Lãi suất vay cao
Đầu năm 2020, vợ chồng chị K.B (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vay ngân hàng (NH) Sacombank 11 tỉ đồng nhằm mua bất động sản, lãi vay 12 tháng đầu tiên là 12,5%/năm. Theo hợp đồng vay, sau thời gian này, lãi sẽ được điều chỉnh theo cách tính lãi suất (LS) tiền gửi tiết kiệm 13 tháng (lãnh lãi cuối kỳ) cộng với biên độ 5,5%/năm. LS vay điều chỉnh 3 tháng/lần. Vừa qua, NH tính LS cho khoản vay này lên đến 17%/năm. Khi chị K.B bức xúc lên NH và yêu cầu trả nợ trước hạn thì phía NH giảm xuống còn 14%/năm. Thế nhưng do thấy lãi vay cao quá, gia đình chị K.B vẫn có ý định trả nợ trước hạn thì gặp vấn đề phí phạt trả nợ trước hạn 2% trên số tiền 10 tỉ đồng, tương đương 200 triệu đồng. Chị K.B bức xúc: "Gia đình tôi vay trả nợ 3 năm rồi, thời điểm đó rơi vào lúc dịch Covid-19 xảy ra mà NH tính như vầy thì cũng không có gì chia sẻ với khách hàng vay trong lúc khó khăn".
Rất nhiều trường hợp như chị K.B cho thấy mặt bằng LS vay trên thị trường hiện nay vẫn còn ở mức khá cao. Khảo sát của chúng tôi tại thời điểm hiện tại cũng chứng thực việc này. Chiều 26.6, nhân viên tín dụng Vietinbank trên địa bàn TP.HCM tên V. tư vấn cho chúng tôi: Đối với khoản vay sản xuất kinh doanh, LS vay từ 7,5 - 8%/năm nhưng với điều kiện khách vay phải chứng minh được dòng tiền. Ví dụ, khách hàng phải có hợp đồng và mở tài khoản nhận tiền thanh toán qua Vietinbank, thời gian vay ngắn vài tháng.
Đối với vay kinh doanh dịch vụ, nhân viên này nói thẳng đây là lĩnh vực ngành nghề khó cho vay vì thường khách hàng phải làm xong dịch vụ mới nhận được tiền thanh toán. Còn đối với cho vay mua nhà đất, LS cho vay trong 12 tháng đầu là 9,5%/năm. Hết thời gian ưu đãi, LS cho vay sẽ được tính bằng LS cơ sở cộng với biên độ 3,5%. Với LS cơ sở hiện nay ở mức 9,5% thì LS cho vay là 13%/năm. Phí phạt trả nợ trước hạn trong 2 năm đầu là 2,5%, năm thứ ba là 1,5%, năm thứ tư là 1%, năm thứ năm là 0,5% trên số tiền trả trước hạn. Từ năm thứ sáu trở đi thì không phải chịu phí phạt.
Tương tự, theo nhân viên kinh doanh NH ACB tên H. (ở TP.HCM), vay mua nhà hiện nay đang có chương trình ưu đãi trong 6 tháng đầu là 9,5%/năm, hay cố định trong 12 tháng là 10%/năm. Sau thời gian ưu đãi, LS vay sẽ tính bằng LS cơ sở cộng biên độ 3,9%. LS cơ sở hiện nay 9,5% nên LS vay vào khoảng 13,4%/năm. LS vay này 3 tháng thay đổi 1 lần. Theo H., LS cho vay của NH hiện nay đã giảm so với đầu năm. Gần đây nhất, LS cơ sở đã giảm 0,3%.
Cũng vì lãi vay quá cao, nhiều khách hàng không dám vay, cộng với một lượng lớn khách hàng không thể tiếp cận tín dụng khiến mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn đang ở mức thấp. Một số NH đã tung ra các chương trình giảm LS cho vay nhưng chỉ có những khoản vay "rất tốt" mới có thể tiếp cận mức LS vay 7%/năm, còn lại bình quân từ 9 - 10%/năm và nhiều khoản vay cũ lên đến 13 - 14%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm
Ngân hàng tận thu
Mặc dù mặt bằng LS cho vay trên thị trường hiện nay đã giảm so với cuối năm 2022 - đầu năm 2023 nhưng so với tốc độ đi xuống của LS huy động thì vẫn không theo kịp. Một số NH mới đây tiếp tục giảm LS huy động tiết kiệm tiền đồng từ mức 1,25 - 3%/năm so với đầu năm. Các mức LS huy động từ 9 - 12%/năm trở lên gần như biến mất, mức 8%/năm còn rải rác ở một số NH. Chẳng hạn, NH số Cake by VPBank vừa giảm LS huy động từ 0,2 - 0,3%/năm.
