Làm lại cuộc đời

19/01/2015 10:52 GMT+7

Với quyết tâm của bản thân cùng sự hỗ trợ của cộng đồng, nhiều người từng lầm lỗi ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã vượt lên mặc cảm để làm lại cuộc đời.

Với quyết tâm của bản thân cùng sự hỗ trợ của cộng đồng, nhiều người từng lầm lỗi ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã vượt lên mặc cảm để làm lại cuộc đời. 

Anh Nguyễn Duy Cư (bên trái) chia sẻ về cuộc sống trong quá khứ và hiện tại của mình
Anh Nguyễn Duy Cư (bên trái) chia sẻ về cuộc sống trong quá khứ và hiện tại của mình - Ảnh: Tuyết Khoa
Được thành lập từ năm 2012, mô hình “Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương” ở xã Thủy Thanh không chỉ thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng đối với những người từng lầm lỗi hoàn lương mà còn góp phần giữ vững an ninh trật tự của địa phương. Với sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ…cùng sự phối hợp với thôn, xóm và người thân để theo dõi, quản lý và giúp đỡ người mãn hạn tù trở về sinh sống tại địa phương. Nhiều hoạt động được triển khai như tuyên truyền, vận động xóa bỏ kỳ thị, phân biệt trong cộng đồng dân cư được chú trọng; tích cực hỗ trợ các thủ tục pháp lý như đăng ký cư trú, cấp giấy chứng minh nhân dân cho người chấp hành xong án phạt, xóa án tích; thăm hỏi động viên, vận động các đối tượng cam kết không tái phạm để hòa nhập cộng đồng; hướng nghiệp dạy nghề; hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn phát triển kinh tế…
Anh Trần Duy Cư đang sống tại thôn Thanh Thủy Chánh (xã Thủy Thanh), một trong những gương điển hình đã vượt qua mặc cảm làm lại cuộc đời chia sẻ: “Sau nhiều năm ngồi tù vì trộm cắp tài sản, tôi về lại quê. Ngày trở lại, tôi cực kỳ hoang mang vì không biết cuộc đời mình rồi sẽ ra sao khi không nghề nghiệp, không vốn liếng. Nhưng thật may mắn, Ban Chỉ đạo mô hình cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương đã bảo lãnh và tạo điều kiện cho vay vốn 50 triệu đồng để phát triển mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng và mở thêm dịch vụ ăn uống. Với sự thuận lợi đó, không chỉ tôi mà nhiều người có hoàn cảnh như tôi mới vững vàng bắt đầu cuộc sống mới…”.
Tương tự như anh Cư là trường hợp anh Nguyễn Viết Chiêm (33 tuổi) và Trần Duy Thịnh (31 tuổi). Năm 2001, Chiêm và Thịnh đều bị khởi tố về tội “giết người” sau một vụ ẩu đả gây ra án mạng giữa 2 nhóm thanh niên ở địa phương. Sau nhiều năm lãnh án, Chiêm và Thịnh trở về quê và được các cấp quan tâm cho vay vốn mỗi người 20 triệu đồng để đầu tư làm trang trại theo mô hình vịt - lúa - cá và đã ổn định được cuộc sống. Từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn xã Thủy Thanh còn có 25 trường hợp khác chấp hành xong án phạt tù được địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ việc làm, giúp phát triển kinh tế. Nhiều người được cảm hóa đã vượt qua lỗi lầm, mặc cảm trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo mô hình “Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương”, cho biết: “Mô hình này đã thực hiện nhiều năm nay tại địa phương, nhưng đến năm 2012 mới chính thức thành lập để thuận lợi và giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh hơn, góp phần tích cực giảm phát sinh tội phạm, tái phạm tội. Với những người từng lầm lỗi, để bắt đầu cuộc sống mới thật nhiều khó khăn. Bản thân thì mặc cảm, cộng đồng không ít người xa lánh…Việc hỗ trợ cơ chế, pháp lý giúp đỡ những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng là hết sức cần thiết”. Đó chính là mục đích của mô hình “Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.