Sợ nhất là sống gần chị chồng
Người đời thường có câu “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, ngụ ý nhắc tới chuyện khó ở giữa chị,em chồng và người làm dâu. Với chị Nguyễn Thanh Hà (27 tuổi, sống ở TP Vinh, Nghệ An), câu nói đó quả thực không sai một ly.
Về làm dâu đã 5 năm, tuy không hợp tính với mẹ chồng nhưng chị Hà lại không quá “dị ứng” như với em chồng. Chị tuy ít tuổi hơn nhưng theo thứ bậc vẫn là chị nên từ ngày về làm dâu, em chồng chị luôn có thái độ xét nét, chê bai chị với mẹ chồng mỗi khi vắng chị.
tin liên quan
Phụ nữ Việt than thở chuyện làm dâu... xứ Ấn ĐộXã hội Ấn Độ trong phim không khác ngoài đời là mấy - một bộc bạch của cô dâu Việt. Một buổi tối, cô bạn ở Chennai nhắn tin: “Chị ơi, em không thể ở lại đây nữa, em chán cuộc sống phải nghe những lời cằn nhằn, yêu sách, phải làm cái này cái nọ từ mẹ chồng”.
Lần sinh con đầu lòng, chị Hà có xích mích với mẹ chồng nhưng vẫn tỏ thái độ bình thường vì chị luôn cho rằng dù sao mẹ sinh ra thế hệ trước nên có bất đồng quan điểm cũng là lẽ thường.
Thế nhưng, em chồng được thể “thêm dầu vào lửa” để tách biệt mẹ con chị. Chồng chị cuối cùng phải vào cuộc để cân bằng mọi chuyện giữa em gái và vợ. Từ đó về sau, chị Hà gần như chỉ nói chuyện với em chồng khi cần thiết mà thôi.
Trong khi với chị Thanh (30 tuổi, sống ở TP Thanh Hóa), chị chồng sống gần mẹ đẻ nên hầu như ngày nào cũng chạm mặt nhau. Còn nhớ, ngày đầu tiên làm dâu, chị vừa thay bộ váy cưới thì chị chồng đã chỉ ngay vào đống bát đĩa: “xinh đẹp đủ rồi, giờ thay quần áo rồi rửa bát với các cô các dì đi” khiến đêm tân hôn của chị vẫn ấm ức mãi.
Nhà vợ chồng chị Thanh đang sống vốn là nhà của bố mẹ chồng xây trước đây. Thế nhưng, thỉnh thoảng chị chồng lại “đánh tiếng” rằng “tụi mày sướng, có nhà cao cửa đẹp ở, chẳng phải lo như người ta” khiến chị Thanh nhiều lần tức giận trút lên đầu chồng.
Một lần cãi nhau nặng tiếng với chồng, chị chồng ôm con về nhà mẹ đẻ, tức nhà chị Thanh đang sống. Tưởng chừng chỉ sống tạm vài tuần, ai dè, chị tuyên bố một câu xanh rờn “Quan điểm của chị là con trai như con gái. Đây là nhà của bố mẹ nên chị và cháu sẽ ở đây một thời gian”.
Chồng chị Thanh vì thương chị gái nên không dám lên tiếng, trong khi chị đã nói rõ việc sống chung với “bà cô bên chồng” là không ổn nhưng chị chồng vẫn một mực “ở nhờ”. Vốn làm em nên chị Thanh đành ngậm ngùi sống chung với cảnh “ba gia đình ở trong 1 nhà” khiến cuộc sống bị xáo trộn. Cuối cùng, sau hai tháng “nghẹt thở” vì sống cùng cả mẹ và chị chồng, chị Thanh mới được giải thoát khi chị chồng quay về nhà sống.
Chị chồng “bòn rút” mẹ đẻ
Không ít nàng dâu khi về sống chung với gia đình chồng mới biết thái độ “bòn rút” của các bà cô tới mức nào. Khi kể về chuyện này, nhiều nàng dâu e ngại vì sợ bị cho mình tham lam nhưng thực tế không thể không nói ra.
Về chung sống với mẹ chồng đã 6 năm nhưng bản thân chị Thìn (28 tuổi, quê Nam Định) lại luôn cảm thấy chạnh lòng vì cách hai “bà cô” luôn tìm cách xin tiền ông bà. Gia đình chồng vốn khá giả nhưng cách đây một năm, hai chị chồng khó khăn, liên tục gọi điện “vòi vĩnh” tiền bố mẹ. Thương con gái, ông bà thậm chí còn cầm cố luôn cả bìa đất để cho con vay khiến ông bà hiện rơi vào cảnh “tiền chữa bệnh cũng không có”.
Có lần, chị Thìn còn biết được chuyện hai chị chồng xúi giục ông bà bán ngôi nhà đang ở để chuyển đến địa điểm khác nhằm “kiếm chác” từ số tiền bán nhà. Bản thân chị cũng nhiều lần khuyên ông bà chỉ nên giúp đỡ con gái ở mức độ vừa phải bởi dù sao chị cũng đã lấy chồng, để nhà chồng gánh vác bớt khó khăn. Thế nhưng, nhiều lần con gái gọi điện khóc lóc, ông bà không nỡ bỏ mặc, lại lén lút đi vay mượn dù biết rằng ngày hoàn trả sẽ rất xa.
“Bản thân mình cũng là con gái, lấy chồng rồi không giúp được bố mẹ ruột thì cũng không nên làm khổ”, chị Thìn thẳng thắn.
Được bố mẹ giúp đỡ như vậy nhưng các chị chồng của chị Thìn luôn tỏ thái độ ghanh tị với vợ chồng em trai mỗi khi ông bà mua cho một vật dụng gì trong nhà. Thậm chí, các chị còn lén lút nói xấu chị với chồng chị. May sao chồng là người tâm lý, mỗi lần chị gái chê vợ, anh đều lên tiếng đỡ lời.
Hạnh phúc khi có chị chồng như chị gái
Thế nhưng, không ít nàng dâu lại may mắn có được những người em, người chị chồng rất tốt bụng, có thể chia sẻ và cảm thông mọi chuyện.
Với chị Trang, 31 tuổi, sống ở Đà Nẵng, chuyện về làm dâu gia đình chồng là một may mắn bởi chị có thêm một người em gái là em chồng rất tâm lý. Vốn dĩ chị và em chồng hiện nay là bạn học với nhau nên cả hai khá hiểu tính nhau. Đặc biệt, mỗi lần mẹ chồng chị phản bác chuyện chị chăm con hay chê bai chị không chăm sóc chồng chu đáo thì em chồng chị luôn là người đứng ra lên tiếng bênh chị.
Trong khi đó, với Tùng, 27 tuổi, hiện sống ở TP Vinh cũng luôn cảm thấy hài lòng khi nhà chồng chị có hai “bà cô” vô cùng khôn khéo. Mỗi lần xảy ra mâu thuẫn với chồng, chị Tùng luôn tìm đến hai chị để chia sẻ. Hai chị cũng luôn là người vun vén và dành tình thương thực sự cho các cháu.
“Có lẽ các chị cũng lấy chồng có “bà cô” nên họ hiểu được tâm trạng của người làm dâu. Nếu ai cũng đặt mình vào vị trí của người khác thì mọi sự sẽ khác”, chị Tùng tâm sự.
Bình luận (0)