Kỳ vọng vào thực thi

19/02/2013 02:20 GMT+7

Hàng loạt chính sách mang tính giải cứu doanh nghiệp, giải cứu nền kinh tế đã được ban hành và triển khai ngay trong những ngày đầu năm mới. Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất để những quy định mới đạt hiệu quả cao nhất chính là niềm tin. Nhưng để vực dậy niềm tin, bản thân chính sách phải được thực thi một cách nghiêm túc và phải thực sự đến được với đối tượng thụ hưởng.

Nghĩa là gói giải cứu bất động sản trị giá khoảng 40.000 tỉ cho vay lãi suất thấp phải chảy đúng chỗ, đúng đối tượng. Đó là những người có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ... Đừng như 38.000 tỉ đồng vốn hỗ trợ cá tra, đi đâu không ai biết, về đâu không ai hay nên doanh nghiệp khó vẫn khó, người nuôi chết vẫn chết.

 Việc giãn và giảm 6 tháng nộp thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng phải đến được tay doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định. Đặc biệt, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính không cần thiết để họ có thể tiếp cận nhanh nhất với gói giải pháp. Tránh như gói hỗ trợ thuế trị giá 29.000 tỉ đồng thời điểm giữa năm 2012 đã "lọt thỏm" đến mức, rất nhiều công ty thuộc diện được hỗ trợ nhưng không thể tiếp cận, thậm chí không biết "mặt mũi" chính sách như thế nào. Sau đó, chúng ta đổ lỗi cho "chưa đủ liều" và dù không có thống kê cụ thể về hậu quả của việc "chưa đủ liều" nhưng chắc chắn, nếu được giãn, giảm, gia hạn thuế... kịp thời, không ít doanh nghiệp trong tổng số gần 50.000 đơn vị ngưng hoạt động 2 năm trước đã có thể tránh được kết cục phải phá sản.

Một vấn đề không hề mới nhưng vẫn luôn nhức nhối mấy năm gần đây là lãi vay. Chúng ta đều biết, lãi vay thực tế của doanh nghiệp luôn cao hơn nhiều so với lãi vay theo mục tiêu, chỉ đạo và kỳ vọng của Chính phủ. Ngay những ngày đầu năm 2013, Nghị quyết 02 của Chính phủ yêu cầu tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm của lạm phát; có biện pháp hỗ trợ, đơn giản hóa thủ tục cho vay và tăng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ... Sau một năm cực kỳ khó khăn, nếu lãi vay vẫn chỉ "giảm trên giấy", nếu các khu vực sản xuất vẫn bị làm khó vì điều kiện này, điều kiện kia khi tiếp cận vốn tín dụng thì khó nói đến chuyện vực dậy sản xuất vốn đã ốm yếu, suy kiệt.

Rồi giảm thuế đất, không thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, phân bổ vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án... có thể thấy, chính sách, giải pháp khá đầy đủ và rất sát sườn với những khó khăn hiện tại. Các bộ, ngành cũng đã được phân công nhiệm vụ cụ thể. Vấn đề còn lại là thực thi. Thực thi một cách nghiêm túc, minh bạch, đúng đối tượng không chỉ tháo được các "nút thắt" nói trên mà đó cũng là yếu tố quan trọng nhất để vực dậy niềm tin đã bị xói mòn sau nhiều năm liên tục đối mặt và gồng gánh khó khăn, áp lực của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, điều không thể thiếu là phải kiên quyết gác bỏ mọi đề xuất liên quan đến vấn đề tăng giá, thu phí, nâng phí. Việc này không chỉ khoan sức dân, kích thích sức mua, giải phóng tồn kho mà còn ngăn ngừa lạm phát trở lại.

Giải pháp đã có, nền kinh tế đang trông chờ và kỳ vọng vào vấn đề thực thi.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.