Lại chuyện không quản được thì siết

06/05/2022 04:34 GMT+7

Cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng gần đây liên tục có công văn đề nghị theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng, trái phiếu bất động sản (BĐS) để tránh rủi ro.

Việc này không có gì mới vì nhiều năm trở lại đây, cứ thỉnh thoảng những yêu cầu thế này lại được phát ra từ cơ quan có thẩm quyền.

Đáng nói là đối tượng liên tục bị đưa vào tầm ngắm đang đóng góp tới 14% GDP; là một đầu tàu mà theo sau đó là vài chục ngành công nghiệp, sắt, thép, xi măng, trang trí nội thất…; tạo nguồn cung nhà ở cho xã hội và giải quyết hàng triệu lao động cho đất nước.

Quan trọng như vậy, vì sao BĐS luôn bị phân biệt đối xử là vấn đề nên được mổ xẻ thấu đáo để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và minh bạch.

Hãy lấy lần “siết” tín dụng này làm ví dụ. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận tín dụng vào BĐS từ đầu năm tới nay không có biến động nhiều, chiếm gần 20% trong tổng dư nợ, thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn trước (tăng 28%). Nghĩa là hoàn toàn không có chuyện tăng nóng hay đổ dồn vốn vào BĐS để phải bóp lại. Thế nhưng chính NHNN lại năm lần bảy lượt yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ, thậm chí còn khẳng định tới đây sẽ “siết” hơn nữa tín dụng vào BĐS. Các nhà băng tất nhiên không dám trái lệnh, nên gần đây nhiều người muốn vay tiền mua hay sửa chữa nhà ở đều khó khăn. Còn doanh nghiệp (DN) BĐS thì khỏi nói, 2 kênh lớn nhất là ngân hàng và trái phiếu DN đều hẹp cửa khiến họ đối diện với nguy cơ chết trên đống tài sản và nợ nần. Nguyên nhân của động thái này chủ yếu liên quan đến vài vụ án huy động vốn tín dụng BĐS xảy ra gần đây. Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định những sai phạm chỉ là thiểu số, việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số nhà đầu tư, DN chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ nghiêm pháp luật. Tuy nhiên, thay vì thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng rằng đơn vị nào sai thì xử lý đơn vị đó, thì các cơ quan trên lại “xử” cả thị trường bằng cách siết tín dụng, khiến hàng loạt DN làm ăn đàng hoàng, uy tín bị vạ lây.

Cách hành xử như trên vừa trái nguyên tắc thị trường, vừa không giải quyết tận gốc vấn đề, vừa dẫn đến hàng loạt hệ lụy rất lớn cho thị trường. Đầu tiên là các ngân hàng cũng không tránh khỏi liên đới bởi lâu nay BĐS chính là gà đẻ trứng vàng cho họ. Nên BĐS hắt hơi sổ mũi thì ngân hàng cũng đối diện với nguy cơ nợ xấu rất lớn. Quan trọng hơn, BĐS là đầu ra của vài chục ngành sản xuất công nghiệp khác. Chúng ta hướng vốn vào sản xuất nhưng các ngành này sản xuất làm gì nếu dự án không thể triển khai? Và ai sẽ chịu trách nhiệm nếu DN Việt vì đói vốn mà phải bán mình cho các DN ngoại?

BĐS cũng như tất cả những ngành nghề khác, có DN làm ăn đàng hoàng, uy tín, tạo ra giá trị cho xã hội và cũng có một số DN làm ăn chụp giựt, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thu lợi vào túi mình. Tất cả các hành vi này đều có quy định để xử lý. Tương tự, thị trường tài chính nói chung và các ngân hàng nói riêng cũng không thiếu các quy định về an toàn vốn, tỷ lệ cho vay, hệ số rủi ro...; cứ chiếu theo đó thực hiện mà không cần thiết phải đưa ra các quy định hành chính can thiệp làm rối loạn thị trường như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.