PV đã tìm đến các “đảo thổ ngữ” ấy và mang về những câu chuyện hết sức thú vị.
Cách trung tâm thủ đô hơn 40km có một ngôi làng toàn người Kinh, nhưng lại có một thứ ngôn ngữ riêng khiến người ngoài làng nghe không thể hiểu.
|
Dù chưa rõ nguồn gốc nhưng với người làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), “tiếng lạ” vẫn được họ xem như báu vật của làng.
Báu vật của làng
Báu vật này không thể sờ mó, cầm nắm hay ngắm nhìn, nhưng với trên 1.200 người dân làng Đa Chất này, thứ ngôn ngữ lạ nói người làng khác nghe như “vịt nghe sấm” lại chính là một thứ báu vật vô giá mà không phải làng xã nào cũng có được. Ngay tại cổng đình làng Đa Chất - ngôi đình cổ trên 500 tuổi được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1995, chúng tôi chứng kiến đoạn hội thoại ngắn của hai người dân. Một bác đang cùng cả nhà ngồi ăn cơm trưa, thấy người quen dẫn khách đi qua cửa nhà hỏi:
- Xí xỏn đâu đấy. Thít cắng chưa?
- Có đồ dồ không? - người được hỏi đáp.
Chủ nhà lại hỏi: Thít được mấy gành? Xí thít mấy gành cắng?
Chỉ nghe đoạn ngắn như vậy, người ngoài làng như chúng tôi không thể biết họ đang nói gì. Như hiểu ý, ông Lại Hồng Minh (chủ nhà), cười: “Người làng này rất hiếu khách, thấy người quen qua nhà, tôi hỏi: “Ông đi đâu đấy. Cơm rượu gì chưa?”. Khi ông kia hỏi lại “có thịt không?”, tôi mới bảo “thế ông ăn được mấy bát cơm, uống được mấy chén rượu?”.
Ông Nguyễn Văn Phường, phó bí thư Đảng ủy xã Đại Xuyên, cho biết vì có khách lạ nên dân cũng lịch sự nói đầy đủ, chứ bình thường nếu họ nói “gọn gàng” (nói tắt) thì còn khó hiểu nữa. Là người làng Đa Chất, ông phó bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Tiếng của làng chúng tôi không giống bất cứ thứ tiếng nào trên lãnh thổ Việt Nam. Có người nâng lên là tiếng của người u Lạc cổ. Nhưng chúng tôi thì cho rằng đây chỉ là thứ tiếng lóng riêng mà trong quá trình lao động, người dân làng nghĩ ra để nói với nhau cho bí mật”.
|
Tiếng nói của... cối xay
Ông Nguyễn Ngọc Đoán (73 tuổi) có lẽ là người cuối cùng của làng đeo đuổi nghề đóng cối xay. Và như lời phó bí thư đảng ủy xã thì “ông Đoán là một trong những người đi nhiều, biết nhiều, nói được nhiều, là kho lưu trữ thứ tiếng lạ lùng, quý giá của làng”. Chính vì những phẩm chất đó mà bảy năm trước, khi đang lang thang đóng cối xay ở Phú Thọ, Yên Bái, ông được các cụ già trong làng truyền gọi về để làm nhiệm vụ trông coi ngôi đình làng, và lưu giữ những tài liệu, sách báo nói về thứ ngôn ngữ lạ của làng Đa Chất.
Nghe tiếng người gọi, từ trong ngôi đình làng cổ kính, ông lão Đoán râu tóc bạc phơ vồn vã tay kéo cửa, miệng nhanh nhảu nói như đánh đố khách: “Khênh để xì pha mận thu các cháu thít”. Ông Đoán cười: “Ý tôi là mời các anh vào nhà, để tôi pha trà ngon mời các anh uống”.
Theo ông Phường, làng có trên 320 hộ, khoảng 1.200 nhân khẩu, nhưng để nói lưu loát thứ tiếng này thì chỉ có những người từ 40 tuổi trở lên, chiếm 40-45% dân số của làng. Người càng cao tuổi thì nói càng gọn, càng kín, với vốn từ lóng rất đa dạng, phong phú. Cỡ 40-50 tuổi như lớp của ông cũng chỉ biết phần nào, nói và nghe tạm được. Chứ dưới 40 tuổi hầu như không còn ai sử dụng thứ ngôn ngữ này, nhưng lớp này họ nghe mọi người trong làng nói vẫn hiểu nội dung.
