Mà áp lực đến từ đâu vậy, từ ai vậy? Nhất là với một học sinh ngoan, giỏi, có mức điểm trung bình học tập đạt đến 8,9 điểm.
Người lớn chúng ta không chắc đã đủ can đảm liệt kê ra những nguồn gây áp lực học tập và điểm số với con trẻ? Vì có thể chúng ta sẽ thấy sự lầm lạc của mình.
Không có gì là sai cả, nếu chúng ta đặt lên con trẻ kỳ vọng học giỏi, thành tài. Cũng chẳng có gì là sai cả, khi chúng ta đặt con trẻ vào một lộ trình rèn luyện khắt khe và đầy thử thách để chúng vươn lên và vượt trội. Áp lực là một phần không thể thiếu để thúc đẩy khả năng nội tại của mỗi cá nhân, buộc họ phải huy động những năng lực tiềm tàng của bản thân để vượt lên những giới hạn trung bình.
Nhưng không thể nhân danh động cơ tốt đẹp mà người lớn muốn dành cho con trẻ khi gây áp lực với chúng mà dễ dàng bỏ qua một số câu hỏi quan trọng. Câu hỏi thứ nhất là về cách thức gây áp lực với con trẻ để thúc đẩy nỗ lực của bản thân chúng. Câu hỏi thứ hai là về điểm dừng cần thiết của việc gây áp lực với con trẻ. Và câu hỏi thứ ba là về vai trò của người lớn trong việc sẻ chia cùng con trẻ những áp lực mà chúng phải đối mặt.
Gây áp lực với mệnh lệnh, với yêu cầu khắc nghiệt ép học tận đêm liệu có phải là cách phù hợp không, hay chí ít có phải là cách luôn luôn phù hợp với tất cả con trẻ không?
Điểm dừng nào là hợp lý để áp lực mà người lớn đặt lên con trẻ sẽ không làm chúng tổn thương và vượt ngưỡng chịu đựng?
Và liệu có phải người lớn đã quên lắng nghe dù chỉ một lần những gì con trẻ phải gánh chịu khi đối mặt với áp lực? Đứa trẻ không đơn giản cần một lời khen, một phần quà đắt tiền để chúng vượt qua áp lực. Đôi khi chúng cần hơn một cuộc trò chuyện sẻ chia và lắng nghe từ người lớn. Đôi khi đứa trẻ cần được nói với cha mẹ, rằng bố mẹ ơi con yêu bố mẹ, con biết ơn tất cả những gì bố mẹ mong muốn và giúp con, nhưng con thật sự đuối sức. Đừng để con trẻ phải viết ra điều ấy trong một bức thư tuyệt mệnh.
Không phải lần đầu nữa đâu, chúng ta nghe chuyện học trò tự tử vì áp lực học tập và điểm số. Sau lưng áp lực đó là những lầm lạc chết người về nhận thức giá trị cuộc sống không phải của con trẻ, mà là của chính người lớn chúng mình.
Là lầm lạc của chính người lớn chúng mình.
Bình luận (0)