Theo tài liệu tình báo của Mỹ, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh chương trình chế tạo và xuất khẩu vũ khí giá rẻ từ nhiều thập niên trước.
Hồi tháng trước, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) ở Thụy Điển công bố thống kê cho thấy Trung Quốc hiện xếp thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu vũ khí. Đây chính là kết quả mà Bắc Kinh đạt được sau nhiều năm theo đuổi chương trình vũ khí giá rẻ, chú trọng vào thị trường các nước kém và đang phát triển.
Cách đây chưa lâu, Viện Nghiên cứu RAND, được tài trợ bởi Lầu Năm Góc, công bố tài liệu mang tên Chinese arms production and sales to the third world - Trung Quốc sản xuất vũ khí và bán cho thế giới thứ ba. Đây là một báo cáo mật do quân đội Mỹ thực hiện hồi năm 1990 để đánh giá, phân tích về chương trình phát triển và xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc. Theo đó, nước này bắt đầu cung cấp vũ khí cho nhiều quốc gia từ thập niên 1950 dù Chủ tịch Mao Trạch Đông khi ấy luôn chỉ trích Mỹ và Liên Xô là “lái buôn tử thần”. Sau khi ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu nắm quyền lãnh đạo từ năm 1977, Trung Quốc phát động chương trình “4 hiện đại hóa” gồm cả quân sự. Kể từ đó, Trung Quốc bắt đầu tăng cường cải tiến và xuất khẩu vũ khí.
|
Sao chép rồi bán rẻ
Tài liệu Chinese arms… đánh giá việc hiện đại hóa vũ khí của Trung Quốc thật ra chủ yếu là sao chép các sản phẩm do Liên Xô sản xuất từ năm 1950 - 1970. Nước này khi đó tập trung xuất khẩu 5 dòng sản phẩm gồm xe tăng, xe bọc thép, tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm và máy bay chiến đấu. Tất cả đều được sản xuất và bán theo nguyên tắc “giá cả phải chăng”.
Trong giai đoạn này, Trung Quốc cung cấp 2 loại xe tăng chiến đấu chủ lực Type-59 và Type-69. Ban đầu, Type-59 dựa theo mẫu xe tăng T-54 danh tiếng của Liên Xô. Đến đầu thập niên 1960, Trung Quốc tung ra loại tăng Type-69 được nâng cấp từ Type-59 với các trang bị hiện đại như thiết bị hồng ngoại để tác chiến ban đêm, hệ thống chống vũ khí sinh học, hóa học… “Hiện đại” như thế nhưng tăng Type-69 lúc đó chỉ có giá 300.000 USD, bằng 1/5 so với giá bán của T-54 do Liên Xô sản xuất. Bên cạnh đó, Trung Quốc tung ra các mẫu xe bọc thép chở quân giá chỉ xấp xỉ 100.000 USD trong khi sản phẩm tương tự của Liên Xô đắt hơn vài lần. Trong đó, Bắc Kinh chủ yếu cung cấp xe bọc thép Type-531 bị cho là sao chép từ mẫu BMP-1 của Liên Xô, trang bị 1 súng máy và chở được 13 binh sĩ.
Theo tài liệu trên, Trung Quốc còn chế tạo các loại tên lửa đất đối không giống các tên lửa SAM danh tiếng của Liên Xô. Điển hình như dòng tên lửa HQ-2 do Trung Quốc bán ra là “anh em song sinh” của SA-2 mà Liên Xô chế tạo. Ngoài ra, loại HN-5 của Trung Quốc cũng bị cho là lấy mẫu từ dòng SA-7. Các loại tên lửa chống tàu thủy do nước này sản xuất cũng hầu như “hao hao” vũ khí Liên Xô.
Ngoài ra, Trung Quốc ra sức nâng cấp các loại máy bay chiến đấu mà nước này tự chế tạo, bắt đầu từ mẫu J-5 được sản xuất theo bản quyền chiếc MiG-17F do Liên Xô chuyển giao. Trong thập niên 1970, Trung Quốc tăng cường xuất khẩu dòng chiến đấu cơ J-6 (sao chép lại MiG-19) và bắt đầu tung ra mẫu J-7 được phát triển từ loại MiG-21. Sau đó, nước này ra sức mở rộng thị trường xuất khẩu cho J-7 khi không chỉ cạnh tranh với MiG-21 mà còn hướng đến những khách hàng muốn mua F-16 do Mỹ sản xuất. Lúc bấy giờ, Bắc Kinh chào hàng J-7 với giá chỉ 3 triệu USD mỗi chiếc, rẻ bằng 1/5 so với con số 15 triệu USD của F-16, tất nhiên J-7 kém xa F-16 về mọi mặt. Với chiến lược giá rẻ, Trung Quốc thu hút mạnh mẽ khách hàng “ít tiền” trên khắp thế giới, chủ yếu là thị trường châu Á và châu Phi. Danh sách các nước mua vũ khí Trung Quốc ngày càng dài thêm như: Bangladesh, Cameroon, Congo, CHDCND Triều Tiên, Pakistan, Sudan, Tanzania…
Không quân Ấn Độ dính “hàng nhái”? Theo công bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ hồi giữa tháng 3, trong vòng 3 năm qua, không quân nước này bị rơi 33 chiến đấu cơ và trực thăng vì “trục trặc kỹ thuật” khiến 31 phi công thiệt mạng. Trong đó, hầu hết là máy bay do Nga sản xuất. Phản ứng trước những sự việc trên, Đại sứ Nga tại Ấn Độ Alexander Kadakin trả lời phỏng vấn báo Hindustan Times cho rằng New Delhi đã mua phụ tùng không chính hãng. Trong khi đó, tờ Times of India dẫn lời một số chuyên gia cho hay phần lớn số máy bay rơi vốn không còn được Nga sản xuất và chỉ có Trung Quốc vẫn tiếp tục cung cấp phụ tùng. Vì thế, các chuyên gia nhận định Ấn Độ có thể đã mua thiết bị thay thế “dỏm” từ Trung Quốc, hoặc thông qua nước thứ ba. Theo một số chuyên gia, dù Trung Quốc thường sao chép nhiều loại máy bay của Nga nhưng vẫn chưa đủ sức làm chủ công nghệ. Do đó, phụ tùng do nước này sản xuất kém chất lượng, ẩn chứa nhiều rủi ro. Trùng Quang |
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)