Lái xe trên cao tốc chỉ dễ nhất… với ‘tài già’

29/08/2022 13:00 GMT+7

Phải thừa nhận rằng lái xe trên cao tốc thực sự rất nhàn và nhẹ nhàng, nhưng không phải với ai cũng như vậy.

Đọc bài viết Lái xe trên đường cao tốc có khó không? Tôi thấy một số bạn bình luận rằng, lái xe trên cao tốc là dễ nhất, dễ hơn cả đường trường hoặc đường đô thị. Với cá nhân tôi, nhận định trên rất đúng. Thế nhưng với nhiều người (nhất là những người mới lái hoặc không thường xuyên lái xe) tôi nghĩ cần xem lại.

Tôi là một thầy giáo dạy thực hành lái xe gần 20 năm và hầu như ngày nào cũng tiếp xúc với những người mới tập tễnh cầm vô lăng. Chính vì vậy, tôi hiểu rõ tâm lý cũng như kỹ năng, kinh nghiệm của các học viên ở mức nào.

Ngoại trừ những bạn đã lái xe thuần thục trước khi sát hạch lấy bằng lái, đa số người học lái xe còn rất… ngây ngô. Trong khi đó, thời gian học lái tại các trung tâm (cả lý thuyết và thực hành) đều rất hạn chế. Lý thuyết nhiều bạn thi điểm tuyệt đối nhưng khi ra đường thực tế lại không hiểu được biển báo, vạch kẻ đường. Thực hành thì thậm chí còn đáng lo hơn. Bởi vì đa số học viên tập luyện các bài thi sa hình theo mẹo, tập đi tập lại chỉ gói gọn trong ô vuông sa hình, chứ lái xe tham gia giao thông thực tế trên đường thì hầu như không có.

Đối với nhiều tài xế mới, việc lái xe đi trên cao tốc không hẳn là dễ dàng

Nói như vậy mới thấy, thực tế nhiều người cầm trên tay tấm bằng lái nhưng kỹ năng cũng chỉ ở mức… sa hình. Kinh nghiệm xử lý tình huống hầu như không có.

Vậy thì sao? Quay lại vấn đề lái xe trên đường cao tốc. Nhiều bạn nói dễ tôi không phủ nhận. Vì thú thật tôi lái xe đi trên cao tốc rất nhàn, nhàn nhất nếu so với việc lái xe trong nội đô đông đúc hay trên quốc lộ. Bởi đường cao tốc thường rộng, ít ngã ba ngã tư, không có nhà dân ven đường và cũng không có xe máy, nên nhìn chung lái xe không cần phải bận tâm quá nhiều đến những mối nguy hiểm tiềm ẩn. Chỉ cần chú ý đúng tốc độ quy định, khoảng cách an toàn, tuân thủ biển báo là xong.

Nhưng, đó là với những “tài già”, đã lái xe lâu năm, vừa có kinh nghiệm vừa vững tâm lý. Còn với những người mới lái (như các học viên của tôi sau khi lấy bằng), nói lái xe trên đường cao tốc là dễ nhất tôi cho rằng không đúng.

Thứ nhất, đường cao tốc thường thiết kế di chuyển với tốc độ cao. Với những “tài mới” thường quen học những bài thi sa hình, hoặc lái xe chạy vòng quanh những đoạn đường vắng với tốc độ 20 - 30 km/giờ, đột nhiên lái xe lên cao tốc và phải chạy ít nhất 60 km/giờ chắc chắn chưa quen.

Thứ hai, cá nhân tôi thấy hầu hết học viên leo lên xe rất căng thẳng và thường hoảng loạn nếu xảy ra sự cố, tình huống bất ngờ. Trường hợp đi trên cao tốc, nếu chưa vững tâm lý thực sự tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Ví dụ, xe phía trước phanh bất ngờ hay gặp xe vượt ẩu, tạt đầu; thậm chí trường hợp đi chậm bị các xe phía sau bóp còi thôi cũng sẽ dễ rối và mất bình tĩnh, không còn tập trung lái.

Nói tóm lại, lái xe trên cao tốc khó hay dễ tùy thuộc vào người lái. Với “tài mới”, tôi cho rằng nếu chưa lái xe đi trên cao tốc bao giờ, tốt nhất nên luyện tay lái và tâm lý kỹ càng. Đặc biệt, những lần đầu đi trên cao tốc, nên nhờ có người kinh nghiệm đi cùng để tự tin hơn và học hỏi thêm kinh nghiệm. Cẩn thận chưa bao giờ là thừa khi tham gia giao thông. Trên cao tốc, chỉ cần một sai lầm nhỏ thôi cũng có thể không còn cơ hội làm lại.

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người đang sống và làm việc tại Hà Nội.

* Đóng góp bài viết về Xe-Thanh Niên xin gửi về xe@thanhnien.vn hoặc thainguyenthanhnien@gmail.com.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.