Lại nóng bỏng chuyện Kosovo

02/12/2009 00:18 GMT+7

Sự kiện Kosovo tuyên bố độc lập cách đây gần hai năm đã được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế.

Hôm qua, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, đã bắt đầu xem xét hồ sơ do Serbia đệ lên để phản đối việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia. Có thể coi phiên tòa tại Hà Lan là một sự kiện lịch sử. Bởi đây là lần đầu tiên tòa án cao nhất của LHQ xem xét một hành động ly khai có vi phạm luật pháp quốc tế hay không.

Kosovo, một vùng đất rộng hơn 10.000 km2 với khoảng 2 triệu dân đa phần là gốc Albani, đã tách khỏi Serbia và tuyên bố độc lập vào tháng 2.2008. Một loạt nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp, Anh, Đức sốt sắng công nhận Kosovo là quốc gia độc lập. Nối tiếp đó là một loạt nước không phải phương Tây khác. Đến nay, có 63 quốc gia trên thế giới đã công nhận Kosovo. Tuy nhiên, Serbia cùng nhiều nước khác, trong đó có Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc... không công nhận.

Sự kiện Kosovo tuyên bố độc lập một lần nữa làm nổi rõ một thế giới mất đoàn kết trầm trọng. Tuyên bố của Kosovo cũng tạo ra một tiền lệ về ly khai trên thế giới. Không được chính người trong cuộc thừa nhận, nhưng việc Nga công nhận Abkhazia và Nam Ossetia vẫn có thể coi như là một “hệ quả” từ bước đi của Kosovo.

Giờ đây, Serbia đưa vụ việc lên ICJ đã hâm nóng lại những tranh cãi ngày trước. Serbia phản đối tuyên bố độc lập của Kosovo là điều đương nhiên, nên việc họ kiện lên tòa ICJ là không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, bước đi này không nằm trong nỗ lực của Serbia đưa Kosovo trở lại thành một tỉnh của mình. Họ chỉ tìm một ý kiến phán xét của ICJ, một dạng phán quyết không có ràng buộc pháp lý. Giới lãnh đạo Serbia hiển nhiên biết rằng việc “đưa Kosovo trở lại” là rất khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả. Thế nên, một phán quyết của tòa rằng hành động của Kosovo là phi pháp là một mục tiêu thực tiễn hơn. Một khi ICJ tuyên bố như thế, nhiều nước khác muốn công nhận Kosovo sẽ phải chùn lại, bởi chẳng ai lại ủng hộ một hành động mà LHQ coi là phạm pháp.

Trong bước đi trên, Serbia tỏ ra rất thận trọng. Họ một mặt muốn bảo vệ lợi ích của mình, một mặt nhìn nhận được những khó khăn của thực tiễn, mặt khác cũng cần có những nhượng bộ để gia nhập EU. Chính vì thế mà họ đã chủ trương không đẩy vấn đề lên căng thẳng quá mức, nhưng cũng đảm bảo rằng họ đang hành động quyết liệt.

Phiên tòa của LHQ còn lâu mới kết thúc, với các chủ thể Serbia và Kosovo cùng nhiều nước khác phát biểu ý kiến. Phiên tòa này thực tế sẽ không làm đảo lộn hiện trạng tại Balkan. Nhưng một phán quyết của ICJ, dù không có tính ràng buộc pháp lý, vẫn được chờ đợi như là lời khẳng định lập trường của LHQ về tính hợp pháp của hành động ly khai của một thực thể khỏi một quốc gia trong thời bình. Đó là điều quan trọng, bởi nhiều nước trên thế giới hiện đang tiềm tàng trong cơ thể “nguy cơ Kosovo”.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.