Vào trong hậu điện khệ nệ bê ra một tập các cuốn thần phả, gia phả của làng, các loại sách báo đã viết về làng Đa Chất, ông Đoán vừa lật những trang giấy vừa giới thiệu: “Ngôn ngữ làng Đa Chất được lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối, cứ người lớp trước truyền dạy cho người lớp sau”.
Như lời ông Đoán thì làng chưa có một nghiên cứu, tìm hiểu xem gốc gác cái thứ tiếng lạ của mình có từ thời nào. Ông chỉ biết ông được bố, được các anh đi trước truyền dạy trong chính quá trình đi làm cối xay. Làng có nghề truyền thống nên 16 tuổi ông đã quang gánh theo mọi người trong làng đi tứ xứ để làm ăn. Đã xác định đi xa làm ăn thì phải có “mánh khóe”, mật mã để giao tiếp nhằm không cho chủ nhà, người lạ biết họ nói gì.
Ông Đoán dẫn chứng: “Lên tàu, anh thấy có kẻ gian nhăm nhe móc túi, anh muốn hô lên báo cho mọi người nhưng sợ bị kẻ gian trả thù. Trong tình huống này, người Đa Chất đã có cách nói để những người trong nhóm đi làm cối xay biết mà thôi. “Ón, ón-mẹ móm nó tớp hách”, có nghĩa “này này cẩn thận kẻo nó (kẻ gian) lấy mất túi”...”.
Theo như ông Đoán, ông làm nghề đóng cối xay từ năm 16 tuổi đến tận năm 65 tuổi, tức là ông cứ lang thang đây đó trong suốt năm chục năm trời. Hầu hết người làng ông đều thế, cứ bôn ba như vậy nên số lượng từ lóng mỗi ngày một thêm phong phú, đa dạng, tăng lên nhiều sau mỗi năm.
Ông Đoán cho biết đã có một vài chuyên gia ngôn ngữ học đã về làng Đa Chất tìm hiểu về thứ ngôn ngữ lạ này. GS-TS Trần Trí Dõi, khoa ngôn ngữ học Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, sau nhiều chuyến nghiên cứu đã đưa ra nhận định được hầu hết các bô lão trong làng tán thành. Đó là “tiếng lạ” của làng Đa Chất chỉ là “biệt ngữ”, là tiếng lóng của những người làm cối sáng tạo, và liên tục được hoàn thiện qua thời gian.
Đưa chúng tôi xem cuốn Văn hóa dân gian làng Đa Chất, được Sở Văn hóa thông tin Hà Tây xuất bản năm 2007, ông Đoán bảo: cũng có ý kiến như tác giả Nguyễn Dấn (hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) và Chu Huy (Hội Ngôn ngữ Việt Nam), cho rằng ngôn ngữ làng Đa Chất là sự kết hợp giữa âm Nôm và âm Hán Việt, âm thông dụng và âm nói tắt, nói gọn và âm dân dã. Tác giả cuốn sách cũng đặt một giả thiết táo bạo: ngôn ngữ lạ của làng Đa Chất là một thứ tiếng cổ có gốc gác từ thời Văn Lang, u Lạc. Bởi đình làng Đa Chất (có niên đại hơn 500 năm) đang thờ vị thành hoàng làng là Trung Thành Đại Vương.
Tuy nhiên, vẫn chưa có một công trình khoa học nào khẳng định thêm về lập luận này.
Theo Đức Bình - Đức Hiếu / Tuổi Trẻ
Nặng hơn cả tiếng Nghệ, đó là “tiếng Nghi” - tiếng Nghệ An ở vùng Nghi Lộc. Có 20/30 xã thượng và hạ huyện Nghi Lộc thuộc vùng “Nghi Lộc ngữ”, là những làng có tiếng nói khó nghe, khó hiểu.
Đã nhiều đời, những câu nói dạng này truyền đi trong dân gian với những câu chuyện vừa thật vừa hài khiến người ta “chưa nghe đã buồn cười”. Nhưng không mấy người ở vùng “Nghi Lộc ngữ” hiểu vì sao dân quê mình lại nói như vậy.
Kỳ tới: Người Nghệ nói “tiếng Nghi”
Bình luận (0)