Làm khó báo chí tại tòa

10/08/2013 11:00 GMT+7

Dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND đang gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng nếu dự thảo pháp lệnh này được thông qua chẳng khác nào tòa “trói tay” báo chí.

Cấp giấy phép “con” cho phóng viên tác nghiệp ?

Hoạt động nghề nghiệp của nhà báo đã nằm trong khuôn khổ luật Báo chí và các văn bản khác thì không nên bày ra thêm quy định mang nặng tính xin - cho, cản trở nhà báo tác nghiệp

LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM)

Cụ thể, tại điểm e khoản 1 điều 17 dự thảo Pháp lệnh quy định: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự cho phép bằng văn bản của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của tòa án nơi giải quyết vụ án”.

Nếu có tình tiết tăng nặng như có tổ chức, tái phạm; lôi kéo, xúi giục người chưa thành niên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án... thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử lý bổ sung như buộc rời khỏi phòng xử án, tịch thu tang vật, phương tiện...

Như vậy với quy định này, nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa (người sử dụng phương tiện để ghi âm, ghi hình nhiều nhất tại phiên tòa) bị quản lý gắt gao, gây phiền toái trong tác nghiệp.

Trả lời Thanh Niên, luật sư (LS) Hà Hải (Đoàn LS TP.HCM) nói thẳng, dự thảo quy định của Pháp lệnh trái luật Báo chí và nghị định. Cụ thể, theo khoản 3 điều 8 Nghị định số 51 ngày 26.4.2002 (quy định chi tiết thi hành luật Báo chí, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Báo chí), nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, LS để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm này, LS Lưu Văn Tám (Đoàn LS Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ lo lắng quy định cấp “giấy phép con” cho phóng viên (PV) tác nghiệp như dự thảo sẽ làm thẩm phán chủ tọa phiên tòa và chánh án quá tải, đồng thời “trói” cơ quan báo chí. Theo LS Tám, hoạt động tác nghiệp (lấy tin, chụp ảnh...) của nhà báo ở tòa là hoạt động tức thời theo diễn biến của phiên tòa. Nếu muốn thực hiện như dự thảo quy định, tòa phải lập hẳn một bộ phận chuyên cấp giấy cho nhà báo tác nghiệp mới kịp.

LS Tám phân tích, mỗi ngày ở tòa án diễn ra hàng chục phiên tòa, thậm chí mỗi thẩm phán cũng có khi ngồi xử 3 - 5 vụ/ngày, một tháng như TAND TP.HCM có cả trăm vụ án được xử. Có phiên tòa có cả trăm PV tác nghiệp (như vụ hoa hậu Mỹ Xuân chẳng hạn), hay thường thì có cả chục PV tham dự. Đó là chưa nói PV còn bị động vì tòa lên lịch rồi còn bị hoãn xử tới hoãn xử lui mà thực hiện theo dự thảo thì ngày nào tòa cũng phải cấp vài chục giấy cho các PV tham dự. Do đó, nếu không có bộ phận riêng thì chánh án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa khó mà đảm đương công việc này.

Làm khó báo chí tại tòa
Phóng viên tác nghiệp ở tòa - Ảnh: Lê Nga

“Chẳng khác nào hạn chế hoạt động báo chí”

Đáng chú ý, điều 25 dự thảo Pháp lệnh cũng quy định: cảnh cáo đối với hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của tòa án; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng nếu đưa tin sai sự thật mà có tình tiết tăng nặng hoặc đã bị cảnh cáo về hành vi đó mà còn vi phạm.

Theo LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM), quy định trên đã lấn sân sang hoạt động khác và nếu không khéo thì tòa án - nơi thực hiện hoạt động xét xử sẽ thành cơ quan hành chính và việc xử phạt sẽ giẫm chân lên nhau, bởi lẽ luật Báo chí đã có quy định xử lý hành vi đưa tin sai sự thật phải cải chính và xin lỗi hoặc đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân. Nếu cơ quan báo chí, công dân thông tin gây thiệt hại cho tổ chức, công dân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.

“Hoạt động nghề nghiệp của nhà báo đã nằm trong khuôn khổ luật Báo chí và các văn bản khác thì không nên bày ra thêm quy định mang nặng tính xin - cho, cản trở nhà báo tác nghiệp”, ông Chánh nêu ý kiến.

Tương tự, LS Tám cũng cho rằng, hoạt động của báo chí là thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng chống tội phạm qua các phiên tòa, nhưng tòa không tạo điều kiện thông thoáng cho PV tác nghiệp mà “đụng đâu cũng thấy vướng, thì chẳng khác nào hạn chế hoạt động báo chí”.

Ảnh hưởng lớn đến hoạt động báo chí

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, cho biết Hội Nhà báo chưa được tham gia lấy ý kiến. Tuy nhiên ông nói: “Việc đưa ra một số quy định liên quan đến hoạt động báo chí, tôi cho rằng cần phải đối chiếu, so sánh để phù hợp với quy định của luật Báo chí. Mặt khác, hoạt động của tòa án có những quy định riêng song cũng cần phải tính đến những tính chất đặc thù, cần tạo điều kiện để báo chí đưa tin phản ánh cho xã hội nhanh hơn, tốt hơn. Việc đưa ra quy định ghi âm chụp ảnh tại tòa mà cần phải có văn bản của chánh án hay chủ tọa sẽ gây ảnh hưởng lớn đến những hoạt động này”.

Thái Sơn

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.