa Một Cột dựa trên mẫu tấm ảnh này. Nhờ công việc thêu áo gối, áo dài bất đắc dĩ ở trong tù, chị Vinh dành dụm dần từng đoạn chỉ đủ màu sắc để có thể thêu bức tranh hình chùa Một Cột, nhằm gửi gắm vào đó tình yêu với thủ đô và lòng dạ sắt son với con đường cách mạng mình đã chọn.
Tìm được nguyên liệu để thêu bức tranh đã khó, tiến hành thêu và gìn giữ bức tranh càng khó bội phần, khi nhà tù xếp chị Dương Thị Vinh vào nhóm đối tượng phải "biệt giam". Theo đó, kim, chỉ, lưỡi lam chị phải dùng băng keo dán vào nách để qua được những "con mắt cú vọ" của giám thị. Lúc đầu chị Vinh còn giấu được nửa lưỡi dao lam, sau chỉ giấu được một phần tư. Việc thêu tranh phải bí mật tuyệt đối và thử thách sự kiên nhẫn cực đại vì không thể thêu nhanh trước sự giám sát thường xuyên của giám thị.
Mỗi lần luân chuyển phòng giam hay trại giam, bức tranh thêu dang dở phải được ngụy trang rất khéo để lọt qua sự khám xét gắt gao. "Bí kíp" giúp bức tranh thêu không bị phát hiện trong suốt thời kỳ chị Vinh ở trong tù là nó được bọc thật kỹ bằng ni lông, trải tấm áo ra để bức thêu vào, rồi đặt một miếng vải lên vá lại, trông bề ngoài như một tấm áo vá. Quá trình thêu bức tranh và giữ được nó còn có sự chung sức của những người bạn tù. Nhiều lúc họ phải thay nhau ngồi cảnh giới để chị Vinh thêu. Trải qua bao nhiêu đòn tra tấn dã man và chịu sự kiểm soát gắt gao của nhà tù, bức tranh thêu chùa Một Cột với đường kim, mũi chỉ, sắc màu tinh tế vẫn vẹn nguyên cho đến ngày chị Vinh và những người bạn tù thoát khỏi "địa ngục trần gian".
Nhiều kỷ vật thêu thiêng liêng, vô giá
Năm 2009, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) tiếp nhận một số hiện vật, trong đó có bức tranh thêu trên vải mà bảo tàng tạm đặt tên là "Cô gái bên hồ Gươm" của bà Trịnh Thu Nga, nguyên cán bộ tình báo cách mạng với bí số 4B, J12, cựu tù chính trị Côn Đảo. Theo tư liệu của bảo tàng, bức tranh thêu của nữ cán bộ tình báo năm xưa lấy cảm hứng từ những đoàn quân miền Bắc chi viện cho miền Nam. Thông qua bức thêu, bà Nga gửi đi thông điệp một lòng hướng về thủ đô, trái tim của cả nước. Bà cũng mong chờ ngày đất nước thống nhất để được ra thăm Hà Nội, thăm hồ Gươm. Để thêu bức tranh "Cô gái bên hồ Gươm", bà Nga nhờ người nhà bí mật đem vải, kim chỉ vào khi họ có dịp được thăm thân nhân. Ở trong tù, bà Nga bí mật thêu và sau khi hoàn thiện thì gửi cho người nhà mang về cất giữ.
Một trong các nơi lưu giữ, trưng bày nhiều kỷ vật thêu của những cựu tù nhân nhà tù Côn Đảo là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP.HCM). Một cán bộ bảo tàng này cho biết các hiện vật thêu thể hiện rõ ý chí bất khuất, tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng trong chốn lao tù. Chẳng hạn, chiếc áo gối thêu của bà Nguyễn Kim Hoàng thêu trong nhà tù Côn Đảo dưới ngọn đèn cao áp với dòng chữ "Côn Đảo 23.9.1970"; hay mặt áo gối thêu của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Thị Ràng (nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức); khăn thêu của bà Nguyễn Thị Châu tại nhà tù Tân Hiệp 1970; bức thêu chùa Một Cột của bà Trần Tài Chi tại trại 2 Côn Đảo năm 1972 cắt từ cánh tay áo blouse trắng; khăn thêu với dòng chữ "Càng nhớ càng thủy chung, càng thương càng hạnh phúc" của bà Võ Hồng Điều, nguyên Thị ủy viên lực lượng nội ô tỉnh Trà Vinh, sử dụng trong thời kỳ hoạt động cách mạng từ 1954 - 1975. (còn tiếp)
Bình luận (0)