Làm gì để có giáo sư chất lượng?: Giáo sư gắn với uy tín của trường

28/02/2018 08:54 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia, việc công nhận giáo sư, phó giáo sư nên để cho các trường tự quyết định.

Chấm dứt tình trạng nhà nước đứng ra phong
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) chỉ là vị trí công tác, chức vụ liên quan đến công việc của trường ĐH, do đó việc công nhận nên để các trường tự quyết định. Khi đó sẽ có GS của từng trường, từng ngành với vị thế và uy tín khác nhau gắn với tên từng trường ĐH. Hiện nay chúng ta có những GS không gắn với trường ĐH, không phục vụ cho trường. “Tôi cho rằng nên chấm dứt tình trạng nhà nước đứng ra phong các chức danh này, thay vào đó để các trường làm”, ông Tống nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Tống, chỉ người thực sự uy tín mới được phong, còn ở những trường quá nhỏ hẹp về chuyên môn sẽ dẫn tới tình trạng lạm phát GS, PGS. Do vậy trường nhỏ có thể liên kết các trường khác cùng thực hiện. Nếu giao cho các trường tự thực hiện sẽ thúc đẩy các trường cạnh tranh nhau. Trường uy tín thì GS uy tín và ngược lại. Còn cách làm hiện nay thì GS trường nào cũng như nhau.
Đồng quan điểm, TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, đề xuất chỉ nên đưa ra tiêu chuẩn cứng của GS về khoa học. Sau đó việc lấy tín nhiệm, công nhận và bổ nhiệm đều thuộc về các đơn vị nghiên cứu hoặc đào tạo. Các đơn vị này có chỉ tiêu nhất định về số lượng GS để phục vụ các nhiệm vụ dẫn dắt chuyên môn…
Công khai, minh bạch để xã hội cùng giám sát
PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng cần có một bộ quy chuẩn chung và được nhà nước công nhận. Quy trình hiện nay đúng nhưng thực tế cách làm còn nhiều vấn đề, có phần nể nang. Do vậy cần chặt chẽ, công khai và minh bạch. Tốt nhất là đưa toàn bộ hồ sơ của các ứng viên lên website của Hội đồng cơ sở để cả xã hội cùng giám sát. Sau này khi cơ chế giáo dục đạt trình độ cao thì có thể làm như cách của thế giới, trường nào bổ nhiệm trường đó. Nếu giao ngay việc này cho từng trường sẽ chưa phù hợp trong điều kiện trường yếu trường mạnh như hiện nay.
GS Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều Bỉ, cho rằng hệ thống chức danh của VN đã lạc hậu. Hệ thống này còn có những căn nguyên phát sinh tiêu cực.
GS các nước gắn liền với công việc, nhiệm vụ, đòi hỏi yêu cầu khắt khe. Chẳng hạn ở Bỉ, một người được phong GS khi trường cần chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, người này phải có nghiên cứu khoa học, có công bố khoa học trên báo chí quốc tế (ít nhất 50 bài cho GS, 20 bài cho PGS). GS phải có ít nhất 60 tiết, giờ dạy tại trường, có khả năng phát biểu trước sinh viên, đảm bảo việc truyền bá khoa học, có thể thu hút, gây sự chú ý của người nghe… Lúc đó, trường sẽ phong GS giảng dạy trong thời gian 3 năm, 5 năm và vĩnh viễn. Trong khi đó, ở VN cũng có GS giảng dạy, nhưng thêm GS học hàm, không gắn liền dạy dỗ. Trong 100 GS ở VN thì hết 60 GS như vậy.
Hiện nay, ngoài Hội đồng chức danh GS nhà nước còn có hội đồng chức danh các ngành nhưng không đồng đều. Cần lập một hội đồng chức danh khác độc lập, vô tư hơn, chỉ cần 3 người là đủ, có thể áp dụng tại Hội đồng chức danh các ngành, sau đó đề xuất gửi lên Hội đồng chức danh GS nhà nước.
Có nên công nhận GS cho người không đi dạy ?
PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn cũng như nhiều chuyên gia khác cho rằng không nên phong GS, PGS cho những người không làm công tác giảng dạy.
Trong khi đó, GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Y khoa Garvan (Úc), cho biết quan niệm GS là chức vụ dành cho người giảng dạy và/hoặc nghiên cứu khoa học là một cách hiểu cũ, không còn thích hợp nữa. Trong thực tế, các trường ĐH phương Tây (như Úc) có 3 ngạch GS. Ngạch 1 dành cho những người nghiên cứu khoa học, ngạch 2 dành cho những người giảng dạy và ít làm nghiên cứu, ngạch 3 cho những người làm quản lý và phục vụ, không giảng dạy cũng chẳng làm nghiên cứu khoa học, nhưng họ là quan chức cao cấp và có công lớn gầy dựng ĐH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.