Đại diện các trường đại học (ĐH) và sinh viên (SV) đều có kiến nghị điều chỉnh mức lãi suất phù hợp hơn cho người học thuộc gia đình khó khăn vay tiền học tập.
Sinh viên làm thủ tục nhập học và được hướng dẫn vay vốn tín dụng học tập |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Lãi suất vay tín dụng sinh viên đang quá cao
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, chính sách tín dụng đối với SV bắt đầu thực hiện từ năm 1998 với mức vay tối đa 150.000 đồng/tháng. Từ 1998 đến nay, quy định về tín dụng SV đã được sửa đổi nhiều lần nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất là chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn hơn là một chính sách tài chính cho giáo dục ĐH. Vì vậy, chính sách này vẫn có nhiều hạn chế về đối tượng được vay, mức vay khá thấp, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức vay còn phức tạp.
Cũng theo ông Quân, lãi suất cho vay hiện còn cao. Lãi suất cho vay đang áp dụng tại thời điểm năm 2021 là 6,6% năm. Đây là mức lãi suất khá cao cho đối tượng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong khi mức cho vay trồng rừng 1,2%/năm, cho vay nhà ở xã hội từ 3 - 4,8%/năm.
“Mức lãi suất này cao hơn khoảng 1% so với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước và tương đương với mức lãi suất cho vay mà các ngân hàng thương mại áp dụng ưu đãi cho cán bộ nhân viên hoặc một số chương trình ưu đãi khác. Rõ ràng có sự bất hợp lý trong việc áp dụng lãi suất ưu đãi đối với tín dụng SV”, ông Quân phân tích.
Không chỉ vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quốc hội vừa đồng ý bổ sung 3.000 tỉ đồng để người học vay ưu đãi theo đề nghị của Chính phủ. Học sinh, SV có hoàn cảnh khó khăn được vay để mua máy tính phục vụ học trực tuyến, với lãi suất cũng ở mức 6,6%/năm.
Lãi suất cao trong khi nhu cầu vay vốn của người học hiện đang rất lớn. Một khảo sát của ĐH Quốc gia TP.HCM gần đây cho thấy dịch Covid-19 đã khiến gần 60% gia đình các SV bị mất ít nhất một phần thu nhập. Do đó, nhu cầu vay vốn của học sinh, SV để mua máy tính, trang trải chi phí học tập là lớn. Có đến trên 52% trong số 39.000 SV tham gia khảo sát đề nghị có chính sách hỗ trợ SV gặp khó khăn.
Tương tự, một thống kê của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng cho thấy số SV có hoàn cảnh khó khăn cần vay vốn nhiều nhưng chưa được đáp ứng hết. Từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2021, trường này có khoảng 4.400 SV làm giấy xác nhận để vay vốn. Tuy nhiên, số SV được vay từ ngân hàng chính sách địa phương chỉ khoảng 2.500 người. Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác SV trường này, cũng cho rằng hiện lãi suất 6,6% là khá cao.
Sinh viên xin giấy xác nhận làm thủ tục vay vốn học tập tại một trường ĐH |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Lãi suất nên ở mức nào ?
N.A.T, SV năm 4 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết suốt 4 năm học đều được hỗ trợ vay mỗi năm 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ở 2 năm đầu tiên, khoản tiền này đã giải quyết được hầu hết các khoản cần đóng của SV này, từ học phí, tiền ở ký túc xá, chi phí ăn uống sinh hoạt.
T. chia sẻ: “Thời điểm này học phí còn thấp, ăn uống tiết kiệm và không có nhiều khoản phát sinh nên gia đình đỡ rất nhiều gánh nặng tài chính. Khoảng 2 - 3 tháng gia đình mới phải gửi một vài triệu đồng để em mua dụng cụ học tập hoặc chi phí phát sinh”.
Tuy nhiên, theo SV này, sắp tới với mức học phí tăng lên của nhiều trường ĐH tự chủ, mức vay tín dụng cần điều chỉnh tăng lên. Đồng thời lãi suất vay nên giảm xuống ở mức phù hợp hơn, thủ tục vay cũng cần đơn giản hơn.
Nguyễn Thụy Bảo Ân cũng từng được vay vốn học tập trong suốt 2 năm khi học tại Trường ĐH Luật TP.HCM. Ân nhìn nhận: “Với những SV thuộc gia đình không khá giả, chính sách cho vay này thực sự rất cần thiết. Hiện em đã đi làm, sau một năm bắt đầu quay lại trả nợ, cả gốc và lãi số tiền nợ trên 20 triệu đồng. Việc trả nợ khá suôn sẻ do em may mắn có công việc ổn định. Nhưng với những trường hợp ra trường chưa tìm được việc làm thì nên có thêm những chính sách hỗ trợ trả nợ trong thời gian dài hơn, lãi suất tốt hơn”.
Trước thực trạng trên, PGS-TS Vũ Hải Quân cho rằng cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng SV. Đồng thời điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo SV có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí. Điều chỉnh thời gian vay tới 15 năm hoặc gấp 3 lần thời gian vay, ví dụ học 4 năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm, học 7 năm tối đa là 21 năm.
Về lãi suất, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất: “Giảm mức lãi suất cho vay đối với SV vay vốn xuống 3 - 4%/năm hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3 - 4%/năm. Sau khi SV tốt nghiệp ra trường có thể áp dụng lãi suất cao hơn. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho người học”.
SV là những người chưa có thu nhập, nên chăng lãi suất cho vay chỉ khoảng 50% so với nhóm người đã có thu nhập là phù hợp.
Thạc sĩ Võ Tấn Thông, Trưởng phòng Công tác chính trị - SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng cho rằng lãi suất vay hiện nay đang khá cao đối với SV. “Thực sự kể cả khi SV đã tốt nghiệp đi làm cũng có trường hợp trả nợ dễ dàng hoặc khó khăn. Nếu thu nhập ở mức 10 triệu đồng/tháng trở lên thì không khó. Nhưng tính trên mặt bằng chung, không nhiều SV tìm được việc làm ngay với thu nhập tốt ở năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Do vậy, lãi suất cho SV vay học tập ở mức dưới 5%/năm là phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”, thạc sĩ Thông đề xuất.
Ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Trung tâm quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ SV Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng nói: “SV là những người chưa có thu nhập, nên chăng lãi suất cho vay chỉ khoảng 50% so với nhóm người đã có thu nhập là phù hợp”. Theo ông An, nhà nước có thể tính toán thêm để các ngân hàng thương mại được tham gia hỗ trợ SV vay vốn với lãi suất ưu đãi để chia sẻ gánh nặng với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bình luận (0)