Làm chủ công nghệ cao

15/01/2015 04:48 GMT+7

Là Đảng viên trẻ, lại được xác định là một trong những hạt nhân của chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), kỹ sư Bùi Quang Vinh (35 tuổi), người chế tạo nhiều thiết bị tự động hóa “made in VN” là một trong những gương mặt nổi bật.

Là Đảng viên trẻ, lại được xác định là một trong những hạt nhân của chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), kỹ sư Bùi Quang Vinh (35 tuổi), người chế tạo nhiều thiết bị tự động hóa “made in VN” là một trong những gương mặt nổi bật.
Kỹ sư Bùi Quang Vinh với thiết bị máy mài giày da tự động - Ảnh: Đình Phú
Tốt nghiệp ngành cơ khí của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, năm 2003, Vinh đi bộ đội. Gia nhập Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 271, Sư đoàn 5 (Quân khu 7), Vinh được chọn làm nhân viên quân lực theo dõi quân số của tiểu đoàn và anh xuất ngũ với quân hàm trung sĩ sau 2 năm hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự.
Thành công bước đầu
Hiện kỹ sư Bùi Quang Vinh phụ trách Phòng Thí nghiệm cơ khí chính xác và tự động hóa, Trung tâm nghiên cứu triển khai của SHTP. Với sự dẫn dắt của TS Dương Minh Tâm, Phó trưởng ban SHTP kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai, anh Vinh đã miệt mài nghiên cứu để cho xuất xưởng liên tiếp nhiều thiết bị tự động hóa. Đề tài đầu tiên anh tham gia nghiên cứu và chế tạo thiết bị là hệ thống lưu kho và cấp phát hàng hóa bằng rô bốt. Đây là một đề tài cấp nhà nước và hệ thống này hiện đã được 1 doanh nghiệp ứng dụng trong thực tế.
Từ thành công bước đầu này, lãnh đạo SHTP "đặt hàng" anh Vinh chế tạo khóa điện tử dùng cho xe container. Sử dụng những bản thiết kế vi mạch điện tử của Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, anh và các cộng sự của mình tích hợp công nghệ GPS, GPRS và sim 3G để hoàn chỉnh bộ khóa điện tử. Khi gắn bộ khóa này vào các xe container, chủ hàng hoặc chủ xe sẽ giám sát được từ xa sự an toàn của hàng hóa; lộ trình và tốc độ của phương tiện... Khóa còn được trang bị hệ thống cảnh báo chống phá hoại. Nếu khóa bị đập phá để lấy trộm hàng thì hệ thống này sẽ tự động chuyển phát tín hiệu về điện thoại di động của chủ hàng bằng tin nhắn. Đơn vị của Vinh đã bán được 100 bộ cho một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Anh đang tiếp tục hoàn thành đơn hàng của UBND TP.HCM đặt sản xuất thử nghiệm 1.000 bộ khóa điện tử để phục vụ cho nhu cầu thương mại hóa trên thị trường.
Hướng đến nhu cầu của thị trường
Khi chúng tôi đến Phòng Thí nghiệm cơ khí chính xác và tự động hóa, anh Vinh đang tập trung hiệu chỉnh thiết bị máy mài giày da tự động để sớm bàn giao cho khách hàng. Anh Vinh cho biết thiết bị này hình thành từ đơn đặt hàng của 1 doanh nghiệp chuyên sản xuất giày xuất khẩu ở tỉnh Đồng Nai. Khi sử dụng thiết bị này, đế giày sẽ được mài tự động theo từng kích cỡ của mẫu chọn sẵn một cách hoàn chỉnh mà không cần phải trải qua 4 công đoạn làm bằng tay như trước đây.
Một sản phẩm khác mà anh Vinh đang hoàn thiện để hướng đến nhu cầu của thị trường là thiết bị điện kế điện tử. Thiết bị này là sản phẩm kết hợp giữa đồng hồ điện cơ và vi mạch điện tử của ICDREC, có thể ghi nhận tự động số lượng điện tiêu thụ của từng hộ dân rồi chuyển lên hệ thống giám sát chung cho đơn vị cung cấp điện và cả khách hàng. Một số chi nhánh điện lực trên địa bàn TP.HCM đang thí điểm lắp đặt và nhờ đó nhân viên điện lực không cần đến từng hộ dân nhưng vẫn biết được chính xác số liệu điện tiêu thụ trong từng tháng.
“Anh em cũng đang lên kế hoạch thương mại hóa sản phẩm rô bốt cắt cỏ (đề tài nghiên cứu này cũng đã được nghiệm thu - PV) và sắp tới sẽ chế tạo thiết bị cột đo nhiên liệu trong bồn chứa, rô bốt bốc xếp hàng hóa”, anh Vinh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.