Kỳ vọng mở cửa thị trường các nước vùng Vịnh

Mai Thu
(từ Ả Rập Xê Út)
20/10/2023 05:22 GMT+7

Việt Nam và Ả Rập Xê Út có nhiều điểm tương đồng, chung tầm nhìn phát triển và còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại lẫn nhau.

Hàng hóa Ả Rập muốn thâm nhập sâu vào Việt Nam

Sáng 19.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp VN - Ả Rập Xê Út trong khuôn khổ chuyến thăm Ả Rập Xê Út và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Kỳ vọng mở cửa thị trường các nước vùng Vịnh - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp VN - Ả Rập Xê Út

Nhật Bắc

Ả Rập Xê Út muốn tiếp nhận lao động Việt tay nghề cao

Chiều 19.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Ả Rập Xê Út Faisal Al-Ibrahi. Tại cuộc gặp, Thủ tướng đề nghị hai nền kinh tế tăng cường kết nối, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như năng lượng, tài chính ngân hàng, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực mới như hợp tác sản xuất, chế biến sản phẩm Halal, chuyển đổi số… Bộ trưởng Faisal Al-Ibrahi nhấn mạnh hai nước có thể tận dụng thị trường của nhau để làm cửa ngõ mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực. Hai bên nhất trí nghiên cứu thành lập các tổ công tác chung về kinh tế và sớm tổ chức kỳ họp ủy ban hỗn hợp lần thứ 5.

Tiếp Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội Ả Rập Xê Út Ahmed AlRajhi, Thủ tướng đề xuất hai bên tăng cường trao đổi giữa các cơ quan quản lý lao động, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, kết nối thị trường lao động. Ông Ahmed đánh giá cao chất lượng của lực lượng lao động VN, trong đó có lao động tay nghề cao. Khẳng định tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này còn rất lớn, ông bày tỏ mong muốn hai bên cùng phối hợp, sớm giải quyết các khó khăn hiện nay để đưa thêm nhiều lao động VN sang Ả Rập Xê Út thời gian tới; trong đó có các vấn đề pháp lý, hợp tác đào tạo và xây dựng cơ chế tuyển dụng hiệu quả.

Chia sẻ với Thủ tướng, ông Hassan Al Hwaiziy, Chủ tịch Liên đoàn Phòng thương mại Ả Rập Xê Út, cho biết những nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) hai bên đã góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác 2 bên. Kim ngạch thương mại song phương từ 2,2 tỉ USD năm 2021 đã tăng lên trên 3 tỉ USD vào năm 2022.

Ả Rập Xê Út hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của VN tại Trung Đông. Dù vậy, cán cân thương mại đang lệch khi nhập khẩu từ VN gấp đôi so với xuất khẩu từ Ả Rập Xê Út sang VN. Các DN nước này cũng mong muốn tới đây sẽ cân bằng cán cân thương mại và hàng hóa Ả Rập sẽ thâm nhập sâu hơn vào thị trường VN.

Ông Hassan cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ VN sẽ có các giải pháp thúc đẩy đầu tư của Ả Rập Xê Út vào các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ mà VN có thế mạnh; đặc biệt là những lĩnh vực mà Ả Rập Xê Út đã thành công ở VN như thép, điện mặt trời. Đồng thời, khuyến khích các lĩnh vực như công nghệ thông tin, dệt may, thực phẩm… nhằm tăng lợi nhuận của nước này vào VN so với hiện nay.

Lắng nghe kiến nghị của đại diện các DN Ả Rập Xê Út, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về các yếu tố thuận lợi của VN nhằm giúp hai bên có thêm niềm tin, cơ hội, điều kiện cần thiết để tăng cường hợp tác. Đặc biệt, chính sách quốc phòng "4 không" cùng với các chính sách về kinh tế, ngoại giao giúp VN ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư đến VN. Trong những năm khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, VN vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trên 3%, tăng trưởng GDP năm 2022 trên 8%, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Theo Thủ tướng, VN và Ả Rập Xê Út có nhiều điểm tương đồng và chung tầm nhìn, với dư địa, tiềm năng hợp tác rất lớn. Ả Rập Xê Út có tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và sau đó, VN cũng có tầm nhìn tới năm 2030... Hai bên cũng có quan hệ thương mại có thể bổ sung cho nhau. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong những ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, phát triển không dựa vào tài nguyên mà dựa vào đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ… VN có nguồn lao động dồi dào, có thể đáp ứng nhu cầu của Ả Rập Xê Út vì hiện có hơn 5.000 lao động Việt đang làm việc tại quốc gia này.

Thủ tướng cho biết VN đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với kỳ vọng cuối năm sẽ mở cửa thị trường của các nước vùng Vịnh. "Đây là những việc trong tầm tay chúng ta có thể làm. Chính phủ VN cam kết đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp đầu tư của các DN, sẵn sàng đồng hành nhằm tăng cường lợi ích của DN nước ngoài tại thị trường VN. Đặc biệt, chia sẻ với nhau lúc khó khăn theo tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu hút tài chính xanh

Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết VN vẫn duy trì là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư thế giới, FDI tăng trưởng tích cực. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của VN. Đến nay, VN có 38.379 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 455 tỉ USD từ 144 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với đầu tư ra nước ngoài, VN có gần 1.667 dự án, tổng vốn đăng ký trên 22 tỉ USD sang 80 nước, vùng lãnh thổ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết quy mô thương mại song phương giữa 2 nước trong 10 năm trở lại đây liên tục tăng trưởng tích cực. Năm 2022 đạt trên 2,7 tỉ USD, tăng 32,4% so với năm 2021, đưa Ả Rập Xê Út thành thị trường lớn và là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của VN tại khu vực Trung Đông. Theo ông Diên, hai nước có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, bởi cơ cấu hàng xuất, nhập khẩu không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau. Cụ thể như các mặt hàng điện tử, dệt may, da giày, nông thủy sản, thực phẩm chế biến… của VN, hay các sản phẩm dầu mỏ, hóa dầu, tài chính của Ả Rập Xê Út.

Chia sẻ bên lề hội nghị, ông Waqas Akram, Giám đốc thương hiệu Công ty TNHH Thương mại và Tổng hợp Emi Việt - đơn vị nhập khẩu và phân phối các sản phẩm nông sản, cho biết hiện các sản phẩm rau củ quả, nông sản (cà phê, ca cao…), thực phẩm khô hay gia vị (tiêu, quế, hồi, gạo…) cơ bản DN Việt đáp ứng được. Song các sản phẩm thịt đông lạnh vẫn còn hạn chế, do theo phương pháp giết mổ Halal có tiêu chuẩn cao. Theo ông, các DN Việt cần chấp nhận thay đổi đầu tư theo hướng sản xuất theo chuỗi từ con giống tới chăn nuôi, đảm bảo tiêu chuẩn giết mổ Halal…

Bên cạnh đó, thị trường Hồi giáo rất rộng lớn gồm 57 quốc gia, dân số 2 tỉ người, chiếm 25% dân số toàn cầu, trong đó nhiều quốc gia phát triển thuộc tốp đầu thế giới như UAE, Dubai, Ả Rập Xê Út. "VN nếu điều chỉnh theo tiêu chuẩn Halal thì sẽ không chỉ thu hút được nhiều khách du lịch từ các nước Trung Đông mà còn rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng", ông Akram nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.