Lá thư của sư cô Thích Nữ Đức Hiền, tu học tại Thiền Viện Liễu Đức (H.Long Thành, Đồng Nai) gửi cho cha mẹ để viết lên nỗi lòng của mình dịp Vu lan Báo hiếu. Lá thư được chia sẻ đến nhiều người khiến ai cũng bất chợt nhớ về công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.
"Con hạnh phúc vì là con của ba má"
Mở đầu lá thư, sư cô viết rằng từ khi được sinh ra đến giờ ba má vẫn luôn thầm lặng hy sinh để các con có được cuộc sống sung túc. Các con đâu biết rằng, ba má đã từng đói ăn khát uống để con có được bữa cơm no căng bụng. Ba má vẫn luôn mặc bộ đồ cũ kĩ để con có được tấm áo mới khoe với bạn bè. Cứ thế, sư cô lớn lên trong sự chăm sóc đầy yêu thương của ba má và cho đó như một trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ đối với con cái. Cứ thế, con lại lao đầu vào cuộc sống đầy khốn khổ như một con thiêu thân mà quên mất sự hiện hữu thầm lặng của ba má.
"Cho đến khi con được xuất gia tu tập, cuộc đời con như bước qua một trang sách mới. Con như được sinh ra lại một lần nữa để có thể sống chậm hơn, để thấu hiểu hơn và hơn hết là để con cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của ba má, và cảm thấy yêu thương hơn bao giờ hết", sư cô Thích Nữ Đức Hiền viết.
Hồi đó, khi gia đình đang trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", con thật sự chán đời và mệt mỏi, muốn đi thật xa một nơi nào đó. Để rồi, khi bước chân vào đạo, được quý thầy quý cô cùng đại chúng hướng dẫn tu tập, sư cô càng thấm thía hơn về cuộc đời và Bồ - đề tâm nơi con trỗi dậy thật mạnh mẽ.
Cho đến giờ phút hiện tại, sư cô vẫn luôn cảm ơn nhân duyên đã cho mình được xuất gia học đạo. Chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ sư cô cảm thấy hối hận về quyết định lựa chọn cuộc đời của mình. Nếu như ngày hôm ấy, con gái không ra đi có lẽ giờ đây đã thành một đứa trẻ hư đốn làm khổ ba má, lao đầu vào cuộc đời và đánh mất chính bản thân mình. Người con không thể sống chậm lại để cảm nhận được tấm lòng của ba má nếu như không có ngày hôm ấy.
"Giờ này đây, có lẽ con là người hạnh phúc nhất trên cuộc đời này vì con là con của ba má. Dẫu biết rằng thế gian là vô thường, hạnh phúc kia cũng không trường viễn, và ba má của con cũng không ngoại lệ. Sự vô thường vẫn luôn hằng chuyển biến theo từng sát-na", sư cô trải lòng.
Khi mái tóc của ba má giờ đây đã lấm tấm những màu bạc trắng, là dấu hiệu cho con biết ba má của con đã bước sang tuổi già. Sẽ có một ngày nào đó, ba má cũng sẽ xả bỏ báo thân này, "bỏ chiếc áo cũ, mặc chiếc áo mới". Dù không muốn, những con biết rằng, đó là con đường mà tất cả chúng ta, những ai có mặt trên cõi đời này đều phải đi qua", sư cô viết.
Mùa Vu lan này sư cô lại hạnh phúc được cài lên ngực một bông hồng vàng tươi thắm. Sư cô nguyện cầu Hồng ân Tam Bảo gia hộ độ trì cho ba má, những ngày sắp tới của tuổi già có được sức khỏe, thân tâm an lạc, tín tâm nơi đạo luôn vững vàng để không lãng phí một kiếp người vì "thân người khó được, Phật pháp khó nghe".
"Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật"
Chia sẻ với Thanh Niên, sư cô Thích Nữ Đức Hiền cho biết, bản thân xuất gia đi tu từ năm 2011. Nhà sư cô ở Đắk Lắk, sư cô quyết định xuất gia trong giai đoạn gia đình đang bị khủng hoảng về kinh tế. Khi sư cô vào chùa, gia đình sẽ thiếu một thành viên, không phụ được cho ba má.
