Có trường hợp những người không có một giấy tờ tùy thân nào, muốn trở thành công dân hợp pháp cũng không biết bắt đầu từ đâu. Xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Kim Chiến - nguyên là Trưởng chi nhánh Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp tại TP.HCM đã trả lời phỏng vấn của Thanh Niên.
Làm lại khai sinh
* Được biết thời gian qua, Chi nhánh Cục Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp phía Nam đã giúp tháo gỡ được một số trường hợp khai sinh bị ách tắc. Vậy ông cho biết bằng cách nào?
- Vào năm 2006 - 2007, chúng tôi đã tư vấn, hỗ trợ làm được khai sinh cho khoảng 30 trường hợp trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ ở Trung tâm Nhân đạo Quê Hương (huyện Thuận An, Bình Dương), một số trường hợp ở quận 6, 7, huyện Củ Chi và một vài nơi khác tại khu vực phía Nam. Để việc tư vấn hỗ trợ được thuận tiện, chúng tôi đã nghĩ ra cách xây dựng một quy trình có tính quy ước để giải quyết các trường hợp này.
Theo đó, khi người không giấy tờ tùy thân, muốn làm được các giấy tờ khác như hộ khẩu, CMND thì trước hết phải có giấy khai sinh. Chúng tôi hướng dẫn họ cách thức lập một tờ cam kết, tường trình lại hoàn cảnh mình sinh ra, ở đâu, có ai biết về việc sinh ra của mình, đề nghị những người đó xác nhận vào tờ cam kết, trình UBND cấp xã (nơi người làm chứng cư ngụ) xác nhận chữ ký của những người làm chứng, rồi nộp tờ cam kết này kèm theo đơn đề nghị cấp giấy khai sinh cho UBND cấp xã. Trong thời hạn theo luật định, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện việc xác minh, nếu đúng như đương sự đã trình bày thì nơi đây sẽ làm thủ tục cấp khai sinh. Các tư vấn viên của chúng tôi đã có những cố gắng do muốn giúp đỡ cho đương sự tháo gỡ những vướng mắc khó khăn nên đã tiếp cận trao đổi trực tiếp với bộ phận giúp UBND xã là Tư pháp hộ tịch để giải quyết việc cấp giấy khai sinh cho những đối tượng này.
* Quy trình này được xây dựng trên cơ sở những quy định của pháp luật hiện nay phải không, thưa ông?
- Theo quy định tại điều 15 của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27.12.2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, “nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực”. Tinh thần của quy định này là ở chỗ Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người thực hiện quyền được khai sinh và có khai sinh, nhưng đồng thời cũng yêu cầu người đi khai sinh phải có những cam kết về việc sinh ra của mình để việc giải quyết có cơ sở và căn cứ xác đáng. Pháp luật cũng không định ra mẫu cam kết, cam đoan chi tiết, nên chúng tôi đã vận dụng tinh thần quy định trên để tư vấn cho đối tượng lập giấy cam kết về việc sinh với các nội dung như đã nêu ở trên cho người ta dễ làm. Việc khai sinh trong trường hợp này là khai sinh quá hạn (tức khai sinh sau 60 ngày kể từ ngày sinh, luật không khống chế thời hạn tối đa - PV), còn thủ tục khai sinh về căn bản là như nhau.
Thông tư 01/2008/TT-BTP ra đời sau này cũng có những tháo gỡ đáng kể và phù hợp với quy trình mà trước đây chúng tôi xây dựng, ví dụ như việc đương sự được khai sinh tại nơi tạm trú khi không có hộ khẩu thường trú.
Khi một người không có giấy tờ tùy thân, không biết bắt đầu từ đâu, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp phải có trách nhiệm hướng dẫn cho họ.
Thủ tục nhập lại hộ khẩu
Những trường hợp bị xóa tên trong sổ đăng ký thường trú và trong hộ khẩu cũ vì đi khỏi nơi cư trú trong thời gian dài nhưng không đăng ký tạm vắng, thì hồ sơ xin đăng ký thường trú gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu); Bản khai nhân khẩu (theo mẫu); Giấy chuyển hộ khẩu và giấy này cần phải có giấy xác nhận nơi trước đây đã đăng ký thường trú.
Hồ sơ xác nhận gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu); Giấy tờ chứng minh trước đây có hộ khẩu thường trú (nếu có). Gửi hồ sơ đề nghị xác nhận tại cơ quan đã đăng ký thường trú trước đây.
Ngoài những quy định về thủ tục nói trên, người muốn nhập hộ khẩu phải có một điều kiện không thể thiếu là phải có giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp. Nếu ở thuê, ở nhờ thì phải có văn bản đồng ý của chủ nhà. Nếu nhập hộ khẩu về với gia đình thì không cần chứng minh chỗ ở hợp pháp, nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ trên để làm căn cứ ghi vào sổ hộ khẩu (đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ cha mẹ và con; cha mẹ nuôi và con nuôi...).
Trường hợp đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương cần có thêm một trong các giấy tờ sau:
+ Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên (kể từ ngày đăng ký tạm trú đến ngày nộp hồ sơ đăng ký thường trú; tạm trú liên tục tại một chỗ hay tạm trú liên tục tại nhiều chỗ ở thành phố đó trong thời gian tổng cộng từ 1 năm trở lên).
Cần một trong các giấy tờ sau để chứng minh thời hạn tạm trú:
+ Giấy tờ về tạm trú có thời hạn hoặc xác nhận của công an phường, xã, thị trấn về thời gian tạm trú trước ngày 1.7.2007.
+ Sổ tạm trú hoặc xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về thời gian đăng ký tạm trú (với các trường hợp đăng ký tạm trú nhưng không cấp sổ tạm trú). Nếu có người đồng ý cho nhập vào hộ khẩu của mình thuộc một trong các trường hợp: vợ về ở với chồng, mẹ về ở với con thì không cần chứng minh chỗ ở hợp pháp và chứng minh đã tạm trú liên tục từ một năm trở lên.
Nộp hồ sơ tại công an huyện, quận, thị xã nếu đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương. Đăng ký thường trú tại tỉnh thì nộp tại công an xã, thị trấn thuộc huyện; công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Hoàng Tạo (thực hiện)
Bình luận (0)