Làm chuồng để tránh mất bò

23/05/2010 00:49 GMT+7

Việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về cải cách tài chính đã mở đường cho Tổng thống Barack Obama giành được một thắng lợi quan trọng nữa về chính trị nội bộ.

Sau cuộc cải cách y tế, cuộc cải cách tài chính này được ông Obama dành cho sự quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Nó cũng còn là sự can thiệp sâu rộng nhất của nhà nước vào hệ thống ngân hàng và hoạt động của thị trường tài chính ở Mỹ kể từ cuộc đại suy thoái kinh tế ở đất nước này hồi thập niên 1930.

Tuy cùng là kết quả của những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới rồi xuất phát từ nước Mỹ, biện pháp đối phó của Mỹ và EU trên lĩnh vực này giống nhau về định hướng, chỉ khác nhau về quy mô và mức độ. Với dự luật nói trên, Mỹ đã đi xa hơn EU. Thắng lợi đối với ông Obama thật đấy, nhưng nguyên nhân giúp ông giành được thắng lợi này trong thực chất lại là nỗi lo sợ từ phía các nhà lập pháp Mỹ. Họ lo sợ khủng hoảng tương tự lại xảy ra, nhà nước lại phải bỏ tiền thu thuế của người dân để cứu trợ ngân hàng và giúp cho hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính hoạt động bình thường. Họ lo sợ bị dư luận cho rằng họ thụ động ngồi nhìn trong khi lẽ ra phải hành động. Và họ muốn tránh mọi trách nhiệm bị dồn cho trong trường hợp khủng hoảng lại bùng phát. Hay nói cách khác, cả cơ quan lập pháp lẫn hành pháp đều quyết tâm làm chuồng để tránh lại bị mất bò.

Nỗi lo sợ của họ là cơ hội đối với ông Obama và vị tổng thống này đã tận dụng cơ hội ấy. Nhìn vào nội dung của luật có thể thấy ở đâu khác thì không dám nói chứ ít nhất ở nước

Mỹ - và cả ở trong EU - không thể nói đến kinh tế thị trường tự do được nữa. Nhà nước tăng cường can thiệp sâu rộng và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tất cả các đối tác tham gia thị trường tài chính. Nhà nước đã không chỉ làm chuồng giữ bò, giám sát hành tung của cả người mua lẫn người bán bò mà còn của cả những kẻ mon men định trộm bò.                                        

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.