Kỷ vật một thời oanh liệt

20/12/2012 03:10 GMT+7

Với gần 300 hiện vật và hình ảnh, Triển lãm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không khai mạc tối 18.12 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự (Hà Nội).

Những hiện vật cũ gỉ, những trang giấy ngả vàng vẫn chở nguyên vẹn nỗi xúc động về chuỗi ngày Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không cách đây 40 năm.

Tại triển lãm chuyên đề Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, những hiện vật của cậu bé phố Khâm Thiên Phạm Ngọc Khánh khiến người xem ứa nước mắt. Tấm giấy chứng nhận ghi ngày 15.1.1972 giờ đã cũ vàng, phải nhìn thật gần mới đọc trọn nội dung.


Động cơ của chiếc máy bay B-52 rơi xuống hồ Ngọc Hà - Ảnh: Ngữ Thiên
 

Theo đó, trường cấp 3 Trưng Vương đã cấp cho em Phạm Ngọc Khánh, nhà số 22 ngõ Chiến Thắng, khối 33, Khâm Thiên, học sinh lớp 8 để tiếp tục học tập ở nơi sơ tán trong năm học 1972-1973. Một năm sau, Khánh viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi đang học lớp 9. Khánh và nhiều bạn như em muốn xếp sách vở, gác lại những ước mơ tuổi thơ, để có thể làm ngay những công việc mà cha anh đang dốc sức. Những người như Khánh lúc đó không hiếm, song những hiện vật như vậy còn lại không nhiều. Đây là một trong những hồ sơ lần đầu được Bảo tàng Lịch sử quân sự công bố.

 

Với gần 300 hiện vật và hình ảnh, Triển lãm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không khai mạc tối 18.12 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự (Hà Nội).   

Gây xúc động không kém là những gì còn lại của những đứa trẻ ở Mễ Trì, Uy Nỗ, Khâm Thiên sau nhiều trận bom rải thảm. Chiếc trống ếch vĩnh viễn không bao giờ được đánh. Chiếc cân trẻ em không còn người để cân. Áo, khăn mùi soa, khăn trùm đầu - nhàu và rách, lấm bẩn vì bùn đất và bom đạn.

Trong số những hiện vật lần đầu công bố còn có vũ khí, trang bị. Bảng bắn của đại đội pháo phòng không 100 mm khu Đống Đa, chỉ với 8 viên đạn đã bắn rơi một chiếc F 8. Nhật trình của bảo vật quốc gia - máy bay MiG 21 số hiệu 5121 ghi lại thời gian xuất kích trận đánh đêm 27.12.1972. Mũ, sắc cốt Phạm Tuân sử dụng trong lần xuất kích bắn rơi B-52. Khẩu súng 14,5 mm đã bắn rơi chiếc “cánh cụp cánh xòe” F111 - loại máy bay đa năng hiện đại nhất của Mỹ thời đó...

Triển lãm còn có sự góp mặt của các nhân chứng trực tiếp kể câu chuyện của họ. Ông Phạm Văn Chắt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 72, nhớ lại: Đêm 23, tiểu đoàn được lệnh hành quân từ Hải Phòng về trận địa tại Đại Chu (Yên Phong, Bắc Ninh) chia lửa với Hà Nội. Đêm 27, chỉ bằng hai quả đạn, tiểu đoàn khiến chiếc B-52 còn nguyên “bụng bom” chưa kịp thả phải ngâm xác dưới hồ Hữu Tiệp Ngọc Hà từ ngày đó đến nay.

Ngay sáng hôm sau, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có mặt động viên, khen ngợi tiểu đoàn: “Đây là trận thắng B-52 đặc biệt xuất sắc”. Kíp chiến đấu ngày đó hôm nay xúc động gặp lại, mừng tủi hỏi nhau xem tấm giấy khen - kỷ vật và cũng là phần thưởng duy nhất cho mỗi người có còn được giữ gìn cẩn thận.

Ngữ Thiên

>> Triển lãm tranh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ trên không
>> Gần 490.000 bài dự thi Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
>> Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.