Lai lịch bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Việt Nam giải phóng quân

26/12/2019 06:27 GMT+7

Tại triển lãm Quân với dân một ý chí đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội) có một bức ảnh được chú thích: Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân , ngày 22.12.1944. Dưới ảnh không có tên người chụp.

Ông Hoàng Hòa Bình (hiện ở phố Tràng Tiền, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết đây là ảnh do cha ông chụp. Tuy nhiên, theo ông đây không phải ảnh chụp lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Cao Bằng ngày 22.12.1944 như chú thích, mà bức ảnh được chụp vào ngày 16.8.1945 tại Tân Trào. Nội dung bức ảnh là ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy Đội Việt Nam giải phóng quân về đánh Thái Nguyên. Cha ông, kỹ sư canh nông Hoàng Văn Đức (1918 - 1996), khi đó đi trong đoàn Hà Nội lên chiến khu dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Chiếc máy ảnh ông Đức mang theo nhãn hiệu Rolleiflex.
Lai lịch bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Việt Nam giải phóng quân

Kỹ sư Hoàng Văn Đức (1918 - 1996) Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp

Một trong những nhân chứng lịch sử cùng lên Quốc dân Đại hội Tân Trào là cố Bộ trưởng Vũ Đình Hòe (1912 - 2011), trong hồi ký của mình cũng đã xác nhận điều này: “Hoàng Văn Đức là chứng nhân duy nhất ghi lại được hình ảnh sự kiện trọng đại. Chẳng hạn, như trường hợp bức ảnh quý hiếm về buổi ông Võ Nguyên Giáp tuyên đọc nhật lệnh trong buổi lễ xuất phát của giải phóng quân từ ATK Tân Trào tiến về Thái Nguyên tham gia cướp chính quyền”.
Trong hồi ký Tháng tám cờ bay (Báo Văn, số 8, tháng 3.1990), ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Trợ lý Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng đề cập đến người chụp và nội dung bức ảnh nói trên: “Hội nghị Tân Trào đang họp thì có tin Hà Nội đã nổi dậy cướp chính quyền. Trần Huy Liệu được phân công viết cấp tốc lời kêu gọi tổng khởi nghĩa. Sau đó là lễ xuất phát của giải phóng quân. Bức ảnh chụp giải phóng quân xuất phát có Võ Nguyên Giáp đội mũ phớt là do anh Hoàng Văn Đức chụp. Lúc đó, trong số đoàn đại biểu chỉ có Hoàng Văn Đức là có máy ảnh đem theo”.

Tác phẩm từ chiếc máy ảnh “phạm nội quy”

“Vấn đề lịch sử”

Chúng tôi đã liên hệ với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để xác minh lai lịch bức ảnh. Đại diện đơn vị này cho biết đây là vấn đề lịch sử. Có lần bên bảo tàng đã sang đặt vấn đề với Đại tướng Võ Nguyên Giáp để xác minh lai lịch bức ảnh và người chụp. Ý kiến của Đại tướng đại ý: Không thể nói ai là người đứng ra chụp bức ảnh được bởi vì thời điểm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân còn khó khăn, không nghĩ đâu để chụp ảnh lưu lại. Hơn nữa, lúc đó còn hoạt động bí mật, tránh sự truy lùng của thực dân Pháp.
Năm 1996, trước khi qua đời, kỹ sư Hoàng Văn Đức có viết xuất xứ của bức ảnh và gửi đến Tạp chí Nhiếp Ảnh. Ông nói rõ:
“Tôi mang máy ảnh theo lên chiến khu dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, nhiều nhóm đại biểu đều biết. Lên đến Tân Trào, tôi mới được biết là phạm nội quy. Anh Nguyễn Lương Bằng tiếp chúng tôi, tươi cười nhắc nhở: theo nội quy không được chụp ảnh trong khu vực hội nghị, song nếu muốn chụp gì phải hỏi ý kiến và khi ra về phải nộp máy ảnh cho ban tổ chức tháo phim ra để giữ làm tài liệu.
Lai lịch bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Việt Nam giải phóng quân

Bức ảnh đang được trưng bày ở triển lãm Quân với dân một ý chí tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam

Ảnh: Kiều Mai Sơn

Hội nghị bế mạc, tôi xin phép được chụp ảnh lễ xuất phát của giải phóng quân do anh Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Nhiều đại biểu có mặt trong buổi lễ, tiễn giải phóng quân lên đường. Tôi chụp một kiểu giải phóng quân xuất phát”.
Trước khi chuẩn bị trở về Hà Nội, kỹ sư Hoàng Văn Đức đã đem chiếc máy ảnh Rolleiflex này, cùng cuộn phim đương chụp dở, nộp ban tổ chức.
Trở về thủ đô, kỹ sư Hoàng Văn Đức tham gia công tác trong chính quyền mới: Chủ tịch Tổng hội viên chức Cứu quốc Hà Nội; Tổng giám đốc Nha Nông chính Việt Nam (Bộ Canh nông); đại biểu Quốc hội khóa I của Hà Nội; Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, Huân chương Độc lập hạng nhất (truy tặng)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.