Người ta gọi rượu đoác là men trời bởi sự tinh chế hoàn toàn từ tự nhiên. Thú vị hơn là tin đồn về công dụng “nhất dạ lục giao” của nó.
Vật phẩm trời ban
|
Chúng tôi được ông Hồ Văn Ninh dẫn vào rừng đoác và khám phá “cơ sở sản xuất” của loại rượu được lấy trực tiếp từ trên cây, không qua một công đoạn chế biến nào - thức uống nổi tiếng của vùng cao A Lưới (Thừa Thiên-Huế).
Theo ông Ninh, cây đoác còn được gọi là cây tà vạt, thuộc họ dừa, mọc nhiều nơi trên dãy Trường Sơn. Đoác được khai thác rượu khi đã trưởng thành, thường từ 5 - 7 năm tuổi. Cây non và cây già quá sẽ cho rượu không nhiều và không ngon. Cây mới trưởng thành tràn trề nhựa sống, tinh chất nhiều, thơm và dịu ngọt. Những cây đã trưởng thành thì cho rượu đậm đà hơn một chút. Mỗi cây đoác có thể lấy rượu liên tục trong vòng 2 - 3 tháng. Nếu cây có nhiều buồng quả sẽ cho rượu nhiều hơn, khoảng 80 -100 lít trong vòng 3 - 4 tháng. Sau đó, để cây tích tụ và “phục hồi sức khỏe” khoảng 2 - 3 tháng thì có thể lấy rượu tiếp.
Ngày xưa người dân ở đây thường vào rừng lấy rượu. Nhưng hiện nay, người dân đã lấy đoác về rẫy và vườn nhà trồng để tiện lợi hơn khi sử dụng. Các công đoạn lấy rượu rất đơn giản. Chỉ cần dùng dao rạch một lỗ ở thân cây đoác, sau đó đặt ống lồ ô dẫn xuống chai. Trong chai đã có sẵn vỏ cây chuồn phơi khô để cho nước đoác lên men thành rượu. Nếu những cây đoác đã có trái thì cắt ở cuống buồng rồi hứng nước. Lấy một cái gáo nhỏ múc một ít rượu trong cái chai đang hứng trên thân đoác, uống một ngụm với vẻ thích thú, ông Ninh nói: “Lúc xưa, chỉ có người Tà Ôi dùng rượu này nhưng bây giờ hầu như đồng bào ở đây ai cũng uống và biết cách lấy rượu đoác. Nhưng nhiều nhất là ở xã A Ngo, A Roàng và Hồng Thủy. Do vậy, rượu đoác là món đồ uống truyền thống không chỉ riêng của người Tà Ôi mà của cả bà con ở vùng cao A Lưới. Bí quyết lên men tự nhiên là vỏ cây chuồn. Vỏ cây này có vị chua tự nhiên. Người miền xuôi lên đây thường mua rượu này về làm quà. Lên đây mà không uống rượu đoác trực tiếp từ cây thì thật uổng”.
|
Nói rồi, ông đưa gáo cho tôi để tôi tự múc và nếm thử. Tôi vừa đưa lên miệng, mùi hương lạ pha với chút men xông nhẹ vào mũi tạo cảm giác cực kỳ dễ chịu. Không nồng như rượu gạo, rượu đoác cho vị the the đầu lưỡi và mát lạnh tự nhiên chứ không buốt lạnh. Ông Ninh cho biết thêm, người Tà Ôi có tục cúng lễ cho lần đầu tiên lấy rượu. Người Tà Ôi tin rằng, rược đoác là vật phẩm trời ban nên phải làm lễ xin thần thánh để cây đoác cho rượu nhiều và ngon. Lễ vật thường là một con gà hoặc một con dê hay đầu heo…
Giá một lít rượu đoác hiện nay khoảng 15.000 - 20.000 đồng. Vì thế, ngoài việc lấy uống thì nhiều gia đình tăng thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống từ nghề làm rượu đoác.
Nhất dạ lục giao ?
Tương truyền ngày xưa có một chàng trai Tà Ôi đi phát rẫy nhưng bị lạc vào rừng sâu. Kiệt sức vì không tìm lối ra, chàng trai ngồi nghỉ chân dưới tán cây rừng. Vô tình, một dòng nước có màu đục như nước dừa, rỉ từ thân cây của tán cây mà chàng trai ngồi rơi bắn vào miệng. Nghe vị mát ngọt lạ, đang trong cơn khát, chàng trai liền đưa miệng vào uống. Uống chừng nào chàng thấy khỏe và mát chừng đó, cơ thể như nạp thêm năng lượng. Sau đó, chàng trai nhanh chóng tỉnh táo và tìm lối về bản làng. Từ đó, người Tà Ôi theo nhau vào rừng lấy thứ nước mát lành này về uống và đặt tên cây là cây đoác.
Thời gian gần đây, rộ lên tin đồn rượu đoác giúp nam giới tăng cường sinh lực, trở lại thời trai trẻ và có thể “nhất dạ lục giao”. Nhiều người từ khắp nơi đã vượt núi băng đèo lên tận A Lưới để tìm mua rượu đoác. Giải thích điều này, ông Quỳnh Hí, 78 tuổi, trú tại thôn Vân Trình, xã A Ngo, người nổi tiếng lấy rượu đoác lâu năm và ngon nhất miền cho biết: “Rượu đoác được chiết xuất hoàn toàn từ tự nhiên nên không có độc tố, rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, rượu được lên men tự nhiên từ vỏ cây chuồn nên độ cồn nhẹ. Phụ nữ cũng có thể uống. Đàn ông uống vào cũng không có chuyện say sưa, nóng nảy hay đánh đập vợ con. Tuy nhiên, đi làm rẫy cả ngày về mệt mỏi, bữa ăn tối có bát rượu đoác thì tinh thần sẽ rất phấn chấn, tan biến hết mệt mỏi và tăng cường sinh lực đàn ông”.
Ông Hí nói thêm, rượu đoác không chỉ được sử dụng hằng ngày mà nó còn là thức uống không thể thiếu vào những ngày lễ hội, mừng nhà mới, cưới hỏi… Từ lâu, rượu đoác là thức uống không thể thiếu mỗi ngày của ông. Đã bước qua tuổi thất thập nhưng nhìn ông Hí vẫn rất cường tráng, đi rừng, đi rẫy như trai tráng. Nên, nhiều người tin hơn về công dụng tăng cường sức khỏe và sinh lực của thứ rượu đặc biệt này.
Tuyết Khoa
>> NSƯT Kim Xuân: Ẩm thực là nét thi vị của cuộc sống
>> Món lạ Nam Phi
>> Lan man món lạ u - Việt
>> “Món lạ” đang hút người xem
>> Tự vào bếp nấu món lạ
Bình luận (0)