Ở Đồng Tháp có nhiều thanh niên liên kết, hợp tác giúp nhau cùng làm giàu và Tổ hợp tác Thanh Niên chăn nuôi bò thịt (THT Thanh Niên) ở ấp Phú Thành (xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc) là một trong số đó.
Anh Trung (bên trái) và Phong đang cho bò ăn - Ảnh: T.D |
Chia sẻ kinh nghiệm
Phú Thành là nơi xa xôi, người dân sống bằng nghề làm bột, trồng lúa, nuôi heo nên việc 3 thanh niên hợp tác nuôi bò thịt quy mô lớn đã gây bất ngờ với nhiều người.
Anh Đặng Ngọc Phong (34 tuổi), người khởi xướng thành lập THT Thanh Niên, chia sẻ trước đây anh và các bạn từng nuôi bò thịt nhưng chỉ vài con nên hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2013, khi được Thành đoàn Sa Đéc, Xã đoàn hướng dẫn thành lập THT, anh đã vận động anh Phan Thế Trung và anh Nguyễn Văn Bộ (cùng 34 tuổi) tham gia lập tổ nuôi bò thịt nhằm mở một hướng làm ăn mới cho thanh niên trong vùng.
Ngày 24.6.2013, THT Thanh Niên ra đời với tổng vốn góp 90 triệu đồng và được T.Ư đoàn hỗ trợ 144 triệu đồng. Từ đó, các thành viên trong tổ mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua máy móc, thiết bị, con giống… về triển khai mô hình.
Anh Trung và Phong cho biết gọi là THT vì các thành viên hết lòng hỗ trợ kỹ thuật, ai có cái hay thì chỉ nhau, thường gặp gỡ bàn về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò bệnh, cách chọn bò giống, bò thịt, bổ sung dinh dưỡng để bò tăng trọng...
Anh Trung kể: “Trước đây, khi tôi nuôi vài con bò muốn bán rất khó vì đường quê cách trở, xe tải không vào được. Mặt khác do nuôi ít nên lười chăm sóc, bò không đạt chất lượng, thương lái trả giá thấp. Còn bây giờ, chúng tôi đồng loạt nuôi, mỗi lần xuất chuồng hàng chục con nên bán bò dễ, giá lại cao. Lúc mua bò giống, bò thịt cùng nhau đi mua số lượng nhiều nên giá cả cũng được người bán hạ bớt”.
Anh Phong nói trong chăn nuôi mỗi thành viên có điểm hay dở nên khi ngồi với nhau sẽ trao đổi học lẫn nhau. Lúc trước khi mua bò thịt hay bò giống chủ yếu là chọn… đại nên thường mua nhầm bò yếu, bệnh. Còn bây giờ, các thành viên nhận ra được bò thịt, bò giống thế nào là tốt.
Anh Phong phấn khởi: “Hiệu quả thấy rõ. Năm 2014, trừ các chi phí chúng tôi lời 300 triệu đồng từ nuôi bò, đây là mức lãi rất lớn bởi lúc trước nuôi bò bán cao lắm lời vài chục triệu đồng. Vì thế, năm nay chúng tôi đã tăng số lượng nuôi”.
Hướng làm ăn mới trong thanh niên
Theo các thành viên THT Thanh Niên, nuôi bò chủ yếu chuồng trại phải sạch sẽ để bò ít bệnh. Do đó, khi thành viên nào bận công việc đột xuất thì hoán đổi ngày công với thành viên còn lại để chăm sóc bò được tốt.
Nhằm chủ động nguồn thức ăn (chủ yếu là cỏ cho bò trong mùa nước nổi), các thành viên trong THT đã lấy đất trồng lúa trồng cỏ. Nhờ đó, khi nước lũ về hay khô hạn, THT vẫn bảo đảm nguồn cỏ xanh cho bò. Ngoài ra, anh Phong học được cách ủ chua thức ăn trong chăn nuôi bò và “bí quyết” này được anh chia sẻ cho 2 bạn. Anh Phong còn biết cách chọn được giống bò thích hợp với thức ăn ủ chua như bò lai Sind, Pháp cọp, Brahman, Ý. Cách này sau đó được các thành viên khác trong tổ áp dụng bởi bò ăn thức ăn ủ chua tăng trọng nhanh, tạo nạc tốt và giảm được các loại giun sán tấn công.
Hiện nay, anh Phong đang có 50 con bò thịt và bò giống, với mức giá hiện tại anh đang có trong tay khoảng 1 tỉ đồng. Còn anh Trung, anh Bộ hiện cũng có hàng chục con bò thịt và bò giống trong tay, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Từ thành công ban đầu của THT Thanh Niên, cả 3 anh đang tính xây dựng trang trại nuôi bò. Mô hình này đang được chính quyền và người dân địa phương đánh giá rất cao bởi ngoài hiệu quả kinh tế, nó còn tác động đến nhận thức, gợi mở hướng làm ăn cho thanh niên.
Năm 2014, anh Trung là 1 trong 4 thanh niên tiêu biểu của Đồng Tháp được T.Ư đoàn trao giải thưởng Lương Định Của. Năm 2015, anh Phong là một trong 3 thanh niên tiêu biểu của tỉnh được T.Ư đoàn trao giải Lương Định Của.
|
Bình luận (0)