Theo đó, LS tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, 6 - 11 tháng ở mức 7,9%/năm, 12 tháng 8,2%/năm, 13 tháng 8,3%/năm, từ 15 tháng trở lên chỉ còn 7,2%/năm. LPBank giảm LS huy động từ 0,2 - 0,8%/năm. Cụ thể, dưới 6 tháng từ 4,53 - 4,65%/năm, kỳ hạn 6 tháng có LS 5,82%/năm, 12 tháng 6,1%/năm, 13 tháng 6,24%/năm. LS cao nhất ở kỳ hạn 18 tháng ở 6,49%/năm. Thế nhưng những kỳ hạn dài hơn lại có mức LS thấp hơn nhiều, kỳ hạn từ 36 - 60 tháng xuống còn 5,29%/năm. ABBANK cũng giảm lãi huy động xuống thấp, mức LS cao nhất của nhà băng này là 7,4%/năm… Một số NH thương mại giảm LS huy động xuống mức thấp hơn mức trần LS mà NH Nhà nước cho phép.
Nhìn chung, LS huy động từ 12 tháng trở lên của các nhà băng hiện nay ở mức 6,2 - 8%/năm. Thế nhưng LS đối với những khoản vay, đặc biệt là khách hàng cá nhân, lên 13 - 14%/năm. Với khoản chênh lệch này, NH lợi lớn.
LS trên thị trường liên NH tăng nhẹ ở những kỳ hạn ngắn vào cuối tuần qua nhưng so với đầu tháng 6 vẫn đang ở mức thấp hơn từ 1,4 - 3%/năm. Cụ thể, LS ngày 26.6 kỳ hạn qua đêm ở mức 1,1%/năm, 1 tuần 1,45%/năm, 2 tuần 1,88%/năm, 1 tháng 3%/năm, 3 tháng 4,8%/năm. Riêng lãi suất 6 và 9 tháng vẫn ở mức tương ứng 5,9%/năm và 6,8%/năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng với tốc độ giảm LS huy động khá nhanh hiện nay mà các NH vẫn biện minh là cần có độ trễ để giảm lãi vay là điều khó có thể chấp nhận được. Trong các hợp đồng vay vốn, NH quy định LS vay điều chỉnh 3 hay 6 tháng một lần. Quyết định điều chỉnh LS cho vay nằm ở quyền hạn NH thương mại, tại sao lại không thể điều chỉnh được? NH thường phát biểu thể hiện chia sẻ, đồng hành với khách hàng nhưng cách "giải thích" như trên không phù hợp với thời điểm hiện nay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, biên lãi ròng (NIM0 của các NH vào khoảng 2 - 2,5%) là hợp lý. Thế nhưng biên độ cộng thêm vào LS cho vay từ 3,5%, đó là chưa kể NH dùng biện pháp "kỹ thuật" điều chỉnh LS cơ sở thì cần phải xem lại. Ông Lê Hoàng Châu dẫn chứng, các NH kỳ vọng lợi nhuận năm 2023 tăng 10% so với 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng bình quân của 28 NH trong 3 năm qua vào khoảng 21%, quá cao so với khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Chính vì vậy, NH cần chia sẻ thêm với khách hàng vay trong thời gian tới.
"Riêng đối với doanh nghiệp bất động sản, việc tiếp cận vốn thời điểm này là niềm mơ ước. Thế nhưng NH không hạ chuẩn tín dụng trong tình thế hết sức khẩn cấp này, cứ giữ chuẩn tín dụng tại thời điểm bình thường là không ổn. Cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trong tiếp cận vốn hiện nay", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Bình luận (0)