Chị Bích Thủy (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Con tôi bị bạn bắt nạt tại trường nhiều lần mà tôi vẫn chưa tìm ra cách giải quyết hiệu quả. Tôi đã tìm cách tiếp cận với bạn của con và phụ huynh nhưng không hiệu quả khi sự việc vẫn tái diễn. Giờ tôi phải làm sao?”.
Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhận định: “Việc một đứa trẻ tới trường thường xuyên bị bắt nạt gây ra nhiều hệ lụy cho trẻ và các bậc phụ huynh. Đứa trẻ sẽ trở nên sợ hãi, không muốn đi học, về nhà không dám kể cho cha mẹ nghe… Tâm lý của con trẻ sẽ bị ảnh hưởng ghê gớm, có thể dẫn đến khủng hoảng, rối loạn tâm thần. Những tình huống xấu đó sẽ là dấu ấn theo trẻ mãi trong cuộc đời”.
tin liên quan
Khi học sinh 'tự xử' bạn học
Mới đây một phụ huynh ở TP.HCM đã bày tỏ bức xúc khi nghe con kể về sự việc một cán sự lớp ở trường trong quá trình nhắc nhở sai phạm của một bạn cùng lớp đã bị bạn đó vặn bong gân tay.
Theo tiến sĩ Điệp, sở dĩ một đứa trẻ hay bị bắt nạt là do tính cách nhút nhát, yếu đuối, không tự tin, thụ động, được cha mẹ bao bọc kỹ quá nên không biết ứng phó trước những tình huống diễn ra trong cuộc sống. “Để giải quyết tình trạng này, phụ huynh nên đến trường, gặp giáo viên chủ nhiệm để trao đổi. Nhà trường và giáo viên phải có trách nhiệm trao đổi với phụ huynh của trẻ bắt nạt bạn, đồng thời khuyên răn trẻ không được tiếp tục như vậy. Và quan trọng hơn cả là phụ huynh của nạn nhân phải giáo dục con mình những tính cách mạnh mẽ, độc lập, kỹ năng xử lý vấn đề”.
Trong khi đó, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, đưa ra lời khuyên, nếu phụ huynh rơi vào trường hợp trên, cần làm đơn gửi tới trường nơi con theo học trình bày rõ sự việc đề nghị trường giải quyết. Nhà trường cũng nên có những hình thức xử lý bằng cách hạ hạnh kiểm học sinh nếu tái phạm nhiều lần...
tin liên quan
Đùa giỡn trúng mặt, phụ huynh xông vào trường đánh học sinhTrong lúc đùa giỡn làm trúng mặt bạn học cùng lớp, học sinh này bị phụ huynh xông vào trường đánh.
“Có như vậy những trẻ hay bắt nạt bạn mới cảm thấy việc mình làm là sai trái, cần phải dừng lại. Đồng thời, gia đình của trẻ là nạn nhân nên cho con biết luôn có thầy cô, bạn bè và cha mẹ bảo vệ con. Vì thế, con không cần phải sợ hãi, hãy luôn tự tin và mạnh mẽ. Con cũng nên chơi chung với một nhóm bạn để đối phương e ngại, và nếu bị bắt nạt, sẽ có người chứng kiến và báo lại cho thầy cô, gia đình biết để có cách xử lý”, thạc sĩ Hòa An chia sẻ.
Bình luận (0)