Làm giàu nhờ nuôi thú lạ: Nuôi dông, làm chơi ăn thiệt

18/05/2009 23:01 GMT+7

Giàu nuôi cá, khá nuôi heo..." không còn là phương châm duy nhất, mà ngày càng nhiều nông dân trẻ, chủ trang trại dám nghĩ dám làm, tìm tòi và nuôi thành công nhiều loại vật nuôi mới lạ, cải thiện đời sống và làm giàu. Thanh Niên xin giới thiệu với độc giả loạt bài về những con vật nuôi làm kinh tế độc đáo. Nghe đọc bài

Ở Ninh Thuận, nhiều gia đình đã nuôi thành công con dông, một loài bò sát hoang dã sinh sống trên những động cát ven biển. Nghề nuôi dông đã mở ra hướng làm ăn mới cho ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung.

Mô hình nuôi tự nhiên

Ông Nguyễn Văn Kẹp ở làng Hòa Thủy, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) là một trong những người đầu tiên nuôi thành công con dông hoang dã. Ông Kẹp cho biết: "Năm 2005, tình cờ tôi gặp một lái buôn về làng đặt mua dông với giá 100.000 đồng/kg. Thế là cả làng cùng đi săn bắt. Chỉ một thời gian ngắn con dông trở nên khan hiếm, giá thị trường ngày càng cao. Từ đó tôi nghĩ ra cách xây dựng chuồng trại để đưa con dông hoang dã vào nuôi".

 

Dông trong chuồng của ông Kẹp - Ảnh: Thiện Nhân

Trên diện tích gần 300m2, ông Kẹp thiết kế chuồng trại y như một động cát tự nhiên thu nhỏ. Xung quanh chuồng xây tường bằng gạch, cao khoảng 1,5m; dưới đáy chuồng đổ một lớp xi măng dày khoảng 2 cm (để con dông không thể đào hang chui ra) nhưng phải đảm bảo thoát nước tốt, không bị ứ nước khi trời mưa. Sau đó, đổ lớp cát dày 1m lên đáy chuồng; đắp gò, trồng cỏ… tạo không gian cho con dông chạy nhảy, đào hang. Thức ăn của dông rất đơn giản, chủ yếu là các loại rau xanh, giá, đậu, hoa quả… Điều ngạc nhiên là tỷ lệ dông sống khi nuôi trong chuồng đạt 95%. Đặc biệt, chúng sinh sản nhanh, mau lớn và không bị dịch bệnh. "Làm chơi mà ăn thiệt, hằng tháng tôi thu hơn 1 triệu đồng từ tiền bán dông", ông Kẹp tâm sự. Hiện ông Kẹp đang chuẩn bị mở rộng trang trại trên diện tích gần 2 ha, gần động cát làng Hòa Thủy theo mô hình chăn nuôi mà không cung cấp thức ăn. Để thực hiện mô hình, ông Kẹp đã trồng cỏ, cây xanh tạo bóng mát… và làm tường rào từ hai năm nay. Khi thả con dông vào đây thì chúng tự tìm kiếm thức ăn như môi trường tự nhiên. Theo ông Kẹp, mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao vì tiết kiệm được công chăm sóc và chi phí thức ăn.

Làm sao phát triển bền vững?

Thịt dông thơm, trắng như thịt gà, ngọt, chắc, xương mềm, da thì dòn sừn sựt. Từ một món ăn dành cho cư dân vùng ven biển, ít người biết đến, nay thịt dông trở thành món nhậu đặc sản. Nhiều nhà hàng chế biến thịt dông thành 7 món: gỏi dông, chả dông, dông nướng, dông rô ti, dông hấp, dông nấu dưa hồng và cháo dông, được nhiều người ưa thích.

Anh Phạm Trung Nhớ, ở làng Hòa Thủy, xã Phước Hải, sau khi đến tham quan mô hình nuôi dông của ông Kẹp, đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng 3 chuồng nuôi trên đồi cát diện tích 500m2. Anh Nhớ cho biết: "Dông chỉ lên khỏi hang kiếm ăn một lần vào khoảng giữa trưa, thức ăn chủ yếu là cà chua, dưa hồng, rau muống... Rau quả mua ngoài chợ về rửa thật sạch rồi thả vào quanh chuồng để chúng tự tìm ăn. Dông sinh sản rất nhanh, một lần đẻ từ 6 - 8 trứng; 30 ngày sau trứng nở ra dông con. Vài tháng kế tiếp đàn dông con trưởng thành, tiếp tục sinh sản". Hiện tại trong chuồng của anh Nhớ luôn có trên 50.000 con dông sinh sản, mỗi tháng anh chi 3 triệu đồng tiền mua thức ăn. Dông thịt có giá từ 200.000 - 240.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm anh Nhớ thu lãi hơn 100 triệu đồng. Anh Nhớ kể: "Từ Tết Nguyên đán đến nay, tôi thu được 5 tạ con giống bán cho các hộ chăn nuôi ở TP.HCM, Khánh Hòa… Hiện có rất nhiều người gọi điện thoại đặt mua con giống nhưng không đủ số lượng để cung cấp".

Theo kinh nghiệm của anh Nhớ, để nuôi dông đạt kết quả cao thì chuồng trại phải đảm bảo 3 yếu tố: diện tích chuồng nuôi phải rộng (trên 200m2); cách xa khu dân cư để tránh mèo và chuột cống vào bắt dông; mùa khô phải thường xuyên phun nước tạo độ ẩm quanh chuồng.

Anh Huỳnh Thanh Huy Thái, Bí thư Đoàn xã Phước Hải, huyện Ninh Phước nói: "Mô hình này rất hay, thích hợp cho những người đã lớn tuổi, mất sức lao động, phụ nữ… Tuy nhiên, đây chỉ mô hình tự phát do người dân tự mày mò để chăn nuôi, cần có tài liệu, công trình nghiên cứu giúp họ phát triển nghề nuôi bền vững". Không riêng ở Ninh Thuận, hiện nghề nuôi dông phát triển rất nhanh ở khu vực duyên hải miền Trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao. (còn tiếp)

Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.