Mặc dù có ưu thế giá rẻ nhưng vũ khí Trung Quốc ẩn chứa nhiều hạn chế vì không nhận được chuyển giao công nghệ đầy đủ.
Tạp chí The Airforce Magazine từng dẫn lời chuyên gia John A.Tirpak của Hiệp hội Không quân (Mỹ) nói cần 20 năm để một thế hệ chiến đấu cơ chính thức được đưa vào sử dụng kể từ lúc bắt đầu phát triển. Tương tự, các loại vũ khí khác có thể cần thời gian ít hơn nhưng cũng không hề đơn giản nếu muốn hoàn thiện. Vì thế, việc Trung Quốc liên tục giới thiệu các loại khí tài mới làm dấy lên nghi ngờ về chất lượng.
Đủ đường sao chép
Nhiều năm qua, Trung Quốc thường xuyên mua vũ khí từ Nga. Tuy nhiên, Moscow đang ngày càng dè chừng Bắc Kinh vì lo ngại bị sao chép công nghệ. Theo RIA-Novosti, Nga từng có bài học cay đắng khi bị Trung Quốc sao chép trái phép máy bay chiến đấu Su-27SK. Năm 1995, Moscow đồng ý chuyển giao bản quyền trị giá 2,5 tỉ USD cho Bắc Kinh sản xuất 200 chiếc Su-27SK và đặt lại tên là J-11A. Theo thỏa thuận trên, Trung Quốc sẽ phải trang bị hệ thống điện tử, radar và động cơ của Nga. Thế nhưng, đến năm 2006, Moscow tuyên bố cắt đứt thỏa thuận vì phát hiện Bắc Kinh không tuân thủ hợp đồng khi tự ý sản xuất phiên bản “nội địa hóa” J-11B.
|
Rút kinh nghiệm, Nga thẳng thừng từ chối khi Trung Quốc vào năm 2006 đề nghị mua máy bay chiến đấu Su-33 Flanker-D nhưng chỉ muốn nhận trước 2 chiếc để “bay thử”. Thất bại với đề nghị này, Trung Quốc chuyển sang mua 1 chiếc Su-33 Falcon-D từ Ukraine để “chế biến” thành chiến đấu cơ J-15 dành cho tàu sân bay.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn “thửa” cả tàu ngầm của Moscow, theo tờ Pravda. Vào thập niên 1990, Trung Quốc mua gần 10 chiếc tàu ngầm lớp Kilo rồi sau đó tung ra tàu ngầm lớp Nguyên có kích thước lớn hơn Kilo. Không những thế, tàu ngầm lớp Nguyên còn sở hữu một số tính năng của lớp Lada của Nga, vốn chưa được xuất khẩu cho bất cứ nước nào. Tương tự, nước này còn bị cho là tự sản xuất tàu ngầm lớp Tống dựa theo những chiếc lớp Romeo mua từ Nga.
Ngoài ra, Bắc Kinh từng bị tình nghi phái gián điệp đánh cắp công nghệ vũ khí của Moscow và mua lậu phụ tùng, thiết bị quân sự để sao chép. Hồi năm ngoái, RIA-Novosti đưa tin một người Trung Quốc bị bắt khi đang lén đưa phụ tùng máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 ra khỏi Nga. Cùng năm, tờ The Guardian đưa tin Nga bắt giữ 1 gián điệp Trung Quốc đang cố thu thập thông tin về tổ hợp tên lửa đất đối không S-300. Báo này dẫn lời chuyên gia quốc phòng Ruslan Pukhov nói: “Họ đang cố sao chép công nghệ vũ khí một cách bất hợp pháp”.
Nhiều hạn chế
Giới chuyên gia cho rằng việc sao chép mà không được chuyển giao công nghệ đầy đủ khiến vũ khí Trung Quốc gặp nhiều hạn chế. RIA-Novosti dẫn lời quan chức cấp cao Igor Korotchenko của Bộ Quốc phòng Nga nhận định sớm muộn gì Trung Quốc cũng tìm cách mua Su-33 để trang bị cho tàu sân bay. Theo ông Korotchenko, Trung Quốc không đủ sức giải quyết các vấn đề về việc gấp cánh của J-15 nên loại máy bay này chẳng thể được biên chế cho tàu sân bay. Nếu không hoàn thiện hệ thống cánh gập, việc sử dụng cho tàu sân bay sẽ vô cùng khó khăn, ẩn chứa hiểm họa khôn lường chẳng hạn như máy bay đâm ngược xuống tàu ngay khi cất/hạ cánh. Ngoài ra, vì thiếu bản quyền công nghệ đầy đủ, nên khả năng chiến đấu của J-15 cực kỳ yếu kém.
Tương tự, tờ Pravda dẫn lời giới chuyên gia kỹ thuật hải quân cho biết tàu ngầm lớp Nguyên có kích thước lớn hơn lớp Kilo và Lada nhưng lại không được nâng cấp các thông số liên quan. Tình trạng này cũng tồn tại ở một số loại xe tăng, xe bọc thép do Trung Quốc bán ra. Mới đây, truyền thông Ấn Độ đặt nghi vấn nhiều máy bay chiến đấu của nước này bị rơi do mua phải phụ tùng kém chất lượng do Trung Quốc sản xuất. Mặc dù vậy, nước này vẫn thường xuyên chào mời các loại vũ khí “giá cả phải chăng” của mình. Vì thế, nhiều chuyên gia nhận định Bắc Kinh đang chạy theo chiến lược xuất khẩu các loại vũ khí “giá rẻ nhưng dùng một lần rồi bỏ”.
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)