Lại xảy ra cá chết hàng loạt

18/07/2010 14:25 GMT+7

(TNO) 5 ngày qua, hàng tấn cá nuôi khu vực lồng bè âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) chết hàng loạt khiến người nhiều người điêu đứng. >> Nước thải KCN Liên Chiểu gây chết cá hàng loạt / Tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Kim Liên

Tan tác lồng bè

Sáng 18.7, có mặt tại khu vực cồn cát chân cầu Mân Quang, trời nắng nóng khiến mùi tanh do xác cá phân hủy càng bốc lên nồng nặc. Nhiều hộ gia đình nông dân liên tục dùng dây thừng kéo những mảng bè đang thả ở khu vực nước cạn gần bờ vịnh Mân Quang ra ngoài xa để hi vọng tránh nguồn nước ô nhiễm. Ông Phan Minh Nam (55 tuổi, trú tổ 40, P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết nếu 3, 4 đàn ông trong nhà dùng sức kéo cật lực, thì trong một ngày có thể di chuyển bè ra xa 1,5 km, chứ nếu thuê tàu kéo thì chi phí tốn kém gấp nhiều lần.

Ông Nam cho biết từ khi ông thả cá lồng bè năm 2003 đến nay, chưa bao giờ xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt như vậy. Dưới 4 chiếc bè của gia đình ông là lứa cá 6.000 con với các loại cá mú, cá hồng, cá dìa, cá bớp… đã được 7 tháng tuổi. Đầu mùa, ông Nam vay ngân hàng 120 triệu đồng mua cá giống cũng như trang trải chi phí, ông nhẩm tính chỉ trong 2 tháng nữa là đến mùa thu hoạch, sau khi trừ chi phí, ông cũng lãi ròng 100 triệu đồng. Tuy nhiên chỉ 5 ngày qua, 4.000 con cá cân nặng từ 0,8 - 1,5 kg lần lượt nổi trắng bè. Tính ra, 150 triệu đồng đã tiêu tan.

Gần bè của ông Nam, bè cá rộng 100 mét vuông của ông Trần Văn Nữa (58 tuổi, trú tổ 15, P.Mân Thái, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nay trơ ra hàng chục lồng lưới trống. Nhiều ngày qua, ông Nữa huy động cả gia đình vớt cá đang ngoi ngóp bán tống bán tháo cũng chỉ ở mức giá rẻ mạt. Cá mú 250.000 đồng/kg nay chỉ còn 60.000 đồng/kg, cá hồng, cá dìa, cá bớp… 150.000 đồng/kg giờ chỉ được 30.000 đồng/kg. Không chỉ bè của ông Nữa, mà hơn 20 bè của nông dân từ âu thuyền Thọ Quang, chân cầu và vịnh Mân Quang cũng tấp hàng tạ cá chết vào bờ cát. Tuy Hội Nông dân chưa có thống kê thiệt hại mà 20 bè cá cùng chừng đó hộ gia đình phải gánh chịu, nhưng cứ nhẩm tính mỗi hộ mất trắng từ vài chục đến cả trăm triệu đồng từ bè cá, thì số tiền phải lên đến hàng tỉ đồng.

Trước đó, vào giữa tháng 5.2010 tại sông Kim Liên, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng cá chết xảy ra hàng loạt do nước thải khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu gần đó “đầu độc”.

Do ô nhiễm?

Ông Huỳnh Ngọc Lơi - Chủ tịch Hội Nông dân P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng - cho biết: “Phòng Tài nguyên Môi trường Q.Sơn Trà và Hội Nông dân phường đã có đi kiểm tra nhưng thực sự thì chúng tôi chỉ nhìn bằng mắt thường thấy màu nước trong vịnh đục đục, vàng vàng chứ không kết luận được. Chúng tôi đã báo cáo và mời cơ quan thẩm định chứ chúng tôi cũng không biết xử lý làm sao”.


Trong khi đó Nhà máy xử lý nước thải Thọ Quang sau 2 ngày vận hành đã bị đổ sập bồn chứa

Theo Hội Nông dân P.Thọ Quang, lâu nay, vị trí xác định nuôi cá lồng bè là ở khu vực ngoài rìa vịnh Mân Quang chứ không phải trong âu thuyền và một số khu vực kín gió khác. Tuy nhiên phía ngoài rìa vịnh gió to, sóng lớn nên không thể nuôi cá lồng bè, các hộ nông dân phải tự di dời vào phía sâu trong vịnh. Trong khi đó, lâu nay, khu vực âu thuyền Thọ Quang, vịnh Mân Quang đã là “điểm nóng” ô nhiễm khi 20 nhà máy trong KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang vô tư xả nước thải trực tiếp ra khu vực này.

Ở trong vịnh thì gặp nguồn nước ô nhiễm, chạy ra ngoài vịnh thì không thể nuôi cá lồng bè. Hơn 20 hộ nông dân, 100 người đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Huỳnh Ngọc Lơi phân tích: “Cá chết thì cũng do nhiều yếu tố, có thể trời đang nắng mà mưa đột ngột khiến môi trường nước thiếu ô-xy, còn nguồn nước thải từ các nhà máy thải ra ô nhiễm âu thuyền Thọ Quang lâu nay là chuyện tất nhiên rồi, trước đây, tình trạng cá chết cũng thỉnh thoảng xuất hiện nhưng không nhiều như vừa qua”.

Trong khi đó, Nhà máy xử lý nước thải Thọ Quang với nhiệm vụ giải quyết tình trạng ô nhiễm trong âu thuyền vừa mới đưa vào vận hành 2 ngày đã gặp sự cố. Sáng 12.7, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Công ty TNHH Khoa học công nghệ môi trường Quốc Việt vận hành thử nghiệm Nhà máy xử lý nước thải Thọ Quang với công suất 3.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư gần 10 tỉ đồng. Theo đó, 20 nhà máy tại KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang sẽ tiến hành đấu nối hệ thống xả thải của đơn vị vào hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy, chấm dứt tình trạng xả trực tiếp ra âu thuyền lâu nay.

Tuy nhiên, đến chiều ngày 14.7, một bờ tường của bể chứa nước thải dung tích 500 m3 đã đổ sập hoàn toàn khiến toàn bộ nước thải tràn ra ngoài môi trường tự nhiên, Nhà máy buộc phải ngừng hoạt động.

Bài, ảnh: Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.