Nhà sư cô có truyền thống về Phật giáo, mẹ cũng là một huynh trưởng. Vì vậy mẹ luôn ủng hộ con gái xuất gia nhưng ba không ủng hộ. Ba thương con sợ sẽ khổ nên một mực ngăn cản nhưng sư cô vẫn quyết định nương nhờ cửa Phật. Trong một lần ba đang đi nhậu, sư cô gọi điện xin đi chùa, ba trả lời: "ưng làm chi đó thì làm". Sư cô xem đó là sự chấp nhận cho việc bản thân đi xuất gia. Trở thành con Phật nhưng sư cô luôn biết ơn công thành sinh dưỡng của cha mẹ.
Trong đạo Phật, khi nhắc đến Vu lan Báo hiếu, nhiều người thường nghĩ đến câu nói: "Tâm hiếu là tâm Phật, Hạnh hiếu là hạnh Phật". Câu này với ý nghĩa không phải những người theo đạo Phật mới thương cha mẹ mà từ rất lâu truyền thống báo hiếu cha mẹ đã thấm trong máu của những người con. Vì vậy việc tri ân, báo hiếu cần được thực hiện hằng ngày, trong từng phút, từng giây.
"Mùa Vu lan Báo hiếu là cơ hội để chúng ta thể hiện tình cảm với ba má của mình. Bên cạnh những món quà tri ân, những hành động được thể hiện vẫn có những người chưa thực sự biết: "Ước mơ của cha mẹ là gì?", sư cô Thích Nữ Đức Hiền cho biết.
Cuộc sống phát triển, thời gian trôi nhanh nên việc lắng đọng cảm xúc trong con người dường như rất ít. Vì vậy, dịp Vu lan Báo hiếu là dịp các con thể hiện tình cảm với cha mẹ.
"Khi chúng ta sống đúng với bổn phận và trách nhiệm của một người con, là một người tốt đó cũng là sự báo đáp với cha mẹ. Không nhất thiết cứ phải mua quà tặng cha mẹ là báo hiếu mà hãy dành thời gian trò chuyện, chia sẻ cùng người thân đó chắc cũng là sự mong muốn của đấng sinh thành", sư cô nói.
Thực tế, trong cuộc sống có những người con dù yêu thương nhưng vẫn không hợp tính hoặc sự góp ý, chia sẻ của cha mẹ không trùng với quan điểm, suy nghĩ của người con. Nói về vấn đề này, sư cô cho hay mỗi người đến với nhau là một nhân duyên, nếu con cái đến với cha mẹ là sự thuận duyên sẽ rất hạnh phúc.
"Con cái hãy đặt mình vào hoàn cảnh của cha mẹ và hãy cho họ biết con cũng có những nỗi khổ, niềm đau. Quan trọng nhất là có sự kết nối, truyền thông giữa con cái và cha mẹ. Sở dĩ có việc con cái không muốn làm những việc cha mẹ yêu cầu là vì hai bên chưa hiểu nhau. Hai bên hãy thử nói lên suy nghĩ, nỗi lòng và quan điểm của mình, hãy cho phép được nói lên điều đó và sư cô tin rằng đối phương sẽ cảm nhận được phần nào", sư cô bộc bạch.
Cũng theo sư cô, mỗi ngày chúng ta có nói chuyện với rất nhiều người, soạn bao nhiêu tin nhắn, cuộc hội thoại với những người lạ nhưng với gia đình lại rất ít. Vì vậy, mỗi ngày hãy nói những lời yêu thương với gia đình, người thân bởi gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và yêu thương không bao giờ kết thúc, đó cũng chính là tình thương đích thực.
Trong đạo Phật có 3 bậc báo hiếu là tiểu hiếu, trung hiếu và đại hiếu. Tiểu hiếu là mỗi ngày phụng dưỡng, ngoan ngoãn, lễ phép với cha mẹ hay mua những món quà ý nghĩa. Bậc trung hiếu là có thể làm rạng rỡ dòng tộc, tông môn khiến cha mẹ vui vẻ, thơm lây. Còn đại hiếu cũng là bậc Đức Phật luôn khuyến khích hướng dẫn cha mẹ, người thân làm phước, cùng nhau đi con đường hướng thiện, đó cũng là sự báo hiếu cao thượng nhất.
Bình luận (0)